Trả nợ cho mẹ và mua nhà khi mới 27 tuổi

MỹKim Liêu đã trả xong nợ 28.000 USD cho mẹ trong 9 tháng, cùng chồng mua nhà trả góp và có thu nhập 100.000 USD mỗi năm.

Đầu năm nay, Kim Liêu – người gốc Trung, 27 tuổi, làm phân tích tài chính cấp cao tại một công ty thiết bị y tế ở California (Mỹ) đã trả hết khoản nợ thế chấp 28.000 USD của mẹ cô trong 9 tháng xảy ra đại dịch. Cô xem đây là điều ít nhất có thể làm để đảm bảo tài chính cho mẹ khi bà bị mất việc vì Covid-19.

“Đó là số tiền tuyệt vời nhất mà tôi từng chi tiêu vì nó khiến mẹ tôi rất hạnh phúc. Không có cảm giác hạnh phúc nào đối với tôi ngoài việc nhìn thấy mẹ vui mừng”, Kim Liêu chia sẻ cảm xúc sau khi trả hết nợ cho mẹ mình.

Mục tiêu của Liêu luôn là kiếm được một công việc ổn định để giúp đỡ tài chính cho mẹ. Với công việc phân tích tài chính cấp cao, cô kiếm được 100.000 USD mỗi năm.

Sinh ra ở Thâm Quyến (Trung Quốc), Kim Liêu chuyển đến Mỹ cùng mẹ sau khi bố mẹ ly dị vào năm cô 12 tuổi. Khi mới đến nước Mỹ, hai mẹ con phải sống trong nhà kho của một người họ hàng ở Los Angeles, mặc quần áo do nhà thờ gần đó tặng. Không nói được tiếng Anh, Disney Channel trở thành “gia sư ngôn ngữ” của Liêu trong vài năm đầu sống ở nước ngoài.

Sau hai năm chật vật, họ thuê phòng ở nhà người khác. Mẹ cô – một giáo sư đại học ở Trung Quốc nhưng phải làm nghề bán kính râm tại một ki-ốt ở trung tâm thương mại. Về sau, bà mới dành đủ tiền để thuê một căn hộ nhỏ cho hai người ở San Diego.

Trong suốt thời gian đó, Kim Liêu luôn học tập xuất sắc ở trường bất chấp rào cản ngôn ngữ, đặc biệt là môn toán. Cô đã theo học Đại học California và được hỗ trợ tài chính thông qua Đơn xin Trợ giúp Sinh viên Liên bang (FAFSA). Cô cũng đủ điều kiện để vừa học vừa làm và tốt nghiệp vào năm 2016 mà không cần vay bất kỳ khoản nào.

Kim Liêu (bên phải) và mẹ trong ngày cưới của cô. Ảnh: Nhân vật cung cấp cho CNBC

Kim Liêu (bên phải) và mẹ trong ngày cưới của cô. Ảnh: Nhân vật cung cấp cho CNBC

Cô nói, những năm đầu tiên ở Mỹ, đặc biệt lúc sống trong nhà kho, là nền tảng cho tư duy tài chính cá nhân của mình, truyền cho cô tính độc lập mãnh liệt. “Tôi nhận ra không bao giờ muốn phụ thuộc vào bất kỳ ai khác. Tôi luôn muốn có cảm giác độc lập vì có tiền để được là chính mình và làm những gì bản thân muốn”, Kim Liêu nói thêm.

Trọng tâm hiện tại của cô là tiết kiệm và đầu tư. Ngoài việc góp tiền vào quỹ hưu trí, cô cũng có kế hoạch tiếp tục giúp đỡ mẹ mình. Với bản tính tiết kiệm, cô có thể dành tiền tối đa và đầu tư rất nhiều. Hầu như mọi thứ trong nhà của Liêu đều được mua đồ cũ hoặc tự cô làm ra.

Liêu và chồng Greggory Bollweg, về cơ bản đã cắt bỏ tất cả chi phí không thiết yếu để tiết kiệm tiền. Cô cho rằng, nhờ lệnh giãn cách xã hội mà điều này dễ thực hiện hơn. Bollweg ủng hộ mục tiêu của vợ, nhưng ngoài việc chia nhỏ chi phí sinh hoạt và ăn uống, anh không đóng góp bất kỳ khoản thu nhập cá nhân nào cho mục tiêu tiết kiệm và đầu tư của Liêu. Đến tháng 8 năm nay, cô gái 27 tuổi có khoảng 23.000 USD tiết kiệm và 85.000 USD đầu tư.

Mỗi tháng, cô góp 1.375 USD để trả khoản thế chấp 3.600 USD cho ngôi nhà bốn phòng ngủ mà cô sở hữu cùng chồng. Chồng cô cũng góp khoản tương tự và một người bạn cùng nhà đóng góp 850 USD còn lại. Hai vợ chồng đã mua ngôi nhà với giá khoảng 800.000 USD vào năm 2020 với khoản tiết kiệm cá nhân 115.000 USD và món quà 30.000 USD từ cha của Liêu đang sống ở Trung Quốc. Mẹ của Bollweg là môi giới bất động sản của ngôi nhà này và đã chia hoa hồng cho đôi vợ chồng, giúp họ có thể trả trước 20%.

Liêu và Bollweg chia đều hầu hết các chi phí sinh hoạt. Cả hai vợ chồng đều giữ tài chính độc lập với nhau. “Tôi luôn muốn cảm thấy bình đẳng. Chúng tôi tin rằng tiền của chúng tôi là thành quả của riêng mỗi người. Vì vậy, chúng tôi thích độc lập và giữ số tiền tự mình kiếm được”, cô giải thích về quan điểm này.

Mùa hè vừa rồi, Liêu và chồng tổ chức đám cưới ở sân sau ngôi nhà của họ. Đó là một buổi lễ thân mật, chỉ 40 người. Đúng với triết lý sống tối giản, cô dâu đã tự tay trang trí hầu hết buổi lễ và mua váy cưới chỉ với giá 350 USD. Cô thậm chí tự mình thực hiện một số thay đổi cho bộ váy.

“Thực sự phải mất một thời gian dài, nhiều thời gian hơn tôi nghĩ, để may chiếc váy. Nhưng tôi đã hoàn thành và tiết kiệm được 150 USD”, Liêu chia sẻ thêm.

Chi phí lớn nhất bao gồm lễ đính hôn và ảnh cưới, trị giá 1.400 USD. Thức ăn được chuẩn bị bởi một nhà hàng địa phương với giá khoảng 700 USD. Tổng cộng, hai vợ chồng chi ra chưa đến 6.000 USD và chia đều hai bên cùng thanh toán.

Sau kết hôn, Liêu tập trung vào việc tiết kiệm để mua một căn nhà cho thuê và giúp mẹ cô tiết kiệm tiền để dành lúc nghỉ hưu. Cô đang có khoảng 23.000 USD tiết kiệm và mục tiêu đạt 27.000 USD vào cuối năm nay. Nghỉ hưu sớm cũng là một ưu tiên nên Liêu luôn muốn góp nhiều tiền nhất có thể cho quỹ hưu trí.

Về sự nghiệp, Liêu dự định gắn bó với ngành kế toán vì sự ổn định và cơ hội thăng tiến. Cô cũng có kế hoạch bắt đầu dạy những người khác ở độ tuổi của mình về tài chính cá nhân. Cho đến nay, cô đã lên lịch các buổi làm việc với một vài khách hàng – bạn của bạn bè – nhưng vẫn chưa kiếm được tiền từ đó.

Tất Đạt (theo CNBC)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin