Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, đến năm 2040, thành phố sẽ có 8 tuyến tàu điện ngầm (metro), 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) hoặc đường sắt một ray (monorail).
Cụ thể, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển GTVT vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, để phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, một số dự án đường sắt TP.HCM được đề nghị điều chỉnh quy hoạch.
Trong đó, dự án đường sắt đô thị, là đường sắt phục vụ nhu cầu đi lại hằng ngày của hành khách ở TP.HCM và vùng phụ cận sẽ có 8 tuyến metro, 3 tuyến tramway hoặc monorail chiều dài 56,5 km.
Văn bản do Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm ký nêu rõ, đường sắt đô thị ở TP.HCM hiện có tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dự kiến hoàn thành vào năm 2023; còn tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Các tuyến đường sắt đô thị khác chỉ mới đang trong quá trình nghiên cứu hoặc đang tìm nguồn vốn đầu tư.
Sở GTVT thành phố cũng đề nghị điều chỉnh quy hoạch một số tuyến đường sắt hiện hữu như đường sắt quốc gia Bình Triệu – Hòa Hưng sẽ thành đường sắt đô thị, tuyến TP.HCM – Tây Ninh được kéo dài đến cửa khẩu Mộc Bài nối với Campuchia, nghiên cứu đường sắt nối khu đô thị biển Cần Giờ…
Đồng thời, ông Trần Quang Lâm cho biết, Sở GTVT cũng có năm đề nghị về rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị phù hợp với quy mô và tầm nhìn phát triển của thành phố.
“Thứ nhất, bổ sung tuyến vận chuyển nhanh, phương tiện nhỏ, hoạt động tự động kết nối các nhà ga Tl, T2, T3 ở sân bay Tân Sơn Nhất. Thứ hai, nghiên cứu kéo dài tuyến metro số 6 kết nối hướng tuyến tramway số 1 để tạo thành tuyến bao, phục vụ lượng hành khách lớn phía tây và phía nam thành phố.
Thứ ba, nghiên cứu chuyển đổi loại hình tramway số 1 thành loại hình có đường chạy riêng như loại hình metro/đường sắt nhẹ/tàu một ray. Thứ tư, nghiên cứu kết nối tuyến monorail số 3 vào đoạn tuyến Bình Triệu – Hòa Hưng của đường sắt quốc gia (đoạn tuyến này chuyển thành đường sắt đô thị).
Thứ năm, nghiên cứu bổ sung tuyến kết nối với khu đô thị biển Cần Giờ. Mặt khác, cũng nên nghiên cứu, bổ sung quy hoạch hệ thống đường sắt chuyên dụng kết nối cảng hàng hóa, cảng container, cảng biển mới theo quy hoạch…”, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đề xuất.
Ngoài ra, Sở GTVT thành phố sẽ nghiên cứu kéo dài các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt liên vùng kết nối giữa các khu đô thị vệ tinh của TP.HCM với các khu đô thị vệ tinh của các tỉnh, thành phố trong vùng. Đơn cử như kéo dài tuyến metro số 1 đến các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, kéo dài tuyến metro số 3a đến tỉnh Long An…