Trả hoa hồng cao chưa từng có, Temu ‘đốt tiền’ để xâm lấn thị trường Việt

(VNF) – Những ngày qua, Temu đang tạo “cơn sốt” với chiêu trò giảm giá cực mạnh, chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) chiết khấu tới 30%, một động thái được xem là khơi mào cuộc chiến thị phần ở Việt Nam.

Những ngày qua, nền tảng thương mại điện tử Temu của Trung Quốc đang trở thành từ khóa “hot” trong cộng đồng mạng nguyên nhân một phần đến từ chương trình tiếp thị liên kết với mức hoa hồng khủng mà nền tảng này đưa ra.

Trên các trang mạng xã hội không ít những bài viết, video kêu gọi tham gia chương trình tiếp thị liên kết thu hút hàng chục nghìn lượt xem và tương tác từ người dùng có nội dung như: “Đây là cách tôi kiếm được 100 triệu đơn giản với Temu”, “Cơ hội kiếm tiền cực khủng chỉ trong 24 giờ”…

Chơi lớn tung chính sách “chưa từng có tiền lệ”

Theo thông tin từ Temu, người dùng khi cài đặt ứng dụng có thể nhận 50.000 đồng vào tài khoản mua sắm. Nếu chia sẻ liên kết đăng ký và có người sử dụng để tạo tài khoản, người giới thiệu sẽ nhận thêm 150.000 đồng. Đặc biệt, nếu mời được người dùng sở hữu kênh TikTok hay YouTube với lượng theo dõi lớn, mức tiền thưởng có thể cao hơn đáng kể. Ngoài ra, người dùng còn có thể nhận hoa hồng lên đến 30% từ doanh thu của các sản phẩm bán trên sàn thông qua liên kết chia sẻ.

Temu còn áp dụng mô hình hoa hồng nhiều cấp. Cụ thể, khi tài khoản tham gia chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) thông qua đường dẫn, người chia sẻ sẽ nhận được tiền thưởng. Nếu người dùng cấp dưới tiếp tục mời thêm đối tác, người giới thiệu cấp trên sẽ hưởng thêm 20% hoa hồng từ thành viên mới này.

Affiliate marketing là hình thức giúp người dùng trở thành đối tác và nhận hoa hồng khi có người nhấp vào liên kết giới thiệu. Tuy nhiên, chính sách của Temu được một số chuyên gia trong ngành đánh giá là “chưa từng có”, không chỉ ở mức hoa hồng cao mà còn ở hệ thống tiếp thị chéo nhiều tầng.

temu edited 1729783361562 1514
Chính sách hấp dẫn của chương trình tiếp thị liên kết với chiết khấu tới 30% của Temu thu hút nhiều người Việt tham gia (Ảnh: Chụp màn hình).

Bên cạnh đó, Temu còn nổi bật với chương trình “affiliate 3 trong 1, hai tầng” – một chiến lược mà thị trường chưa từng thấy. So sánh với các đối thủ như Shopee, Lazada, TikTok Shop, mức hoa hồng cho khách hàng mới của Temu đang dẫn đầu, giúp nền tảng này nhanh chóng thu hút sự chú ý và lan truyền mạnh mẽ trên các mạng xã hội.

Tuy nhiên, để rút được tiền thưởng, người dùng cần hoàn tất quá trình đăng ký và thực hiện mua một đơn hàng đầu tiên trong vòng 60 ngày. Nếu hủy đơn hàng hoặc không hoàn tất trong thời gian quy định, số tiền hoa hồng sẽ không được chuyển vào tài khoản người giới thiệu.

Một chuyên gia trong ngành tiếp thị liên kết nhận định, chiến lược của Temu, dù có vẻ như “đốt tiền”, nhưng thực ra đã được tính toán kỹ lưỡng nhằm thu hút và giữ chân người dùng mới.

“Nói mà không có giải pháp, khác gì quảng bá”

Sáng 25/10, tại hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan đã bày tỏ lo ngại về tác động của thương mại điện tử đến nền kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực sản xuất và chuỗi bán lẻ truyền thống.

