Dừa là cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre nhưng cả một thời gian dài trái dừa đầu ra gặp nhiều bấp bênh. Để nâng cao giá trị, tạo thu nhập ổn định các ngành chức năng tỉnh đang có những giải pháp cụ thể về tổ chức sản xuất để trái dừa để xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn của thế giới, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có gần 80.000 ha cây dừa đạt sản lượng trên 688.000 tấn trái; trong đó có hơn 20.000 ha cây dừa tươi lấy nước. Thực tế cho thấy, đầu ra trái dừa thương phẩm vẫn chưa ổn định, có thời điểm trái dừa khô giá dưới 30.000 đồng/chục (12 quả), dừa tươi dưới 40.000 đồng/chục.
Để nâng cao giá trị trái dừa, tỉnh Bến Tre đang hoàn thiện quy trình sản xuất dừa, nâng cao chất lượng trái dừa để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới.
Trước mắt, Bến Tre đã chuẩn bị tốt để xuất khẩu chính nhạch trái dừa tươi sang thị trường Trung Quốc. Toàn tỉnh đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung; sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ có 5 vùng và 1 vùng sản xuất dừa uống nước. Bến Tre đã xây dựng diện tích dừa tham gia chuỗi giá trị trên 23.700 ha, chiếm trên 30% tổng diện tích dừa của tỉnh, cho sản lượng trên 230.000 tấn. Trong đó, tổng diện tích dừa hữu cơ trên 18.000 ha và diện tích đạt chứng nhận 11.600 ha theo tiêu chuẩn xuất đi Mỹ, Nhật và EU.
Hiện tại, sản phẩm dừa Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ngày càng đi vào thị trường tiêu chuẩn cao và đầy tiềm năng như: châu Âu, Mỹ, Trung Đông. Hiện có khoảng 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia xây dựng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa tại địa phương đang được mở rộng giữa nông dân với doanh nghiệp; giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp chế biến, kinh doanh dừa.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: “Hiện nay trái dừa chất lượng rất tốt, phía Trung Quốc đánh giá rất cao về trái dừa, bên Trung Quốc đã đi khảo sát thực địa vùng trồng, cơ sở đóng gói. Giải pháp căn cơ nhất là liên kết chuỗi, giải pháp này trong thời gian qua thấy hiệu quả rất rõ, tạo ra cái kênh để mặt hàng của chúng ta được thâm nhập vào các thị trường lớn, có đầu ra ổn định. Việc phía ta ký các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch đó là giải quáp hết sức quan trọng và tỉnh đã ráo riết làm chuyện này và có quá trình chuẩn bị rất tích cực”.