Mark Zuckerberg từng tạo ra 1 “thiên đường” VR có tên Horizon Worlds, nơi chúng ta có thể gặp gỡ và giao lưu với rất nhiều bạn bè trên thế giới, nhưng nó lại không thực sự tốt đẹp như kỳ vọng.
Dựa trên trải nghiệm của biên tập viên Zack Zwiezen, trang tin Kotaku.
Metaverse được xem là tương lai, và chính điều đó đã khiến nó trở nên đặc biệt và làm cả thế giới xôn xao, phấn khích trong thời gian qua. Tuy nhiên, điểm thú vị là việc lạm dụng cụm từ “tương lai” đã khiến cho những đoạn video về thế giới số từ thời xa lắc xa lơ bỗng nhận được rất nhiều sự chú ý trên các nền tảng mạng xã hội. Đơn giản thôi, mấy ai hiểu được metaverse thực sự là cái gì đâu cơ chứ. Vì vậy, ngay cả 1 đoạn video chất lượng thấp, nói về 1 vũ trụ số tồi tàn với đồ họa còn tệ hơn cả Roblox hay Minecraft cũng khiến họ dễ dàng lầm tưởng đó chính là “tương lai”, chính là metaverse.
Ví dụ, cách đây vài hôm, một đoạn video giới thiệu Facebook/Meta 2019 bỗng trở nên cực kỳ viral trên Twitter. Nó mang đến một ứng dụng thực tế ảo xã hội khá là “xàm xí” có tên Horizon Worlds. Chỉ cần có vậy, ai cũng tưởng đó là 1 sản phẩm mới của Facebook, nhưng sự thật thì đâu phải vậy. Bằng 1 cách nào đó, những thứ giả mạo metaverse lại nhận được rất nhiều sự chú ý một cách vô lý như vậy.
Đoạn quảng cáo ứng dụng VR Horizon Worlds bỗng trở nên viral trong những ngày gần đây vì bị lầm tưởng là metaverse.
Trở lại với đoạn video Horizon Worlds này. Ý tưởng mà nó mang lại là khá hay, mở ra 1 không gian rộng lớn, nơi mọi người có thể làm bất cứ điều gì mình muốn cùng bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, chất lượng hình ảnh thì ngược lại hoàn toàn, vừa giả tạo, vừa gây khó chịu. “Con người” bên trong Horizon Worlds chỉ là những cơ thể không hoàn chỉnh trôi nổi trong không khí, luôn nở 1 nụ cười cứng nhắc và đôi khi còn chẳng thấy răng đâu.
Thôi thì để xem trải nghiệm thực tế có gì khác biệt so với đoạn video đó hay không, tôi quyết định tự mình nhảy vào thế giới ảo này 1 lần cho biết. Sau khi phiên bản beta ra mắt vào năm ngoái, Horizon Worlds đã chính thức ra mắt cho toàn bộ người dùng và hoàn toàn miễn phí trong tháng vừa qua. Vài giờ đầu tiên khi ghé thăm nơi này, tôi làm quen với một số bạn bè mới, chơi một vài tựa game chán òm, và trò chuyện về đủ thứ trần đời. Đó là 1 trải nghiệm khá lạ lẫm, và tôi cho rằng đó là cảm giác tương tự khi chúng ta bước những bước đầu tiên vào cơn ác mộng mang tên metaverse.
Sau khi tạo ảnh đại diện và xem qua 1 vài hướng dẫn ngắn gọn nhưng rất súc tích, tôi được đưa đến sảnh chính của Horizon. Vì thử nghiệm vào lúc 1 giờ sáng nên tôi cũng không dám chắc mình sẽ gặp được bao nhiêu người tại đây. Vả lại, liệu có bao nhiêu người thực sự muốn dạo chơi trong 1 thế giới “ma trận nửa mùa” của Facebook cơ chứ? Câu trả lời, ngạc nhiên thay, lại là có rất nhiều người đấy! Lẽ ra tôi phải đoán trước được mới phải, bởi doanh số của kính VR Oculus Quest trong mùa lễ hội năm nay “bay” thế cơ mà.