Bà Lan chỉ ra rằng việc Temu, một nền tảng thương mại điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc, chưa đăng ký với cơ quan chức năng Việt Nam nhưng vẫn tiến hành giao dịch và bán hàng tại thị trường này là vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, các hành vi này chỉ bị xử lý hành chính.

img2233 15404794538961195958600 213 0 1337 2000 crop 1540479461226379341087 1729836842060594856877 1544
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Đồng thời, các chiêu trò giảm giá mạnh, kêu gọi người tham gia bán hàng với mức chiết khấu cao và lợi nhuận “không tưởng” đã giúp Temu thu hút được sự chú ý, thậm chí có thể xem như một cách tạo scandal để gây tiếng vang tại Việt Nam.

Theo Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan việc báo chí và dư luận liên tục nhắc đến Temu mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời sẽ vô tình trở thành “quảng cáo miễn phí” cho thương hiệu này.

Đại biểu Lan nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Công Thương, trong việc đưa ra các giải pháp phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có biện pháp cụ thể và hiệu quả nào được đưa ra để kiểm soát tình hình này.

Trong một ý kiến mới đây, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) bày tỏ lo ngại trước tình trạng hàng giá rẻ từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử như Temu. Ông quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước và kêu gọi sớm đưa ra các giải pháp hiệu quả để kiểm soát tình hình này.

Đại biểu Quốc hội Ngân cho biết, “cơn sốt” hàng giá rẻ từ các nền tảng thương mại điện tử như Temu, Taobao, và Shein đang tạo ra nhiều thách thức cho quản lý nhà nước. Ông nhận định, việc hàng hóa giá rẻ tràn vào Việt Nam chủ yếu do quy trình sản xuất và phân phối tối ưu, cùng với việc né tránh thuế và các chi phí khác.

Hàng nhập khẩu giá rẻ đã gây áp lực lên các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng và tiềm ẩn nguy cơ đóng cửa. Đại biểu Ngân kêu gọi cần tăng cường quản lý thuế và giám sát chặt chẽ hơn để đảm bảo sự công bằng cho nền kinh tế nội địa.

Hàng loạt quốc gia lo ngại về chất lượng hàng hóa

Gần đây, hàng loạt quốc gia gần đây đã lên tiếng cảnh báo về chất lượng hàng hóa trên Temu. Các cảnh báo này xoay quanh vấn đề an toàn sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Vào tháng 8 vừa qua, AFP đưa tin cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện giày dép trên Temu chứa hàm lượng chất độc hại cao gấp hàng trăm lần mức cho phép. Cụ thể, đế giày sandal có hàm lượng chì cao gấp 11 lần giới hạn theo quy định. Sau đó, đại diện Temu cho biết đã tiến hành điều tra nội bộ và nhanh chóng loại bỏ sản phẩm vi phạm khỏi thị trường toàn cầu, đồng thời yêu cầu người bán tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, theo Business Insider.

Tại Australia, ABC News cho biết một nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thử nghiệm ngẫu nhiên 15 món đồ chơi từ Temu và phát hiện nhiều sản phẩm nguy hiểm. Các đồ chơi này có khả năng gây tử vong do chứa pin cúc áo và đồng xu, không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn của Australia. Một số lỗi phổ biến là pin dễ tháo rời, ốc vít không chắc chắn và nhãn mác thiếu thông tin.

Vào tháng 5, một nhóm bảo vệ người tiêu dùng tại Anh cũng phát hiện mối nguy từ các sản phẩm máy sưởi bán trên Temu. Các mẫu thử nghiệm cho thấy có nguy cơ cháy nổ và không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn tại Anh. Theo chương trình truyền hình Dispatches, nhiều sản phẩm dành cho trẻ em từ Temu còn chứa kim loại nặng như chì, cadmium và antimon, có thể gây tổn thương tâm thần và sinh lý nghiêm trọng.

temu 2 54903 1546
“Cơn bão” Temu tiếp tục bùng phát mạnh. Ảnh: Znews

Temu đóng vai trò trung gian giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, chủ yếu phân phối hàng hóa từ các nhà máy và kho hàng ở Trung Quốc. Điều này khiến nền tảng không thể trực tiếp giám sát chất lượng sản phẩm trước khi bán, chỉ dựa vào cam kết của người bán về tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.

Tại Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết đã báo cáo Thủ tướng về việc cần đẩy mạnh quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới. Bộ Công Thương đang nghiên cứu đề xuất ban hành Luật chuyên ngành về thương mại điện tử và sửa đổi Quyết định 78/2010 liên quan đến giá trị hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Điều này nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng và an toàn sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin