TTO – Rời bỏ giảng đường đại học để “đi khắp phương trời” rồi chàng trai 9X Hải Đăng trở về quê Cà Mau để khởi nghiệp trên những vuông tôm.
Nguyễn Hải Đăng với máy cho tôm ăn tự động do anh sản xuất – Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Những ngày sau Tết Mậu Tuất, Nguyễn Hải Đăng (27 tuổi, ngụ khóm 2, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi) tất bật công việc mở rộng nhà xưởng mới, với quy mô khoảng 2.000m².
Đây là lần thứ 3 chàng trai 9X mở rộng “cơ ngơi”. Năm năm về trước, Đăng khởi nghiệp từ trên… sân thượng căn nhà của ba mẹ vốn chỉ rộng khoảng 20m².
Bỏ học, đi phượt, rồi làm chủ
Năm 2008, Hải Đăng thi đậu và học ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở TP.HCM. Tuy nhiên, sau hai năm học thì Đăng có những suy nghĩ riêng, “muốn tìm một ngã rẽ khác”.
Mong muốn lớn nhất của em là thành lập một nhóm bạn đồng hành cùng đam mê, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển.
NGUYỄN HẢI ĐĂNG
Vốn đam mê khám phá, thích cái mới, sau khi rời giảng đường, Đăng cùng với một người bạn thân của mình đi phượt theo chiều dài đất nước.
“Lúc đó tôi mới ngoài 20 tuổi, chưa nhận thức nhiều về cuộc sống, chưa biết tương lai như thế nào. Tôi cảm thấy cần có những chuyến đi cho bản thân, cần có những trải nghiệm, muốn tìm hiểu những điều trong cuộc sống. Càng đi tôi càng mắt thấy tai nghe nhiều điều quý giá trong cuộc sống”, Đăng kể.
Sau chuyến đi, Hải Đăng trở về quê Cà Mau để lập nghiệp trên những vuông tôm. Trong quá trình tiếp xúc với người nuôi tôm, Đăng thấy mỗi khi cho tôm ăn thì các công đoạn phải làm bằng tay, nhiều ao tôm rộng thì người nuôi bơi xuồng xung quanh ao tôm dùng tay quăng thức ăn nên vừa tốn công, mất thời gian và hiệu quả mang lại không cao. Vì vậy, anh nảy sinh ý nghĩ chế tạo máy tự động cho tôm ăn.
Ban đầu, Đăng cũng đã làm thiết bị điều khiển hệ thống điện ao nuôi tôm công nghiệp từ xa. Máy hoạt động như mong muốn, nhưng nông dân lại lắc đầu vì “không cần thiết”.
Sau 6 tháng ròng chế tạo, trải qua nhiều lần thất bại rồi làm lại, phải đi “thọ giáo” khắp nơi, cuối cùng máy cho tôm ăn tự động thế hệ đầu cũng được Đăng hoàn thiện.
Ban đầu, máy được thiết kế với trọng lượng khoảng 20kg, chứa đến 60kg thức ăn. Chỉ cần đổ thức ăn vào bồn, ấn bộ điều khiển từ xa, thức ăn từ bồn chứa đặt phía trên dẫn xuống hệ ống ly tâm bắn ra bằng một môtơ đặt dưới cùng (có thể điều chỉnh thức ăn quăng xa hoặc gần).
Người nuôi có thể cho tôm ăn liên tục trong ngày thông qua bộ hẹn giờ. Chính việc này tiết kiệm được công sức cho nông dân.
Ngoài ra, điểm mạnh của máy là giúp tôm phát triển nhanh hơn vì lúc nào tôm cũng được ăn, tránh tình trạng dư thức ăn ảnh hưởng đến môi trường nước. Một điều quan trọng nữa là giá thành cạnh tranh hơn nhiều so với hàng ngoại nhập, việc sử dụng cũng đơn giản, phù hợp với kiến thức cơ bản của người nông dân.
Mong nông dân bớt cực nhọc
Việc làm ra sản phẩm là một chuyện, nhưng chuyện quan trọng hơn là người tiêu dùng chấp nhận hay không. Do đó, những sản phẩm đầu tiên mình làm ra, Đăng đem hàng mẫu đến “năn nỉ” mấy người nuôi tôm công nghiệp trong vùng sử dụng với lời thuyết phục: “Nếu được thì mua giúp còn không thì trả lại”. Và nhiều người nuôi tôm đã thấy khoái các đặc tính hữu dụng của máy tự động cho tôm ăn do Đăng làm ra.
Đồ họa: Đ.CHIẾN
Tiếng lành đồn xa nên không bao lâu máy cho tôm ăn tự động của Đăng được nhiều người nuôi tôm công nghiệp trong vùng đón nhận. Kể từ khi làm xong sản phầm đầu tiên (tháng 8-2013), chỉ vài tháng sau Đăng đã bán được hơn 100 máy, giúp nhiều nông dân bớt cực khi nuôi tôm.
Trong quá trình sản xuất, Đăng và các cộng sự của mình luôn lắng nghe phản hồi của người sử dụng về những điểm yếu hay những khiếm khuyết của máy để điều chỉnh và cải tiến. Vì vậy, thiết kế của máy ngày càng tinh gọn và thẩm mỹ hơn, vật liệu cũng phù hợp hơn để tăng độ bền của máy.
Năm 2016, Nguyễn Hải Đăng là thanh niên của tỉnh Cà Mau vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, công nghệ…
Với sức trẻ và sự năng động, Đăng và các cộng sự của mình tận dụng mọi lợi thế của công nghệ, tận dụng sự tiện lợi của Internet, mạng xã hội để bán hàng. Đăng lập hẳn website giới thiệu sản phẩm, bán hàng trên mạng… Nhờ vậy, sản phẩm của anh ngày càng được mọi người biết đến hơn.
Máy tự động cho tôm ăn không chỉ bán ở vùng Cà Mau mà còn bán khắp cả nước, được khách hàng Trung Quốc, Hàn Quốc quan tâm. Hải Đăng cho hay đang tính đến chuyện thành lập công ty để xuất sản phẩm ra nước ngoài. Tương lai đang rất rộng mở đối với chàng trai này.