“Bạn đang cần một số tiền để xoay xở? rất đơn giản, chỉ cần có CMND, dù đang bị nợ xấu vẫn được vay tiền nhanh online trong ngày với lãi suất thấp…”, hàng trăm câu mời gọi cho vay như thế này rất dễ dàng tìm thấy trên các website, mạng xã hội. Thế nhưng, phía sau những lời chào gọi này là nỗi sợ hãi của những gia đình “sập bẫy” vay nợ theo kiểu tín dụng đen.
Mánh khóe giăng bẫy
Cho vay tín dụng đen không chỉ được quảng cáo với hình thức dán khắp nơi trên đường, phát tờ rơi, card visit, thậm chí được quảng cáo qua phía bên ngoài các xe ôtô… Lướt trên các trang mạng xã hội, web tìm kiếm, chỉ vài giây có thể tìm thấy hàng trăm thông tin về các quảng cáo vay tiền nhanh qua dịch vụ app rất tiện lợi, không cần nhiều thủ tục rườm rà như trong ngân hàng.
Khách hàng chỉ cần click vào website hoặc tải ứng dụng về điện thoại để đăng ký, xác nhận một vài thông tin thì lập tức sẽ được hướng dẫn vay tiền một cách nhanh, gọn. Nhưng khi khách hàng “sập bẫy” vay tiền thì mới vỡ lẽ đây là một nơi vay theo kiểu tín dụng đen với lãi suất rất cao mà không ngờ tới được.
Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra công ty TNHH Cashwagon.
Những lời quảng cáo quá hấp dẫn từ những website, app ứng dụng điện thoại, mạng xã hội như: không cần hộ khẩu thường trú, không cần chứng minh thu nhập, chỉ cần có số điện thoại, chứng minh nhân dân là được vay từ 5 đến 50 triệu. Nghĩ những chỗ này thủ tục không rườm rà, dễ vay và khi mua được xe anh sẽ có thể kiếm được tiền để trả nên anh đã không ngần ngại tải ứng dụng app vay 8 triệu đồng và được chấp nhận.Anh Nguyễn Minh Thái, quê Vĩnh Long, gia đình khó khăn nên phải lên TP Hồ Chí Minh tìm việc. Cần tiền mua một chiếc xe máy để chạy xe ôm công nghệ, anh đã dò hỏi nhiều người, qua một số người giới thiệu, anh tìm kiếm thông tin những trang web, app ứng dụng cho vay tiền.
Nhưng ngay lập tức anh cũng nhận được thông báo tiền lãi và gốc trong 4 tháng phải là 11 triệu đồng. Lúc này anh mới giật mình biết rằng mình đang dính vào bẫy của một kiểu cho vay tín dụng đen.
Các khách hàng tìm vay qua app thường là những người cần một số tiền vay nhanh nhưng lại không đủ tiêu chuẩn vay tại các cơ sở tài chính hợp pháp. Những thông tin quảng cáo bắt mắt, cách đăng ký nhanh, thủ tục không đòi hỏi chi tiết rườm rà và tâm lý đang cần tiền khiến những người này không ngần ngại lựa chọn các app vay tiền online.
Thế nhưng, khi khách hàng đăng ký vay thì số tiền hoàn toàn khác, số tiền thực nhận thường ít hơn so với số tiền đăng ký và thêm vào đó là mức lãi suất trên trời. Khi nhận tiền, người vay bị trừ lãi ngay vào tiền gốc. Chậm trả họ bị đòi nợ theo kiểu giang hồ.
Hoàng, sinh viên một trường đại học ở quận Thủ Đức cho biết, anh đã vay tiền thông qua ứng dụng (app) là Cashwagon, iDong 2,3 triệu đồng, nhưng thực nhận chỉ được 1,45 triệu đồng do bị trừ lãi tháng đầu và phí hồ sơ. Do chưa kịp trả, Hoàng phải gia hạn hai lần, mỗi lần tiền phí gia hạn hơn 800.000 đồng. Sau 2 tháng anh phải trả đến 5,67 triệu đồng, tức là gần gấp ba lần số tiền vay ban đầu.
“Mùa dịch không đi làm thêm được, nên phải giấu gia đình vay tạm, nào ngờ suýt phải bỏ học về quê. Chưa kịp thanh toán thì em và người thân liên tục bị các số điện thoại rác gọi, nhắn tin khủng bố…” – Hoàng kể mà vẫn còn chưa hết sợ.
Một nạn nhân ngụ Đồng Nai từng phải gửi đơn cầu cứu khắp nơi sau khi bị ứng dụng Cashwagon tự động chuyển tiền vào tài khoản. Trước đó, nạn nhân là một nữ công nhân có vay qua ứng dụng này số tiền 1,5 triệu đồng và đã trả sau 3 ngày vay nên không bị tính lãi, rồi xóa ứng dụng.
