‘TP HCM phát hành trái phiếu làm metro nên tính lãi theo thị trường’
Thành phố cần thiết phát hành trái phiếu huy động vốn làm metro, dần thay thế nguồn ODA, song lãi suất cần hấp dẫn thu hút người dân, theo chuyên gia.
Huy động trái phiếu bổ sung nguồn vốn làm metro là một trong những giải pháp được TP HCM đưa ra, nhằm thực hiện trên cơ sở kết luận 49 của Bộ Chính trị. Thành phố đang làm đề án phát triển hệ thống metro với mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 183 km, năm 2045 tăng lên 351 km và đạt khoảng 510 km vào năm 2060. Tổng nhu cầu vốn cho từng mốc thời gian nêu trên lần lượt ước tính 34,85 tỷ USD, 26,17 tỷ USD và 40,61 tỷ USD.
Theo đề án mà TP HCM đang xây dựng, việc huy động vốn đến từ nhiều nguồn: tăng thu ngân sách Trung ương, thành phố được giữ lại hơn 40 tỷ USD (chiếm hơn 39%); đầu tư công của thành phố: 27,92 tỷ USD (27,47%); phát triển TOD (phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở): 17,54 tỷ USD (17,26%); phát hành trái phiếu địa phương: 6,46 tỷ USD (6,36%); ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu: 9,49 tỷ USD (9,34%).
Riêng giải pháp phát hành trái phiếu, thành phố dự kiến thực hiện giai đoạn 2025-2035, mỗi năm huy động 10.000-30.000 tỷ đồng. Con số này nằm trong hạn mức dư nợ của TP HCM với giới hạn 120% số thu điều tiết ngân sách thành phố.
Metro số 1 trong lần chạy thử. Ảnh: Quỳnh Trần |
Mới đây, khi phát biểu tại đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi kêu gọi người dân hãy mua trái phiếu làm đường sắt đô thị. Thành phố sẽ tính toán kỹ để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các tuyến metro kết hợp, có nguồn kinh phí trả lại lợi ích cho người dân.
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp hoặc chính phủ, địa phương với người nắm giữ. Đơn vị phát hành phải trả lợi tức cho người sở hữu và hoàn trả khoản vay khi trái phiếu đáo hạn.
Thành phố trước đó quy hoạch 8 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 170 km. Hiện, tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành – Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30 km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách Trung ương. Các tuyến còn lại đang xây dựng, hoàn thiện đề án.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, cho biết việc phát hành trái phiếu huy động vốn là cần thiết để giúp TP HCM xây dựng công trình trọng điểm. Thành phố có đủ các yếu tố để thực hiện, cụ thể là khoản 4 Điều 5 về Tài chính ngân sách, nhà nước của Nghị quyết 98 thí điểm chính sách đặc thù cho phép vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. TP HCM là đầu tàu, nền kinh tế lớn nhất nước, nguồn lực trong dân lớn nên dễ dàng nhận được sự ủng hộ. Metro khi hoàn thành đem lại lợi ích kinh tế lớn, thay đổi bộ mặt đô thị, phục vụ người dân.
Theo chuyên gia, tuyến metro số 1 và số 2 thực hiện bằng vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách Trung ương, nên phụ thuộc hoàn toàn vào nhà tài trợ, ràng buộc từ lựa chọn công nghệ, nhà thầu, tiêu chuẩn kỹ thuật, giải ngân… Điều này khiến thời gian thực hiện kéo dài, 15 năm chưa xong tuyến metro số 1. Vốn ODA lãi suất bằng 0 hoặc chỉ 1-2% mỗi năm nhưng cuối cùng đội vốn lên 2-3 lần mà metro chưa chạy được thương mại là thiệt hại vô cùng lớn.
“Khi chuyển sang tự chủ nguồn vốn TP HCM sẽ khắc phục khuyết điểm này, khi phát hành trái phiếu dù trả lãi suất nhưng vẫn là trả cho dân, nguồn tiền ở lại với nền kinh tế”, TS Bình nói. Theo chuyên gia, TP HCM cần nhìn vào các bài học này để tính toán cơ chế phát hành, trả trái tức với lãi suất phù hợp.
Tương tự, TS Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý Công nghiệp, Đại học Bách khoa TP HCM, nói thành phố phát hành trái phiếu giúp huy động nguồn lực xã hội, tự chủ nguồn vốn, giảm phụ thuộc ODA. Giải pháp này góp phần tăng tính minh bạch về chính sách đầu tư và việc sử dụng nguồn tiền khi đổ vào các dự án metro.
Tuy nhiên để công cụ trên trở nên hiệu quả, TS Hùng cho rằng thành phố cần xác định trước những rủi ro và thách thức nợ công. Theo nguyên tắc, chính quyền địa phương khi vay phải trả theo kỳ hạn. Trong khi metro là công trình giao thông công cộng, nguồn thu chủ yếu từ bán vé, quá trình thu hồi vốn kéo dài chưa nói đến khả năng sinh lời ngắn hạn từ chính dự án. Vì vậy, nguồn tiền chi trả trái phiếu hoặc rủi ro biến động lãi suất dẫn đến áp lực nợ công tăng lên cần tính toán trước, tránh tình trạng bị động.
Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế – đô thị, cho rằng TP HCM đang định hướng trở thành một trung tâm tài chính ở khu vực và một trong những nền tảng để hình thành chính là trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình.
