TTO – Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS NGUYỄN VIỆT DŨNG, giám đốc Sở Khoa học – công nghệ (KH-CN) TP.HCM, đã nhấn mạnh điều trên và nói thêm: TP phải đặt mình trước đòi hỏi không thể mãi phát triển, tăng trưởng bằng con đường chủ yếu dựa vào vốn và lao động.
Cần phát triển phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên ở các trường ĐH. Trong ảnh: đề tài máy lọc không khí trong nhà của nhóm sinh viên ĐH Việt Đức – ĐHQG TP.HCM tham gia triển lãm khởi nghiệp, hạng mục Social Innovation Camp 2016 – Ảnh: TƯỜNG HÂN |
TS Nguyễn Việt Dũng giải thích: nguyên nhân của vấn đề này được phân tích ở nhiều khía cạnh, nhưng cần phải thấy thực tế là tầm nhìn, quyết tâm chính trị và cơ chế chính sách của TP chưa đạt được yêu cầu để thúc đẩy hoạt động KH-CN nói chung và đổi mới sáng tạo – khởi nghiệp nói riêng phát triển mạnh mẽ.
Còn hạ tầng dịch vụ, hoạt động giáo dục – đào tạo, thu hút đầu tư của doanh nghiệp… đều có những mặt hạn chế, cũng có thể xem là những trở lực hiện nay trong việc thúc đẩy hình thành môi trường cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo.
* TP.HCM sẽ đi bằng cách nào với nhiều thách thức đặt ra?
– TP cần chủ động, đột phá sáng tạo, kiến tạo các cơ chế, chính sách xây dựng môi trường năng động, cởi mở, thuận lợi cho hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo của TP.
Cụ thể, tầm nhìn của TP phải hướng đến là làm sao thúc đẩy, hình thành cho được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP. Đây chính là nền tảng để hiện thực hóa vai trò của KH-CN cho sự phát triển của TP.
Muốn làm được điều này cần có cái nhìn xuyên suốt, tổng thể và tư duy hệ thống, để thiết kế mô hình phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo; các cơ chế, chính sách phải mang tính kiến tạo, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế và thu hút được các nguồn lực từ xã hội, mà đặc biệt là từ khu vực doanh nghiệp. Việc thu hút nguồn lực xã hội là yếu tố có tính quyết định, tác động đến phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo.
Hằng năm, TP chi 2% ngân sách cho KH-CN, trong khi khu vực doanh nghiệp còn ít quan tâm đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo. Ở Hàn Quốc, đầu tư của xã hội hằng năm cho KH-CN và đổi mới sáng tạo là trên 4% GDP, còn ở Singapore là trên 2% GDP. Vì vậy, chúng ta cần thiết kế chính sách và thay đổi làm sao, để cho 1 đồng Nhà nước đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo có thể thu hút ít nhất 3-5 đồng đầu tư từ xã hội.
TS Nguyễn Việt Dũng – Ảnh: Q.ĐỊNH |
* Ông có thể nói rõ hơn về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mà ông cho rằng cần đặt trọng tâm vào thiết kế cho bằng được?
– Mô hình phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các nước tiên tiến được thiết kế như một kim tự tháp. Nó bao gồm các lớp nền tảng như cơ chế, chính sách của Nhà nước; hạ tầng dịch vụ; giáo dục – đào tạo; hoạt động nghiên cứu phát triển; môi trường thử nghiệm; môi trường ươm tạo; khởi nghiệp; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp lớn dẫn dắt về công nghệ.
Các thành phần được gắn kết chặt chẽ, hợp tác tương hỗ, và có định hướng dẫn dắt của thị trường mà khu vực doanh nghiệp phải đóng vai trò trung tâm.
Khi thiết kế các cơ chế, chính sách cần xác định chỗ nào Nhà nước phải đầu tư, phải thực hiện; chỗ nào thì tăng cường hợp tác công tư; chỗ nào là việc của khu vực doanh nghiệp, Nhà nước không nên can thiệp trực tiếp.
Khi phân tích, sẽ thấy chúng ta còn nhiều hạn chế. Ví dụ như nói về nhu cầu hạ tầng dịch vụ hỗ trợ thì TP đang rất thiếu những loại như phòng thí nghiệm mở (open lab), các xưởng thiết kế, chế tạo thử nghiệm mở… Có ý tưởng mà không có nơi làm thử thì làm sao tạo điều kiện, thúc đẩy đổi mới sáng tạo được. Làm sao trong trường học, cộng đồng… có được nhiều cơ sở nằm trong hệ thống dịch vụ hỗ trợ này.
Hoặc nói về giáo dục – đào tạo là yếu tố quyết định cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thì chúng ta còn chậm đổi mới nội dung và phương pháp, để đào tạo tư duy, phương pháp, kỹ năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…
Còn khu vực ĐH thì chưa thật sự chú trọng hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo gắn với thị trường và yêu cầu phát triển của TP.
Điều dễ thấy là hiện nay ít có trường ĐH, viện nghiên cứu có đơn vị chuyên hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ từ kết quả nghiên cứu khoa học của mình, và hoạt động tự chủ như một doanh nghiệp KH-CN vững mạnh trên thị trường.
Môi trường để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thủ tục pháp lý, tài chính…
Không gian cùng nhau đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trả lời Tuổi Trẻ “Sở KH-CN TP đang có những bước đi nào để tạo điều kiện cho sự phát triển hoạt động KH-CN của TP?”, TS Nguyễn Việt Dũng cho biết: một trong các hoạt động đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng là Không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp SiHub (Saigon Innovation Hub, tại số 273 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM). Nơi đây đã dần trở thành địa chỉ hội tụ, thu hút các hoạt động hợp tác, chia sẻ, cùng nhau đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. SiHub đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo về đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, doanh nghiệp; hoạt động kết nối doanh nghiệp, trường viện, các vườn ươm, quỹ đầu tư, cộng đồng khởi nghiệp; hỗ trợ không gian làm việc; phòng thí nghiệm mở… SiHub cũng nhận được sự quan tâm và mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều đối tác đến từ các nước, các tổ chức, doanh nghiệp lớn quan tâm đến hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Điểm đặc biệt trong hoạt động của SiHub là sự hợp tác, cùng tham gia gánh vác công việc, đóng góp, chia sẻ nguồn lực của xã hội. Chính vì vậy mà chỉ chưa tròn 6 tháng hoạt động, đã có hàng trăm hoạt động diễn ra nơi đây. Hôm nay (28-12), tại địa chỉ này, TP sẽ công bố chính thức chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020. |