Tôi muốn chết nhưng tôi thèm ăn Tteokbokki

Em là người luôn muốn nổi bật để được người khác quan tâm. Vì muốn được người khác công nhận năng lực, nên thành ra em có tật nói dối.

Tôi: Làm cách nào để hạ bớt tiêu chuẩn lý tưởng ạ?

Bác sĩ: Nếu tự tin về bản thân thì em có thể làm được. Khi em đã tự tin, nhu cầu tìm kiếm sự hoàn hảo, theo đuổi những gì được cho là lý tưởng sẽ không còn nữa.

Tôi: Em có thể trở nên tự tin hơn không?

Bác sĩ: Có thể chứ.

Tôi: Em là người luôn muốn nổi bật để được người khác quan tâm. Vì muốn được người khác công nhận năng lực nên thành ra em có tật nói dối. Đôi lúc, em muốn tỏ ra hài hước nên thường nói chuyện một cách hơi cường điệu, thái quá hoặc khi muốn tỏ ra đồng cảm với người khác, em thường nói dối là “mình cũng từng trải qua chuyện tương tự”. Sau đó, em cảm thấy rất dằn vặt vì đã nói như vậy. Vì vậy, em đã tự hứa từ bây giờ, dù là chuyện nhỏ cũng sẽ không nói dối nữa. Làm như vậy thì bản thân em cũng thấy thoải mái hơn. Thế nhưng, hôm thứ 7 vừa rồi, sau buổi tư vấn với bác sĩ em đã đi uống rượu với bạn và bị say. Em vẫn nhớ rõ mình đã tự hứa với lòng như thế nào, nhưng sau đó em lại trót nói dối.

Bác sĩ: Em nói dối như vậy để thể hiện sự đồng cảm với bạn thôi đúng không?

Tôi: Không ạ. Em nói dối là vì muốn được người khác chú ý. Câu chuyện đó không liên quan tới vấn đề đồng cảm.

Bác sĩ: Nếu không say thì em sẽ không nói như vậy à?

Tôi: Chắc chắn là không.

Bác sĩ: Như vậy thì đó là do em say mà lỡ lời thôi. Cho qua đi.

Tôi: (Bối rối) Cho qua như thế cũng được ạ? Bác sĩ không thấy em giống một kẻ tâm thần sao?

Bác sĩ: Không đâu. Người ta thường nói dối khi khả năng nhận biết giảm sút. Giống như khi chúng ta say rượu, cả trí nhớ lẫn khả năng phán đoán đều suy giảm. Trong trường hợp này, có thể người ta sẽ nói dối để che đậy khoảng trống đó. Không phải những người say mèm vẫn khăng khăng là mình không say đó sao? Họ toàn nói những chuyện không đầu không cuối là vì thế.

Tôi: Em không có vấn đề gì thật chứ ạ?

Bác sĩ: Không sao thật mà. Khi say, người ta sẽ mất đi lý trí để kiểm soát bản thân. Thuật ngữ chuyên môn gọi là “mất khả năng kiểm soát”. Khi đó, người ta có nhiều hành động mang tính quá khích, thậm chí là cấm kỵ mà bình thường không dám nghĩ tới. Vì vậy, cùng lắm em chỉ nên dằn vặt bản thân một ngày thôi. Chỉ cần tự nhủ “Từ nay nhất định mình sẽ không uống say như vậy nữa” là được.

Tôi: Vâng, em cũng ít tự dằn vặt bản thân hơn.

Bác sĩ: Không cần phải đổ lỗi cho bản thân quá, cứ đổ lỗi cho rượu cũng được. Như em nói đấy, nếu không uống rượu thì chắc chắn em sẽ không nói như vậy, rượu vào lời ra mà.

Tôi: Đây không phải là tật nói dối sao?

Bác sĩ: Không đâu. Đó chỉ là do say rượu mà thôi.

Tôi: A… Lần trước bác sĩ có nói lý do khiến em muốn trở thành một người chính trực (nhắc nhở người khác khi họ làm sai) là do em lương thiện. Nhưng không phải thế, vì em chưa phải là người tốt nên em mới cố gắng làm như vậy.

Bác sĩ: Đó là do em nghĩ mình không phải là người “chính trực”. Việc đặt ra tiêu chuẩn quá cao cho bản thân cho thấy em đang có thái độ rất tiêu cực về tình trạng hiện tại của mình. Giống như em đang cố gắng để cải thiện bản thân. Chuyện vừa rồi cũng tương tự như vậy. Người ta uống rượu để say, nhưng em lại nể phục những người không say khi uống rượu.

Tôi: Nếu nói vậy thì mọi chuyện có vẻ đơn giản thật. Với thêm một vấn đề nữa là tuần vừa rồi em đã có ý định nghỉ việc ở công ty. Vì em cảm thấy quá căng thẳng. Thứ Tư em có đi nhậu với đồng nghiệp, mọi người nói là vị trí của em khá nhàn hạ, trưởng nhóm cũng quý em, còn công việc của những người khác thì vất vả hơn nhiều. Em đã cố gắng lắng nghe và cảm thông với câu chuyện của họ, nhưng em cũng mệt mỏi lắm chứ. Bản thân em cũng chẳng sung sướng gì mà lúc nào cũng phải nghe những chuyện phiền muộn của mọi người. Những người đồng nghiệp ở công ty, những người bạn bên ngoài, ai cũng nghĩ mình là người khổ sở nhất. Vì vậy mà tự nhiên em có cảm giác tủi thân.

Bác sĩ: Hẳn là em đã kìm nén bực tức trong người. Vậy em làm thế nào để giải tỏa?