Thời gian sau, khi tải lại ứng dụng này và đăng nhập, nữ công nhân bất ngờ khi ứng dụng này chuyển số tiền 2,5 triệu đồng đến tài khoản, cùng mức lãi suất 550.000 đồng/10 ngày, tổng gốc và lãi phải trả là 3,05 triệu đồng dù chị không có nhu cầu vay.
Nữ công nhân đã gọi điện thoại, rồi gửi email cho ứng dụng này và được chấp nhận hoàn trả số tiền gốc 2,5 triệu đồng vào ngày hôm sau. Tuy nhiên khi kiểm tra lại, chị phát hiện hợp đồng vẫn không bị hủy bỏ và vẫn bị tính lãi. Chị tiếp tục gọi lên tổng đài thì bị đẩy qua đẩy lại, gửi email cũng không ai trả lời.
Đòi nợ kiểu khủng bố
Thông qua app, người vay phải chấp nhận điều khoản là bên cho vay được quyền truy cập vào danh bạ điện thoại. Khi khách hàng gặp khó khăn, chậm trả, thường họ và người thân sẽ nhận được những lời lớn tiếng, chửi bới, nhục mạ hoặc nhắn tin để khủng bố. Những lúc quẫn trí khi bị đòi nợ, nhiều khách hàng sẽ nghĩ đến tìm các app mới khác để vay tiền trả cho app cũ, cũng vì thế nhiều người vô tình dính vào vòng lặp của các đối tượng cho vay qua app mà không hề hay biết.
Một nhóm đối tượng đòi nợ thuê, bắt cóc con nợ vừa bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án.
Anh Nguyễn Minh Nhật, ngụ ấp 1, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh làm nghề chạy xe ôm công nghệ. Trong đợt COVID-19, công việc chạy xe của anh gặp nhiều khó khăn, tài chính xoay xở không đủ trang trải cho việc thuê nhà trọ cũng như sinh hoạt hằng ngày, anh “bấm bụng” đăng ký vay tiền qua một ứng dụng trên app điện thoại.
Hợp đồng của anh Nhật được chấp nhận một cách nhanh chóng, cứ nghĩ rằng thủ tục vay đơn giản dễ nhận tiền thì đến khi trả cũng sẽ đỡ hơn phần nào, thế nhưng, khi tới ngày đóng tiền anh chưa kịp đóng, thì lập tức hàng loạt cuộc điện thoại hối thúc để anh đóng tiền gốc lẫn lãi.
Suốt ngày anh phải nhận thêm nhiều cuộc gọi mắng chửi, đe dọa đòi đăng hình trên mạng xã hội bêu riếu, đòi tìm đến tận chỗ ở để… xử khiến anh bị áp lực. Suy nghĩ đăng ký một app cho vay khác để lấy tiền trả nợ cũ đã khiến anh dính vào một vòng lặp không thể thoát ra của cách cho vay tín dụng này. Đã 2 tháng nay, lúc nào anh Nhật cũng trằn trọc, hối hận với việc anh làm.
Những tin nhắn, cuộc gọi đòi nợ của các đối tượng cho vay tín dụng đen gây cho người vay khủng hoảng tinh thần, có nhiều người vì những điều này đã suy sụp không còn tâm trí làm ăn. Nhưng đây chỉ là kiểu đòi nợ với những món tiền vay nhỏ lẻ. Với những món tiền lớn, các đối tượng cho vay kiểu tín dụng đen sử dụng nhiều chiêu trò bạo lực hơn như thuê các công ty đòi nợ thuê, hoặc các đối tượng “xã hội đen” trấn áp tinh thần người vay, tạt sơn, tạt mắm tôm,… chỉ nhằm mục đích lấy được tiền của người vay.
Ngày 2/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 1, Công an phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) TP Hồ Chí Minh, đã kiểm tra trụ sở Công ty TNHH Cashwagon (số 17 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão) một cơ sở cho vay qua ứng dụng công nghệ bị tố cáo cho vay với lãi suất cao, đồng thời nhân viên có hành vi “khủng bố” tinh thần khách vay, cùng bạn bè, người thân của họ.
Sau khi Công ty TNHH Cashwagon bị kiểm tra, nhiều nạn nhân đã đến Công an TP Hồ Chí Minh trình báo việc họ bị “dồn đến chân tường” thông qua các app như: Cashwagon, ATM Online, Uvay, Doctordong, Sago… “Ban đầu họ quảng cáo lãi suất 0%, vì nhu cầu cá nhân và thấy dễ vay, tôi không hay biết mình đã rơi vào bẫy của họ”, anh D – một nạn nhân ngụ Tân Phú nói.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) từng phát đi cảnh báo về mô hình cho vay trực tuyến đang xuất hiện nhiều biến tướng, trong đó một số công ty tư vấn hợp tác với các đơn vị kinh doanh dịch vụ cầm đồ, lãi suất cho vay ở mức cao thường được biết đến với tên gọi “vay tiền nhanh online”, “vay tiền không thế chấp”” hay “vay tiền không cần gặp mặt”…
Cơ quan này cũng từng khuyến cáo người vay cần tìm hiểu kỹ về lãi suất, quy trình phê duyệt và giải ngân, thủ tục cung cấp khoản vay. Bởi ngoài lãi suất, một số đơn vị sẽ tính thêm các chi phí khác như phí tư vấn, phí quản lý khoản vay… Đồng thời người vay cần tìm hiểu và cẩn trọng trước khi cung cấp các thông tin liên quan, tránh trường hợp cung cấp thông tin thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân, gia đình và bạn bè…
Những chiêu thức cũ
Không chỉ cho vay bằng tiền mặt, chủ nợ còn cho vay dưới dạng ký hợp đồng mua bán điện thoại, xe máy, tivi, laptop, nhà, đất… với hình thức trả góp có thời hạn. Đó là các chiêu thức đưa con nợ vào tròng, đồng thời qua mắt cơ quan chức năng.