Khá ngạc nhiên khi có rất nhiều người sử dụng ứng dụng này.
Đến nơi, tôi thấy 1 vài nhóm người đang chơi ở những khu vực khác nhau. Tôi liền chạy đến nhóm gần nhất, gồm những người giúp điều phối các sự kiện trong ứng dụng, đồng thời chào đón và hướng dẫn người dùng mới đến với Horizon. Ngoài ra, họ còn hỗ trợ cả các vấn đề kỹ thuật nữa. Vì ứng dụng này sử dụng voice-chat, thế nên tôi cố tình đến gần 1 chút và nghe lén cuộc trò chuyện của họ. Và nó kỳ quặc lắm các bạn ạ!
“…Đấy là lý do vì sao cậu ta bị ngã đấy. Khá là nghiêm trọng, gãy cả chân cơ mà. Cậu ta còn bị hôn mê trong vài tuần nữa cơ”, một người chia sẻ.
“U là trời!”, đó chính là phản ứng của cô nàng hướng dẫn cộng đồng (community guide) về câu chuyện này.
“Nhưng cuối cùng cậu ấy cũng tỉnh lại. Đó thực sự là 1 phép màu, và cậu ta hiện cũng đang có mặt ở đây để chơi cùng chúng ta”, người kể chuyện tiếp tục, trước khi anh chàng nhân vật chính, người mà bị gãy chân và hôn mê lên tiếng: “Suýt thì tôi ngỏm củ tỏi luôn rồi”.
Tôi khéo léo lẩn vào trong nhóm người này và giữ im lặng tuyệt đối, cho đến khi người hướng dẫn vẫy tay về phía tôi và hỏi han tình hình của tôi. Tôi giải thích rằng bản thân vẫn ổn, hỏi thăm vài câu xã giao với anh chàng bị ngã và lý do khiến anh ta gặp phải tai nạn nghiêm trọng như vậy, vì hồi nãy tôi chưa kịp nghe. Tiếp đến, có thêm 2 người khác gia nhập chúng tôi, và cuộc trò chuyện nhanh chóng thay đổi chủ đề khi mọi người tự giới thiệu bản thân và cùng nói đùa về hình đại diện chỉ có thân mà không có chân của nhau.
Tiếp đến, tôi dành thêm thời gian để chạy khắp mọi nơi trong khu đại sảnh này. Có người hỏi tôi có biết cách dùng các công cụ của ứng dụng để xây dựng 1 thứ gì đó hay không. Tôi giải thích rằng bản thân là “ma mới”, và nhờ có VR, tôi có thể chứng kiến hình dáng của nỗi buồn là như thế nào khi họ tỏ ra thất vọng vì không thể tự tay xây cung điện cho riêng mình trong Horizon.
Horizon Worlds cho phép mọi người trò chuyện và thả tương tác với nhau trong thực tế ảo.
Một nhóm người khác thì túm tụm lại để kể chuyện ma. Bất chợt, 1 thằng nhóc (tôi đoán thế) chạy thẳng vào phía chúng tôi, tái hiện lại meme “Sheeeesshhh” rồi lại “quay xe”, lao về phía 1 cái cây lớn và leo lên đó bằng các chức năng điều khiển dịch chuyển (teleport). Sau 1 vài phút ngỡ ngàng, chúng tôi lại quay trở lại với những câu chuyện ma rùng rợn.
Khi nhóm người này rời đi, tôi quay về địa điểm của người hướng dẫn cộng đồng. Cô ấy rất tốt bụng và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai gặp vấn đề về âm thanh trên tai nghe của họ. Tôi hỏi vài câu bâng quơ, kiểu như tại sao gần hết tháng 1 rồi mà đại sảnh vẫn trang trí theo chủ đề Giáng sinh. Cô ấy cười phá lên và trả lời: “Ai cũng hỏi tôi như vậy, và tôi không biết!”
