TTO – Nhà Phật có câu: “Muốn biết tương lai của mình như thế nào, hãy nhìn ngay hiện tại”. Một người lười lao động, ăn xài hoang phí, sống không tôn trọng luật pháp, có hành vi xấu xí… thì hẳn khó lòng có tương lai tốt
Hoạt động tình nguyện giúp thanh niên trưởng thành hơn – Ảnh: Nam Trần |
Tham gia nhiều chương trình thiện nguyện, trong đó có giao lưu, chia sẻ với trẻ em, tôi thường hỏi ước mơ của các bạn nhỏ ấy.
Đa số các bạn đều trả lời ước mơ thành giáo viên vì muốn như cô giáo hay thầy giáo mình; có bạn ước làm bác sĩ để chữa bệnh cho ông bà hoặc cha mẹ đang ốm đau; một số thì ước mơ làm nghệ sĩ này ca sĩ kia…
Nghe những ước mơ của các bạn nhỏ, trước tiên, tôi nhìn thấy chính mình ngày xưa trong độ tuổi các bạn hôm nay – cũng từng mơ mình sẽ làm gì đó, chủ yếu là giống với những hình mẫu gần gũi mà mình kính trọng, yêu thích hoặc thôi thúc từ thực tế gia đình (như mơ làm bác sĩ để chữa bệnh cho người thân).
Tôi luôn bày tỏ sự trân trọng những ước mơ của các bạn, bởi tôi hiểu, ước mơ vốn là đặc tính của con người, là động lực để ta phấn đấu vươn lên, đạt được nó dễ dàng hơn.
Đương nhiên, sau đó, thường tôi sẽ “phỏng vấn sâu” để nhận diện ước mơ của từng bạn, rồi có vài khuyến khích hay chia sẻ – chẳng hạn như đối với bạn muốn làm ca sĩ thì sẽ hỏi bạn biết hát không để nói cho bạn ấy rõ là bạn cần phải thay đổi định hướng cho tương lai hay tiếp tục nỗ lực.
Mơ ước trở thành một ai đó thì chúng ta cần phải biết rõ về mình, có những điều kiện tương thích để đạt được nó hay không?
Tôi biết, có nhiều bạn có những ước mơ và dự định cực lớn nhưng lại thiếu sự chuẩn bị cũng như không thực sự bắt tay vào việc thực hiện những ước mơ, dự định của mình.
Mỗi khi có dịp, tôi hay chia sẻ với những người em – là học sinh cùng trường phổ thông các khóa sau – rằng, ai cũng muốn lên đến đỉnh cao nào đó, ai cũng muốn thành công nhưng ít người làm được mong muốn tốt đó là vì người ta (đa số) chỉ ngồi đó và muốn, muốn thật nhiều mà không đặt chân bước tới phía mình cần tới.
Có đi thì sẽ đến còn không đi thì mãi ở đó! Cuộc sống như một dòng sông, cứ chảy, và mỗi người như một con thuyền đi ngược dòng đó, nếu không chèo thì không phải đứng yên mà sẽ tụt hậu.
Trong nhà Phật có câu rất hay: “Muốn biết tương lai của mình như thế nào, hãy nhìn ngay hiện tại”. Một người lười lao động, ăn xài hoang phí, sống không tôn trọng luật pháp, có hành vi xấu xí… thì hẳn khó lòng có tương lai tốt (cả về mặt tinh thần của người đó lẫn các mối quan hệ với xã hội, cũng như đời sống vật chất).
Ngược lại, người biết nỗ lực, chăm chỉ trong lao động, sáng tạo thì nhất định sẽ có những kết quả xứng đáng, và trước nhất là không tạo ra những điều kiện xấu cho bản thân.
Tôi hay nói với một người em hay mơ mộng mà mình quen biết rằng “đừng chờ sung rụng”. Mọi cái đều theo quy luật nhân – duyên – quả, như ông bà mình dạy “gieo gió gặt bão”.
Mình trồng cây lành thì đương nhiên thu quả ngọt. Bắt đầu từ hôm nay, trong mỗi người phải có sự chuyển động, thay đổi tư duy, bắt đầu nỗ lực cao nhất trên cơ sở những điều kiện thực tế của chính mình để có những vị trí tương thích cho mai sau.
Trong công tác sẻ chia, làm thiện nguyện, thi thoảng tôi cũng chia sẻ với những người thân thương của mình rằng, đừng đợi có thiệt nhiều tiền mới sẻ chia, bởi đợi như thế thì biết đến bao giờ?
Chúng ta có nhiều cách để giúp cuộc sống tươi đẹp hơn (cũng chính là giúp mình trở nên an bình hơn trong cuộc sống), đơn giản bằng một lời nói chứa chất liệu hàn gắn, hoặc lên mạng bớt một lời than vãn, trách móc theo kiểu “nguyền rủa bóng đêm”.
Mỗi người bắt đầu bằng tư duy tích cực, biến mình thành “nến nhỏ” để làm cho tâm hồn mình sáng lên thì sợ gì cuộc sống không chuyển động đi lên?
Trở lại việc tôi là ai, bạn là ai trong tương lai, chúng ta đừng nói nhiều về những điều đã qua bằng tâm thế tự mãn hay trách cứ mà hãy nghĩ về ngày hôm nay, mình cần làm gì để từng bước đi tới, có thể chậm hoặc không bằng nhiều người tài giỏi khác nhưng có niềm tin, ý chí cùng kế hoạch cụ thể, rõ ràng thì chắc chắn sẽ là đi lên chứ không phải đi xuống! Tôi nghĩ vậy, tin vậy.