(VNF) – TP. HCM dự kiến cần hơn 21,7 tỷ USD (tương đương hơn 514.000 tỷ đồng) để đầu tư 6 tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn 2026 – 2030.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM vừa trình UBND Thành phố dự thảo về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030. Trong đó, có đề cập tới vốn dự kiến để thực hiện 6 tuyến đường sắt đô thị.
Cụ thể, nhu cầu vốn đầu tư công cho Đề án Phát triển hệ thống sắt đô thị TP. HCM giai đoạn 2026-2030 là 21,7 tỷ USD (tương đương hơn 514.000 tỷ đồng).
Số vốn này TP. HCM sẽ dùng cho 6 dự án metro gồm: Tuyến số 1 Bến Thành – An Hạ (kéo dài thêm gần 21km từ Bến Thành về An Hạ, huyện Bình Chánh), hơn 55,5 nghìn tỷ đồng; Tuyến số 2 đầu tư thêm hai đoạn dài 9,1km là Bến Thành – Thủ Thiêm và Tham Lương – bến xe An Sương, hơn 48,3 nghìn tỷ đồng; Tuyến số 3 Hiệp Phước – Tân Kiên, hơn 62,54 nghìn tỷ đồng; Tuyến số 4 Đông Thạnh – Bà Chiêm, hơn 93,65 nghìn tỷ đồng; Tuyến số 5 Cần Giuộc – Vành đai 2, hơn 94,2 nghìn tỷ đồng; Tuyến số 6 Âu Cơ – Phú Hữu, hơn 160 nghìn tỷ đồng.
Trong tổng số 21,7 tỷ USD, TP. HCM dự kiến vốn ngân sách địa phương là 12,9 tỷ USD. Còn lại 8,7 tỷ USD TP. HCM kiến nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ trong giai đoạn 2026 – 2030.
Đối với phần vốn Trung ương hỗ trợ, TP. HCM đề xuất Trung ương xem xét cho phép có cơ chế không tính vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố vì số vốn thực hiện Đề án rất lớn, chiếm tỷ trọng rất cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Thành phố.
Trước đó, UBND TP. HCM có báo cáo gửi Bộ Tài chính về công tác huy động nguồn vốn và nợ công của các dự án metro trên địa bàn. Theo đó, để có đủ nguồn vốn trong giai đoạn 2026 – 2030, TP. HCM sẽ huy động từ nguồn ngân sách từ thành phố là 7,18 tỷ USD (chiếm 32,2%), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là 6,88 tỷ USD (30,9%), Trung ương hỗ trợ khoảng 6,48 tỷ USD (29%) và vốn BT trả chậm là 1,76 tỷ USD (7,9%).
Đối với nhu cầu vốn 15,15 tỷ USD trong giai đoạn 2031 – 2035, TP. HCM sẽ huy động từ ngân sách thành phố là 9,54 tỷ USD (chiếm 63%), Trung ương hỗ trợ khoảng 3,19 tỷ USD (21,1%), vốn BT trả chậm là 2,41 tỷ USD (15,9%).