TP.HCM ‘lắng nghe’ cảm xúc của người dân trên mạng xã hội thế nào

Thu thập dữ liệu từ Facebook, YouTube và xử lý bằng AI, phần mềm Social Beat của TP.HCM sẽ nhận dạng cảm xúc của người dùng mạng xã hội là tích cực, trung lập hay tiêu cực.

phan mem lang nghe mang xa hoi da giup tp hcm trong cong tac quan ly va dieu hanh

Để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến người dân về hoạt động của chính quyền, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM ra mắt của Phần mềm lắng nghe mạng xã hội (Social Beat) hôm 27/2. Đây được kỳ vọng là một công cụ đầy tiềm năng giúp thành phố hiểu rõ cộng đồng mạng và nắm bắt dư luận.

“Không có công cụ nào tốt hơn đo lường bằng mạng xã hội”

Theo Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở TT&TT Nguyễn Thanh Hòa, phần mềm lắng nghe mạng xã hội của TP có khả năng thu thập dữ liệu từ một loạt các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube… Công cụ này sẽ thu thập, đánh giá, phân tích thông tin trên mạng, đồng thời lắng nghe ý kiến người dân nhằm phục vụ thực thi chính sách chỉ đạo.

Social Beat sẽ trở thành nền tảng dùng chung cho các sở, ngành, địa phương giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và chi phí đầu tư. Tại hội nghị công bố, ông Nguyễn Thanh Hòa cho hay các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng phần mềm này để nắm bắt phản ánh của người dân về những vấn đề trong khu vực, từ đó xây dựng chính sách quản lý, phát triển xã hội hiệu quả hơn.

Nói với Tri thức –ZNews, ThS. Phan Văn Tú, Chủ nhiệm Bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí – Truyền thông (Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) đánh giá phần mềm Lắng nghe xã hội của Sở TT&TT TP.HCM tiên tiến hơn những giải pháp trước đây như qua tổng đài, diễn đàn đóng góp ý kiến hay khảo sát trực tiếp tại địa phương…

“Trong điều kiện hiện nay, không có công cụ đo lường ý kiến người dân tốt hơn thông qua mạng xã hội”, ông nhận định. Bởi mạng xã hội ngày nay đã thâm nhập sâu rộng vào đời sống hiện đại.

TP.HCM lang nghe MXH anh 1

Sở TT&TT TP.HCM ra mắt phần mềm đánh giá thái độ mạng xã hội bằng AI. Ảnh: iStock.

Tính đến năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số, theo số liệu thống kê của VNetwork. Trong đó, TP.HCM với 10 triệu dân lại có đến 22 triệu tài khoản mạng xã hội và hơn 200 cơ quan báo chí. Thành phố cũng là nơi có nhiều người sáng tạo nội dung, KOL nhiều nhất cả nước.

Theo ThS. Tú, mạng xã hội không chỉ là nơi để người dùng giữ liên lạc, cập nhật thông tin, học tập, làm ăn, nghiên cứu mà còn là để thể hiện ý kiến, cảm xúc cá nhân. “Do đó, một phần mềm như Social Beat ra đời sẽ giúp chính quyền có cái nhìn tổng thể hơn về đời sống, nhu cầu, thậm chí là bức xúc của người dân và đề ra chính sách xã hội phù hợp”, ông nói.

Đồng ý với quan điểm của ThS. Tú, Mai Nguyễn, chuyên viên truyền thông, quan hệ công chúng tại Genetica cho rằng công bố phần mềm là nỗ lực của nhà nước trong việc cố gắng tiếp nhận tích cực những ý kiến và nhu cầu của người dân.

“Các chính sách hay nghị quyết của nhà nước đó giờ khó ‘chạm’ tới được người dân. Họ không biết cách phản hồi, bày tỏ quan điểm về các chính sách hoặc biết cách nhưng thiếu hiệu quả”, Mai nói với ZNews.

Tích hợp AI vào hệ thống nhận dạng cảm xúc

Bên cạnh đó, phần mềm được hỗ trợ bởi công nghệ AI và học máy, giúp phân tích dữ liệu mạng xã hội một cách thông minh, hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, ngành, lĩnh vực và vùng. Phần mềm nhận dạng tâm trạng, cảm xúc của cộng đồng với sắc thái tích cực, trung lập, tiêu cực.