Đối tượng Trần Văn Định, chủ mưu vụ cho vay lãi nặng bằng thủ đoạn cầm cố, sang nhượng nhà đất tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.
Ngày 12/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ đối tượng Trần Văn Định (sinh năm 1982, ngụ phường Tân Phong, TP Biên Hòa), một đối tượng chủ mưu vụ cho vay lãi nặng bằng thủ đoạn cầm cố, sang nhượng nhà đất tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.
Trước đó, ngày 11/6, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng Cảnh sát Cơ động, Công an Đồng Nai bắt quả tang 4 đối tượng Hoàng Văn Giang (sinh năm 1988), Đinh Trọng Dũng (sinh năm 1979) cùng ngụ tại TP Biên Hòa; Nguyễn Duy Thịnh (sinh năm 1998, ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) và Đặng Văn Hùng, (sinh năm 1986, quê Nghệ An) khi các đối tượng đang thực hiện hành vi xâm phạm gia cư bất hợp pháp, uy hiếp một gia đình nạn nhân, đuổi người thân ra khỏi nhà để chiếm nhà và đất để siết nợ tại xã Thạnh Phú huyện Vĩnh Cửu.
Theo cơ quan điều tra, vào khoảng cuối tháng 12/2019, các đối tượng tìm những người có nhu cầu để cho vay và giới thiệu cho vay, chỉ cần thế chấp giấy tờ nhà, đất… Khi con nợ mắc bẫy của chúng và không có khả năng trả nợ, lúc này chúng trở mặt, dùng vũ lực uy hiếp, siết nợ, ép người thân rời khỏi nhà để chiếm đoạt nhà và đất. Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan Công an thu giữ nhiều giấy tờ hợp đồng tay liên quan đến hoạt động tín dụng đen với lãi suất từ 10 đến 40%.
Bà Mã Thị Hát bị một công ty đòi nợ thuê dọa dẫm để đòi số tiền gần 2 tỉ đồng. Ngày 30/9/2019, bà Hát vay của bà Nguyễn Thị Kim Dung 1,25 tỉ đồng, không lãi suất và có đến trụ sở văn phòng Công chứng Phong Phú, quận 9, TP Hồ Chí Minh để công chứng các giấy tờ và hứa trong 3 tháng sẽ trả hết nợ.
Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên đến ngày 23/3/2020 bà Hát mới trả hết số khoản vay. Lúc này, bà Dung tính thêm lãi là 2 tỉ đồng. Thấy lãi chồng lãi nên bà Hát hẹn bà Dung thương lượng lại. Sau đó, bà Hát dẫn thêm một người chị nữa đến thương lượng.
Bà Dung không đồng ý mà còn dọa chém khiến bà Hát hoảng sợ bỏ chạy, còn chị của bà Hát ở lại ký xác nhận để khỏi bị chém. Sau đó, bà Dung ủy quyền cho công ty đòi nợ, dẫn 14 người đến gia đình bà Hát bắt trả nợ. Bà Hát cho biết, bà có đủ biên lai chuyển khoản trả nợ cho bà Dung qua ngân hàng nhưng bà và gia đình vẫn bị quậy phá, bị đe dọa, bôi nhọ… Đến nay giữa 2 bên vẫn chưa ngã ngũ. Gia đình bà Hát liên tục bị “khủng bố” bằng những tin nhắn, hình ảnh. Bất đắc dĩ, bà Hát đã phải gửi đơn cầu cứu đến Công an TP Hồ Chí Minh.
Việc vay tiền ở vụ việc trên là giao dịch dân sự, nếu không đạt được thỏa thuận giữa hai bên và xảy ra tranh chấp thì đã có các cơ quan thực thi pháp luật giải quyết như tòa án, viện kiểm sát. Đối với dịch vụ đòi nợ thuê, chiều 17/6, Quốc hội thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trong Luật Đầu tư (sửa đổi) với 90,27% tổng số đại biểu tán thành. Việc đòi nợ thuê dưới bất kỳ hình thức nào cũng là vi phạm pháp luật khi Luật này có hiệu lực thi hành.