Tour ngắm chim giá lên tới chục nghìn USD ở Việt Nam ngày càng được khách nhà giàu quan tâm, tạo doanh thu lớn, nhưng chưa nhiều doanh nghiệp khai thác.
“Trung bình mỗi du khách chi cho một tour ngắm chim dài ngày từ 4.000 USD đến 10.000 USD, chưa bao gồm vé máy bay”, chuyên gia điểu học Nguyễn Hoài Bảo nói.
Ông Bảo là CEO Wildtour, công ty khai thác các birdwatching tour (tour ngắm chim) từ năm 2005. Thời điểm đó, tour có quy mô nhỏ, khách đi ngắn ngày, một năm chạy một tour hoặc 2-3 năm mới tổ chức được một đoàn đến khám phá. Tuy nhiên, tour ngắm chim ngày càng được nhiều khách nhà giàu ở các thị trường lớn tìm kiếm. Hiện, Wildtour đã kín chỗ tới hết năm 2026, chủ yếu là khách quốc tế. Một số công ty đối tác trên thế giới cũng đang mở bán tour xem chim ở Việt Nam như công ty du lịch Rock Jumper ở Nam Phi, công khai giá 7.000 USD mỗi khách cho chuyến đi kéo dài 16-19 ngày.
Ngắm chim là hoạt động tìm hiểu các loài chim ngoài tự nhiên, quan sát bằng mắt hay thông qua một số thiết bị hỗ trợ như ống nhòm, máy ảnh chuyên dụng. Tour du lịch xem chim ra đời từ đầu thế kỷ XX ở Anh, sau đó phổ biến sang các nước châu Âu, châu Mỹ và Australia. Tour xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1990.
Theo ông Bảo, khách mua tour những ngày đầu tập trung ở các nước phát triển tại Tây Âu và Bắc Mỹ, Mỹ. Từ 2015, thị trường nhen nhóm thêm nguồn khách từ Thái Lan, Singapore. Đến nay, nguồn khách mở rộng thêm nhóm yêu thích sáng tác nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã, tập trung ở các điểm đến châu Á như Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc đại lục và Ấn Độ.
Đại diện công ty Wildtour cho hay các tour xem chim có mức giá khác nhau tùy thuộc vào thời gian chuyến đi. Tour ngắn từ hai đến ba ngày giá 1,7-3 triệu đồng. Tour dài ngày từ một tuần đến nửa tháng giá 40-70 triệu đồng. Du khách nước ngoài thường lựa chọn tour dài ngày.
Ông Hoài Bảo cho biết birdwatching tour có giá cao hơn các tour đại trà vì được cá nhân hóa, thiết kế riêng theo nhu cầu từng nhóm khách. Mỗi nhóm có 6-12 người. Khách nước ngoài mua tour xem chim thường lưu trú dài ngày, trung bình 3-4 tuần trong một hành trình. Tại mỗi điểm, khách phải lưu trú khoảng ba đêm mới ngắm được chim. Điều này giúp tăng thời gian ăn ở, chi tiêu của khách tại địa phương.
Theo chuyên gia điểu học, mỗi năm, nước Mỹ có khoảng 45 triệu người đi du lịch xem chim, chi tiêu khoảng 42 tỷ USD. Con số gấp 1,5 lần so với tổng thu toàn ngành du lịch Việt Nam năm 2023, khoảng 678.000 tỷ đồng (khoảng 27 tỷ USD).
Về tiềm năng hút khách, sự đa dạng về loài chim ở Việt Nam không thua kém nhiều điểm phổ biến birdwatching tour trên thế giới. Ông Bảo cho hay Việt Nam có khoảng 300 giống chim quý hiếm “ăn tiền” như sếu đầu đỏ, chim khướu xám, chim yến núi, gõ kiến xanh đầu đỏ, quạ khoang, hạc cổ trắng.
“Birdwatching đã phổ biến ở rất nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, đem lại doanh thu lớn”, ông Bảo nói và cho biết hiện ở Việt Nam chỉ có khoảng 10 đơn vị khai thác loại hình du lịch ngắm chim cao cấp dù sản phẩm có gần 20 năm nay.