Theo chuyên gia, thông thường, các điều kiện hoặc tiêu chí phát hành trái phiếu được đánh giá thông qua năng lực tài chính, quản trị, nghĩa vụ trả nợ trong tương lai của bên phát hành. Trong điều kiện hiện nay, TP HCM đủ năng lực bởi là địa phương có nguồn thu ngân sách bền vững, ổn định, khả năng tự chủ tài khóa.
Ông Hà Ngọc Trường, 84 tuổi, cán bộ về hưu, ngắm đường phố qua cửa sổ tàu điện metro đầu tiên của TP HCM chạy thử nghiệm, tháng 8/2023. Ảnh: Quỳnh Trần |
Để thu hút được nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu, TS Lê Duy Bình cho rằng trái phiếu cần đảm bảo hai yếu tố là lãi suất hấp dẫn và thanh khoản cao, tức được giao dịch thuận tiện trên thị trường thứ cấp.
Cụ thể, lãi suất cần tính được tính dựa trên trung bình tiền gửi tiết kiệm dài hạn 4 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn và 1-2 ngân hàng tư nhân uy tín. Sở Tài chính TP HCM cần phối hợp Ngân hàng nhà nước, Ủy ban Chứng khoán tạo ra thị trường thanh khoản cao cho trái phiếu phát hành, tức người sở hữu khi cần tiền có thể bán đi mà vẫn hưởng được được phần lãi cho khoảng thời gian nắm giữ. Trái phiếu chính quyền TP HCM cần được xem như một loại hàng hóa, sản phẩm tài chính.
“Khi trái phiếu đạt được hai tiêu chí này cùng với mục tiêu đóng góp cho thành phố phát triển thì không chỉ người dân TP HCM mà cả nước sẽ ủng hộ”, TS Bình nói, thêm rằng phát hành trái phiếu không nên làm theo cách cũ là lãi suất quá thấp, không đủ hấp dẫn. Người dân cố gắng mua với mức thấp nhất rồi “vứt đâu mất”, không xem đó là kênh đầu tư.
“Quy mô GRDP của TP HCM rất lớn, dư địa tăng trưởng cao, thành phố hoàn toàn cân đối được nguồn tài chính để trả lãi theo thị trường. Do đó cần thay đổi cách làm, không nên chỉ dựa vào tuyên truyền, vận động”, TS Bình nói.
Theo chuyên gia với 8 tuyến metro được quy hoạch, thành phố nên thí điểm một tuyến theo hình thức tự chủ hoàn toàn về tài chính trong đó có phát hành trái phiếu. Thành phố lựa chọn nhà thầu, công nghệ, làm dứt điểm trong 4-5 năm để rút kinh nghiệm và tạo niềm tin cho người dân. Từ đó, không chỉ 6,46 tỷ USD như kế hoạch mà chính quyền có thể tăng vốn huy động từ nguồn này.
Ở góc độ nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Giám đốc Đầu tư trái phiếu tại Dragon Capital, nhận định rằng trái phiếu chính quyền địa phương còn nhiều dư địa phát triển, nhưng cần thay đổi cách tiếp cận để đạt được thành công.
Bà Tuyết Hồng nói rằng quan sát 5-10 năm trở lại đây, kênh huy động vốn này của các địa phương chưa hiệu quả do không được thị trường đón nhận nhiều. Vì vậy, cách tiếp cận mới trước tiên là về mặt giá, tức lãi suất đủ hấp dẫn; thứ hai là sự hỗ trợ từ chính quyền với chính sách nhất quán để khuyến khích nhà đầu tư như ngân hàng, công ty bảo hiểm… nắm giữ; làm rõ trái phiếu này nằm ở đâu trong thang điểm tín nhiệm dựa trên khả năng thanh toán và tính thanh khoản.
Đại diện Dragon Capital cho rằng so với trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương có hệ số an toàn thấp hơn nên lãi suất phải cao hơn để thu hút nhà đầu tư. Tuy lãi suất có thể thay đổi tùy vào giai đoạn phát hành, nhưng phải có mức chênh nhất định so với trái phiếu Chính phủ nhằm tạo hấp dẫn.
Bà Hồng lưu ý trong quá khứ, một số trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn trong thanh toán đúng hạn. “Dù các trái phiếu này không hoàn toàn tương đồng với trái phiếu chính quyền địa phương, nhưng đâu đó trong thang điểm rủi ro dưới góc độ đầu tư là khá giống nhau, gây ra một số quan ngại nhất định”, bà Hồng nói, thêm rằng để nhà đầu tư an tâm, thành phố cần minh bạch hơn về các thông tin tài chính, thu ngân sách và khả năng trả lãi.
Mới đây khi xây dựng đề án đường sắt cao tốc Bắc Nam (vận tốc tối đa 350 km/h, vốn dự kiến sơ bộ 67,34 tỷ USD), Chính phủ cũng yêu cầu kinh phí thực hiện dự án cần tính đến phương án phát hành trái phiếu, bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, vốn vay; BOT, BT (đổi đất lấy hạ tầng, nhất là nhà ga, sân đỗ) và huy động nguồn vốn ngoài nhà nước bằng cơ chế đặc biệt.
Lê Tuyết – Gia Minh
Vnexpress