Hình như cô ấy hơi khó chịu, thế nên tôi đã xin lỗi và tiếp tục thắc mắc rằng không biết Facebook hay Meta có trả lương cho cô ấy hay không. Đến lúc này, cô nàng có vẻ tỏ ra thận trọng, ngập ngừng hơn khi trò chuyện với tôi. Điều đó khiến tôi phải đổi chủ đề ngay lập tức, nhưng cô ấy đã lỉnh sang những nhóm người khác mất rồi. Đuổi theo thì có vẻ hơi kỳ, thế nên tôi đã không làm vậy.
Theo nhận định của tôi, Facebook đã cử những người hướng dẫn cộng đồng để theo dõi Horizon Worlds và giữ cho bầu không khí ở đây được thoải mái nhất có thể. Rất hiếm khi tôi nghe thấy ai đó chửi thề hay kể những câu chuyện cười nhạy cảm. Mặc dù số lượng người đến và đi khá lớn, nhưng không gian nơi đây ít “toxic” hơn tôi tưởng, đặc biệt là khi so sánh với chính Facebook hiện nay. Có lẽ việc phải trò chuyện trực tuyến bằng giọng nói với nhiều người khác khiến cư dân mạng trở nên lịch sự hơn chăng? Hay chính người hướng dẫn cộng đồng đã góp phần thực hiện điều này?
Có thời điểm, 1 người đã trò chuyện với tôi trong hơn 1 tiếng đã mời thôi tham gia 1 trò chơi zombie cùng người bạn của anh ấy. Tôi đồng ý với 1 cử chỉ tay đơn giản, và đó có lẽ là tựa game bắn thây ma tệ nhất mà tôi từng trải nghiệm. Nhân vật của trò chơi này đơ 1 cách khủng khiếp, không biết cử động và trông cứ như thể 1 phiên bản lỗi của Roblox vậy. Đây rõ ràng là 1 sản phẩm sáng tạo cộng đồng khá phổ biến, nhưng nó không hề tốt chút nào. Nhưng dù sao thì nó vẫn được phát hành miễn phí, dễ chơi và không quá bạo lực, phù hợp với cả trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tôi bỏ cuộc chỉ 10 phút sau đó. Thiếu gì thứ hay ho để làm mà lại phải đi chơi 1 trò siêu tệ với mấy nhóc 14 tuổi cơ chứ.
Trò chơi bắn zombie siêu tệ mà tôi đã bỏ cuộc chỉ sau 10 phút.
Trước khi rời đi, tôi hỏi mọi người lý do mà họ đến nơi này. Một vài người thừa nhận họ không biết chơi gì khác, một số khác lại gặp được bạn “hợp cạ” tại đây, và đó là cách mà họ dùng để trò chuyện, tương tác với nhau trong bối cảnh đại dịch. Khi tôi đề cập đến các ứng dụng VR khác tốt hơn, đẹp hơn, cảm giác chân thực hơn, nhiều người đã tỏ ra ngơ ngác và không hứng thú cho lắm. Họ cho rằng những ứng dụng như vậy hơi “hoang dã” quá.
Tuy nhiên, câu trả lời kỳ lạ nhất mà tôi nhận được là vì quá yêu thích Facebook, Messenger và Instagram nên họ sử dụng Horizon Worlds như 1 điều hiển nhiên. Đây là nơi họ và bạn bè giao lưu với nhau. Đây là 1 điều khá bất ngờ, có lẽ là do trước đó tôi chỉ trò chuyện với những người ghét Facebook và những “drama” của công ty này trong vài năm gần đây.
Sau khi kết thúc trải nghiệm Horizon Worlds, tôi cho rằng Facebook/Meta là công ty tồi tệ nhất trong lĩnh vực VR và phần mềm. Horizon không quá tệ, nhưng nó khá trống rỗng, tẻ nhạt, thua xa VRChat hay Rec Room. Tuy nhiên, có lẽ với nhiều người, điều này cũng không quá quan trọng, và họ rất hào hứng khi được tham gia “ma trận” metaverse mà Mark Zuckerberg sắp tạo ra.
Theo Kotaku