Chia sẻ với ZNews về tiêu chí đánh giá cảm xúc của Social Beat, ông Nguyễn Thanh Hòa cho biết dữ liệu thu thập được sẽ có chứa các từ khóa và được AI tự động phân loại theo từng mục con.

Sau đó, kết hợp với những tương tác người dùng, bài viết sẽ được hệ thống dán nhãn tương ứng. “Từ số liệu đầu vào của mỗi bài viết, phần mềm sẽ tính toán thành tỷ lệ phần trăm tích cực/tiêu cực/trung lập về một chủ đề nào đó”, đại diện Sở nói.

Ngoài nhận dạng cảm xúc, hệ thống cũng rà quét chủ đề theo từng khu vực. “Ví dụ như những bài viết chứa từ khóa liên quan đến TP Thủ Đức sẽ được quét và xếp vào danh mục ‘Thủ Đức’. Sau này, khi đi vào hoạt động chính thức, các dữ liệu về vị trí địa lý sẽ giúp chính quyền tạo chủ đề liên quan đến khu vực đó và tiếp tục làm giàu cho danh mục có sẵn”, ông Nguyễn Thanh Hòa giải thích.

Trưởng phòng Thông tin điện tử cũng cho hay thống kê sẽ chạy theo thời gian thực và phân tích liên tục. Nhưng báo cáo sẽ có thể tùy chỉnh, kết xuất một cách linh hoạt và đa dạng như báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ hoặc tổng hợp, phân tích báo cáo chuyên sâu… Nhờ đó, tiết kiệm được nguồn nhân lực làm công tác tổng hợp, thay vào đó tập trung cho phân tích và tham mưu chính sách.

TP.HCM lang nghe MXH anh 2

Social Beat phân loại cảm xúc vào các danh mục bằng từ khóa. Ảnh: VGP/Vũ Phong.

ThS. Phan Văn Tú đánh giá việc tích hợp trí tuệ nhân tạo mang lại lợi thế lớn cho công cụ đo lường cảm xúc xã hội như Social Beat. Với khả năng kết xuất dữ liệu tự động, chính quyền TP có thể lập các bảng biểu đánh giá vào mọi lúc, với mọi lĩnh vực, phục vụ cho công tác quản lý xã hội.

Phần mềm có thể giúp các tổ chức quản lý và định hình dư luận công cộng thông qua việc theo dõi và phân tích các trào lưu, ý kiến và cảm xúc trên mạng xã hội. Đặc biệt là các nội dung, thông tin của các đối tượng thù địch, chống phá, lợi dụng mạng xã hội và Internet để kích động, kêu gọi biểu tình chống lại chính quyền và các chủ trương, chính sách.

Chuyên viên truyền thông Mai Nguyễn cũng hy vọng phần mềm của Sở TT&TT TP.HCM sẽ quản lý triệt để các hội nhóm kích động như gây rối trật tự, rủ nhau cướp giật hay những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội.

Về mặt rủi ro về bảo mật thông tin, ThS. Tú cho rằng không đáng lo ngại. “Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, không có dấu vết nào trên mạng xã hội là không bị ghi nhận”, ông nói với ZNews. Ngay cả khi tìm kiếm trên Google hay dùng ứng dụng đặt xe để di chuyển trong thành phố, chính mỗi người trong chúng ta cũng không thể thoát khỏi việc bị các nền tảng lưu trữ thông tin.

Còn với Social Beat, đây là công cụ được công bố bởi Sở TT&TT TP.HCM. “Vì vậy, những thông tin sẽ đó được sử dụng cho mục đích vì cộng đồng và người dân chắc chắn sẽ được bảo vệ trên cơ sở pháp luật”, ThS. Tú khẳng định.

Chia sẻ với ZNews, Trưởng phòng Thông tin điện tử Nguyễn Thanh Hòa, cho biết dữ liệu được Social Beat khai thác chỉ có những thông tin công khai trên nền tảng.

Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI

Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.

Cuốn sách Thời đại AI – Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin