Dưới sự bảo trợ của MSB và nền tảng công nghệ từ AWS, ngân hàng số TNEX, đã hình thành và phát triển không ngừng, đảm bảo không khách hàng nào bị gạt ra khỏi cuộc chơi của giới tài chính ngân hàng.
Ngân hàng số là khái niệm không mới tại Việt Nam, nhưng ngân hàng thuần số lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Ngày 11/12/2020, TNEX – nền tảng ngân hàng thuần số, được bảo trợ bởi Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) – đã chính thức ra mắt.
Giống với các ngân hàng số khác, TNEX không có chi nhánh hay phòng giao dịch, vậy nên khách hàng có thể thực hiện việc mở tài khoản, chuyển tiền, mở sổ tiết kiệm,…hoàn toàn trên môi trường online. Tuy nhiên điểm nổi bật ở ngân hàng thuần số TNEX là người dùng có thể trò truyện, nhắn tin với bạn bè, thậm chí bán hàng trên đó.
Ý tưởng ra đời từ một bát phở, chi phí trên mỗi khách hàng cũng chỉ ngang một bát phở
Ông Bryan Carroll, Giám đốc điều hành TNEX cho biết tầm nhìn của TNEX là cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng và dịch vụ đời sống miễn phí, an toàn, dễ tiếp cận tới mọi tầng lớp người Việt, đặc biệt là những người thu nhập thấp cũng như giới doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông chia sẻ ý tưởng ra đời TNEX nảy sinh trong một lần ông đi ăn phở trên phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Hàng phở xào rất ngon và đông khách. Tuy nhiên hình thức thanh toán vẫn thô sơ, chỉ nhận tiền mặt và bà chủ còn chưa có tài khoản ngân hàng.
“Tôi thắc mắc tại sao thị trường hàng chục triệu dân, công nghệ phát triển mà nhiều người vẫn chưa được thụ hưởng các dịch vụ ngân hàng đầy đủ? Rồi tôi nhận ra ngân hàng truyền thống thường bỏ qua phân khúc khách hàng thu nhập thấp, vì biên lợi nhuận rất nhỏ trong khi chi phí xây dựng lại lớn. Từ đó, TNEX ra đời với sản phẩm và chi phí hợp lý”, ông Bryan giải thích.
Theo ông, tính trung bình mỗi năm, để phát triển ra một sản phẩm phục vụ khách hàng thì TNEX sẽ tốn khoảng 1 USD/khách, số tiền chỉ ngang với bát phở hiện nay. Trong khi đó, với dịch vụ truyền thống, chi phí của một sản phẩm thường từ 300-400 USD. Lý do là ngân hàng truyền thống phải trả lương, bảo hiểm, trả thưởng, lập chi nhánh, thực hiện lưu chuyển tiền mặt trong ngân hàng…
Số liệu thống kê tại Việt Nam cho thấy có khoảng 58 triệu người dân hiện còn “under-banked” (chưa thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ của ngân hàng) hoặc “unbanked” (nhưng người chưa có tài khoản ngân hàng, chưa sử dụng tài khoản ngân hàng), cùng với khoảng 4 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây thực sự là đại dương xanh để tiếp cận, theo đánh giá của ông Bryan.
“Bên cạnh nghĩa vụ của một tổ chức kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận, TNEX còn có nghĩa vụ về mặt đạo đức nữa. Với những khách hàng, những tiểu thương như vậy, nếu có khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng thì cơ hội mở ra cho họ rất nhiều. Chẳng hạn, họ có thể cho con đi học, sửa nhà, mua xe máy để làm ăn…”.
“Dịch vụ của TNEX có thể hình dung ra như 1 bát phở trong khoảng 20.000-30.000 đồng mà người nào cũng có thể ăn, người nào cũng có thể dùng bữa sáng bằng sản phẩm đó được”.
TNEX và quá trình phát triển không ngừng
CEO Bryan nhấn mạnh với mô hình ngân hàng thuần số, TNEX cung cấp cho các tiểu thương, các chủ cửa hàng một loạt công cụ để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Ví dụ, trước đây họ thanh toán bằng tiền mặt, cầm tay trực tiếp thì giờ họ có thể thanh toán bằng số hóa hoàn toàn miễn phí. TNEX cũng có sẵn trang web để các chủ cửa hàng có thể quảng cáo, tiếp cận, trao đổi với khách hàng cũng như trao đổi với nhau.
Từ khi thành lập đến nay, số lượng khách hàng của TNEX liên tục tăng trưởng nhanh chóng. Ông Bryan tiết lộ nhóm khách hàng trẻ, từ 18-25 tuổi, truy cập ứng dụng tới 4 lần/ngày trong khi phân khúc khách từ 60 tuổi trở lên cũng đón nhận với thái độ rất tích cực.
Ông lý giải thành công này có một phần đóng góp rất lớn từ nền tảng dịch vụ đám mây do Amazon Web Services (AWS) cung cấp.
“TNEX hướng tới dịch vụ ngân hàng và dịch vụ đời sống miễn phí, sáng tạo, an toàn cho người dân, cụ thể người thu nhập thấp và các tiểu thương. Vậy để cung cấp một sản phẩm giá rẻ đồng nghĩa với chi phí phải thấp. Mô hình ngân hàng truyền thống có chi phí vận hành quá đắt và đó cũng là lí do tại sao chúng tôi sử dụng AWS”.
Với công nghệ từ AWS, ông Bryan nhận định TNEX vừa tiết kiệm thời gian triển khai vừa tiết kiệm chi phí, vì họ không cần mua sắm trang thiết bị, triển khai hạ tầng,…Đây là mô hình “Pay per use” – TNEX sử dụng tài nguyên đến đâu thì trả tiền đến đó. Chưa kể, nền tảng công nghệ của AWS là nền tảng mở, dễ dàng tích hợp với công nghệ của các công ty fintech khác.
Từ nay đến cuối năm, CEO TNEX cho biết, họ đặt mục tiêu có được khoảng 800.000 khách hàng, đồng thời sẽ ra mắt nhiều dịch vụ “First to Market” (lần đầu có mặt trên thị trường) dưới sự hỗ trợ của AWS.