Kinh nghiệm mua vàng “người thật, việc thật” đây!
Mỗi tháng cố gắng dành dụm một ít tiền, đợi “hòm hòm” rồi mua 1-2 chỉ, đến khi có việc lớn như mua nhà, tậu xe thì đem vàng đi bán, là mục tiêu lẫn suy nghĩ chung của không ít người.
Thị trường vàng những tháng gần đây có nhiều thứ mới, bên cạnh việc canh giá vàng, nhiều người cũng băn khoăn không biết nên mua vàng qua ngân hàng, hay vẫn cứ làm theo cách truyền thống: Chọn 1 tiệm vàng lâu đời, một thương hiệu uy tín để xuống tiền. Chưa kể, mua vàng là một chuyện, đến lúc cần bán vàng thì đi đâu bán, chi phí bị trừ có nhiều hay không?
Tất cả những thắc mắc trên đều không có gì khó hiểu, đặc biệt là những người còn chưa có nhiều kinh nghiệm mua vàng tích sản.
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, một người dùng đã tỉ tê kể về những điều bản thân đã đúc rút được sau nhiều năm mua vàng.
“Gần đây, mình hay thấy trong nhóm có những bài luôn hỏi về việc có nên mua vàng không, nếu mua thì mua ở chỗ nào, rồi cách giữ vàng ra sao,… Với người có kinh nghiệm thì đây là những câu hỏi khá ngây thơ. Trong bài viết này mình trả lời cho mọi người, hy vọng sẽ hữu ích”– Người “chơi” vàng lâu năm viết.
Nên mua vàng ở đâu?
Bản thân có kinh nghiệm mua vàng của những thương hiệu lớn, lẫn những tiệm vàng thông dụng nhỏ lẻ, nên người dùng này phân tích ưu – nhược điểm như sau.
1 – Mua vàng của những thương hiệu lớn, nổi tiếng
– Ưu điểm: Dễ bán, mang đi đâu cũng bán được bằng giá thị trường hiện hành tại thời điểm bán mà không lo bị ép giá.
– Nhược điểm: Ngày xưa mua tiệm nào cũng được, giờ thì chỉ có thể mua tại công ty/cửa hàng của thương hiệu đó, hoặc tại ngân hàng. Dù mua ít hay nhiều cũng phải canh me mới mua được, còn khi bán thì cũng phải đến những nơi trong cùng hệ thống để bán.
Khi mua luôn bị cộng thêm phí gia công, đóng vỉ khoảng 200k; nhưng khi bán thì nghiễm nhiên bị mất tiền phí đó, giữ không cẩn thận thì còn bị trừ thêm phí cấn, móp, mòn,…
2 – Mua vàng tại các cửa hàng thông dụng, gần nhà
– Ưu điểm: Tiện, dễ mua dễ bán; nhanh lẹ không cần canh lâu. Mua ít hay mua nhiều cũng không ai quan tâm.
Nếu mua nhẫn trơn, giá mua vào – bán ra vẫn theo giá thị trường chung, hoặc nếu có chênh lệch cũng không đáng kể, khoảng 50-100k tại thời điểm giao dịch. Ngoài ra, các tiêm vàng thông dụng có nhiều loại nhẫn trơn theo nhu cầu của khách, nhẫn nửa chỉ hay 1, 2, 3, 4, 5 chỉ đều có.
– Nhược điểm: Mua ở đâu phải bán ở đó, nếu không sẽ bị ép giá. Ví dụ bạn mua vàng tại tiệm vàng A nhưng lại đem sang tiệm vàng B trong cùng khu vực để bán, thì cứ xác định là sẽ bị kỳ kèo vài trăm nghìn với lý do vàng non tuổi, vàng mòn,… Không chấp nhận thì họ không thu mua. .
Đặc biệt, không nên mua vàng ở tỉnh này mà lại đi bán ở tỉnh khác vì trải nghiệm sẽ “ối giời ơi”. Người ta sẽ “bắt chẹt” bằng mọi cách để mua với giá rẻ nhất. Bản thân người dùng này cũng từng bị như vậy.
“Qua 2 sự phân tích trên, chắc cả nhà đã nhận định được nên mua vàng có thương hiệu hay mua vàng tại cửa hàng bình thường rồi đúng ko ạ? Mọi người dựa vào những ưu – nhược trên mà tự đưa ra phương án mua vàng của mình cho hợp lí, đỡ mông lung”– Chủ bài đăng chia sẻ.
Nên mua vàng nhẫn trơn thay vì vàng trang sức để không bị lỗ!
Nếu mua vàng để tích sản, không có nhu cầu đeo, người dùng này khẳng định phải mua vàng trơn hoặc vàng thỏi chứ không nên mua vàng trang sức hay vàng chế tác.
“Đã mua vàng 9999 hoặc 18k dạng trang sức, dù đeo hay không thì vẫn mất tiền công, tiền hạt đính kèm,… khi đi bán đi nghiễm nhiên bị trừ hao 2 phần đó. Người thu mua vàng chỉ cân vàng tính tiền, chứ không trả lại tiền công và tiền hạt đâu, nên mua vàng trang sức hoặc vàng chế tác sẽ rất lỗ đấy. Mua vàng làm của để dành thì vàng nhẫn trơn vẫn là lựa chọn số 1”– Chủ bài đăng nhấn mạnh.
Cách giữ vàng an toàn nhất?
Có người có tiền mua vàng nhưng vẫn còn đắn đo chưa chốt, vì mua xong chẳng biết cất vàng ở đâu cho an toàn. Băn khoăn này phổ biến nhất với những người đang đi thuê nhà, hoặc sống chung cùng những nhiều người khác, có thể là bạn bè hoặc người thân trong gia đình.
Với thắc mắc này, người “chơi” vàng lâu năm cho rằng nơi nguy hiểm nhất có khi lại chính là nơi an toàn nhất.
“Các bác hay hỏi mua vàng, cất ở đâu cho an toàn, thì cứ nhớ các cụ thường dạy nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất, nên làm ơn dùng trí thông minh của mình chút đi ạ. Mỗi hoàn cảnh, mỗi góc nhà của mỗi nhà khác nhau, không nhà nào giống nào nào hết, sao mà chỉ nhau đúng hoàn toàn được. Nhưng mà các bác lại cứ đâm đầu kiếm chỗ sang chảnh nhất trong nhà, để trịnh trọng gửi gắm em nó vô chỗ đó là các bác dâng mỡ miệng mèo đó ạ.
Còn em thì không biết gì về vấn đề gửi vàng ở ngân hàng đâu, nên cái này em không chia sẻ được. Em chỉ là đứa năng nhặt chặt bị và cái bị đó em canh như thần đèn, chứ em chẳng gửi ai bao giờ”– Chủ bài đăng chia sẻ.