Việc khai thác tour còn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp khai thác cho hay sản phẩm chưa được quan tâm, quảng bá rộng. Cơ sở vật chất phục vụ du khách tại các điểm đến chưa hoàn thiện. Các ngành dịch vụ chưa đồng bộ. Cơ chế, thủ tục để doanh nghiệp tổ chức tour cũng như du khách tiếp cận gặp khó. Nguồn nhân lực hướng dẫn viên chuyên môn còn hạn chế. Việc săn bẫy chim, thú, phá hoại thiên nhiên xảy ra thường xuyên nên nguồn tài nguyên chim suy giảm, khiến khách đắn đo đặt tour.
Hiện, các tour ngắm chim ở Việt Nam được tổ chức tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên cả nước. Tour ngắn ngày phổ biến có Vườn quốc gia Cát Tiên. Đại diện Vườn cho biết khách xem chim tại đây có hai dạng là cá nhân đặt tour trực tiếp với Vườn và các công ty chuyên tổ chức xem chim tự tìm nguồn khách và liên hệ để triển khai. Tour xem chim thường được thực hiện vào mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 4, tần suất trung bình mỗi tháng khoảng từ 15 – 20 đoàn. Mỗi đoàn thường lưu trú từ 3 đến 5 ngày. Quy mô đoàn từ 2 đến 10 người.
Đại diện Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết tour ngắm chim đem lại nhiều giá trị như tăng nguồn tài chính để hỗ trợ công tác bảo tồn, thêm sản phẩm du lịch, giải quyết nhu cầu về lao động. Tour có giá trị bảo tồn vì du khách tham gia thỏa mãn được sở thích khám phá, tìm hiểu, từ đó có sự trân trọng hơn với thiên nhiên.
Bà Daisy Kanagasapapathy, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng các tour ngắm chim tại Việt Nam đang phát triển nhưng vẫn là thị trường ngách do một số yếu tố.
Đầu tiên, ngắm chim là một sở thích có từ lâu ở các quốc gia có truyền thống bảo tồn động vật hoang dã và du lịch thiên nhiên lâu đời. Ở Việt Nam, trọng tâm chủ yếu là du lịch văn hóa, di sản và bãi biển, vốn thu hút nhiều du khách hơn. Việc tiếp thị và quảng bá các tour ngắm chim còn hạn chế hơn so với các sản phẩm du lịch khác. Ngoài ra, thiếu cơ sở hạ tầng và hướng dẫn viên chuyên biệt cho hoạt động ngắm chim, khiến du khách trong nước và quốc tế khó tiếp cận.
Để phổ biến mô hình tour này, bà Daisy Kanagasapapathy cho rằng ngành du lịch nên tập trung vào các chiến dịch nhắm vào du khách quan tâm đến sinh thái và các cộng đồng yêu thích ngắm chim, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với hoạt động như chòi quan sát, khu nghỉ dưỡng sinh thái và hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Bà gợi ý Việt Nam có thể tổ chức sự kiện như BirdFair – một hội chợ về chim ở Anh, để giới thiệu các loài chim độc đáo như khướu hông đỏ, khướu tai hung, khướu vằn đầu đen, sẻ thông họng vàng, khướu mỏ quặp Đà Lạt và khướu Ngọc Linh.
“Sự kiện nâng cao nhận thức về sự đa dạng các loài chim của Việt Nam, thu hút người đam mê ngắm chim trong và ngoài nước”, bà Kanagasapapathy nói và cho hay các tour ngắm chim có tiềm năng tạo ra giá trị kinh tế đáng kể, chủ yếu thông qua du lịch sinh thái.
Người ngắm chim dành nhiều thời gian hơn ở một điểm đến và đóng góp vào nền kinh tế địa phương bằng cách sử dụng dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng như thuê hướng dẫn viên địa phương. Loại hình du lịch cũng được nhận định tác động đến môi trường thấp so với du lịch đại trà, khiến ngắm chim trở thành trải nghiệm mang tính bền vững, tạo ra doanh thu ở các địa phương.
“Đây là một sản phẩm du lịch cao cấp, có tiềm năng hút khách chi tiêu cao đến Việt Nam”, ông Bảo nhận định.
Bích Phương