Tôi: Em định tâm sự với trưởng nhóm, nhưng đúng hôm đó thì trưởng nhóm lại giao cho em một việc khó khăn, em nhăn nhó, vò đầu bứt tóc cả ngày không nghĩ ra, đến chiều đành phải hỏi trưởng nhóm nên làm thế nào. Chị ấy đã giải quyết việc đó một cách rất dễ dàng. Em cảm thấy biết ơn và không muốn làm phiền thêm nữa vì trưởng nhóm cũng đang vất vả lắm rồi.

Bác sĩ: Làm thế nào mà em lại hiểu rõ tình trạng của người khác đến vậy?

Tôi: (Chột dạ) Đúng rồi, thật ra thì em cũng không biết tại sao.

Bác sĩ: Em hãy nói thật với mọi người về tình trạng của mình đi, rằng em cũng cảm thấy mệt mỏi.

Tôi: Em không biết phải nói như thế nào.

Bác sĩ: Em hãy quan sát và học theo cách những người xung quanh em đang làm. Em biết mà, em vẫn thấy mọi người nói là họ cảm thấy mệt mỏi đó thôi. Có lẽ cho dù họ không cảm thấy như vậy thì em cũng sẽ hỏi “Cậu cảm thấy mệt mỏi lắm, phải không?”

Tôi: (Lúc này tôi bắt đầu không kìm được nước mắt) Ý bác sĩ là em cố tỏ ra mình là người tốt?

Bác sĩ: Em là người tốt thật mà. Như vậy thì có sao đâu.

Tôi: Không phải tốt mà là hơi kỳ cục ấy ạ.

Bác sĩ: Vì lúc nào em cũng nghĩ rằng “Tình trạng của mình vẫn còn đỡ hơn người khác” nên em mới không thể nói ra câu “Tôi cảm thấy mệt mỏi quá”. Dù em đi tới đâu thì người ở đó cũng sẽ nói câu quen thuộc là “Ở đây khổ lắm”. Nhưng bây giờ em lại đang ở trong trạng thái tự trách mình là “À, người ấy cũng có nhiều chuyện mệt mỏi mà mình không biết gì cả”. Suy nghĩ đến cảm xúc của người khác là tốt, quan tâm đến người khác cũng rất tốt. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải chú ý đến tình trạng của bản thân mình trước. Cảm xúc của bản thân phải là ưu tiên số một. Chia sẻ với bạn bè là tốt, nhưng em cũng nên chia sẻ cảm xúc thật của mình với cả đồng nghiệp. Em không cần phải nói qua quýt rằng “Tôi ổn” mà có thể chia sẻ cụ thể hơn như “Nhìn bề ngoài thì công việc của mình có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thực chất thì cũng đau đầu lắm”. Nói như vậy thì cả bản thân em và đồng nghiệp đều sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn.

Tôi: Đúng là em chưa từng nói như vậy với đồng nghiệp. Không phải là em cố tỏ ra mình ổn. Em là típ người khó che giấu cảm xúc mà. Lúc em muốn nghỉ việc vào hôm thứ 5 vừa rồi, mặt em lộ rõ vẻ khó chịu. Vì vậy, mọi người không ai dám nói gì cả.

Bác sĩ: Họ sẽ chỉ nghĩ là em đang không vui thôi. Chính em phải hiểu bản thân mình trước thì mới có thể giải quyết vấn đề. Đã không cố gắng hiểu bản thân hơn, lại luôn day dứt “Tại sao mình lại thế nhỉ” thì sẽ không mang lại kết quả gì.

Tôi: Tức là em không hiểu bản thân mình sao?

Bác sĩ: Tôi có cảm giác em ít quan tâm đến cảm xúc của mình.

Tôi: Ngày nào em cũng ghi lại cảm xúc của mình mà?

Bác sĩ: Có vẻ như em đang ghi lại cảm xúc của bản thân dưới góc nhìn của người khác. Khi gặp chuyện khó khăn, em mới là người mệt mỏi nhất. Đó không phải là tâm lý ích kỷ. Ví dụ, khi em thấy một nơi nào đó có điều kiện rất tốt, thì những điều tốt đẹp ấy chỉ tồn tại cho tới trước khi em bước vào đó mà thôi. Trường học cũng vậy, công việc cũng vậy. Khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, em sẽ rất hạnh phúc, nhưng khi bắt đầu đi học, em sẽ không tránh khỏi nảy sinh tâm lý bất mãn này nọ. Em không thể chắc chắn rằng mình sẽ luôn yêu quý một nơi được, đúng không? Người khác có thể ghen tị với vị trí hiện tại của em nhưng chắc chắn bản thân em thì không. Thế nên, em không cần phải giày vò bản thân mình là “Tại sao mình không cảm thấy vui vẻ”.

Tôi: Em hiểu rồi ạ. Hôm thứ 4 vừa rồi, em đi nhậu với đồng nghiệp ở công ty rất vui nhưng em luôn có cảm giác chỉ vui một nửa thôi. Ví dụ, nếu đối phương không nói “Hôm qua vui thật đấy!” thì em chỉ cảm thấy vui một chút. Chỉ khi người ta nói ra câu đó thì em mới thấy vui thực sự. Thực ra em thường xuyên nói câu “Những điều mình đang nói không thú vị à?”, “Mình đang vui lắm, cậu cũng vậy chứ?”.

Bác sĩ: Quan tâm tới cảm xúc của người khác không phải là hành vi tiêu cực. Tuy nhiên, nếu em quá để ý tới cảm xúc của người khác thì sẽ có vấn đề.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin