Trái phiếu ngân hàng phát hành ra công chúng đang trở thành kênh đầu tư cạnh tranh nhờ mức lãi suất cao hơn nhiều kênh khác
Số liệu của Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) vừa công bố cho thấy trong nửa đầu năm 2024, lượng trái phiếu doanh nghiệp (DN) mới phát hành lên tới 202.400 tỉ đồng. Trong đó, 70% được phát hành bởi khối ngân hàng (NH) thương mại với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường.
Chạy đua phát hành trái phiếu
Điển hình, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa huy động thành công 10.000 tỉ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2024 cho hơn 5.000 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Trái phiếu của Agribank có lãi suất 6,68%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng của NH này là 4,8%/năm.
NH Phát triển TP HCM (HDBank) cũng chào bán trái phiếu đợt 2 ra công chúng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 1.000 tỉ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 2,8%/năm (khoảng 7,5%/năm).
Trong khi đó, NH Bản Việt (BVBank) đang chào bán trái phiếu ra công chúng (đợt 1) với mức lãi suất năm đầu cố định lên tới 7,9%/năm. Theo đó, chỉ cần từ 10 triệu đồng, khách hàng cá nhân đã có thể mua và nắm giữ trái phiếu BVBank với thời hạn 6 năm.
Trước đó, một loạt NH thương mại cũng đã đua nhau phát hành trái phiếu để huy động vốn, như: MB với 10.000 tỉ đồng, VietinBank 5.000 tỉ đồng, SHB 3.000 tỉ đồng…
Theo một số nhà đầu tư, các mức lãi suất này cạnh tranh hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm hiện tại. Điều này thu hút nhiều người chuyển tiền nhàn rỗi từ gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu để được hưởng lãi suất cao hơn.
Chị Ngọc Tú (ngụ quận 7, TP HCM) vừa quyết định dùng 1 tỉ đồng tiền nhàn rỗi mua trái phiếu phát hành ra công chúng của một NH thương mại với lãi suất xấp xỉ 8%/năm. “Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, chứng khoán có độ rủi ro cao trong khi vàng cũng không dễ đầu tư, tôi quyết định chọn mua trái phiếu NH phát hành ra công chúng vì lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm và độ rủi ro thấp hơn các kênh khác” – chị Ngọc Tú giải thích.
Theo ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân BVBank, trái phiếu NH là một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả. Trái phiếu này do chính NH phát hành, chào bán và sẽ được đăng ký tập trung tại Tổng Công ty Lưu ký – Bù trừ Chứng khoán Việt Nam, niêm yết trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sau khi kết thúc đợt chào bán.
Lưu ý gì khi mua trái phiếu ngân hàng?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế – TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng trái phiếu NH là một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả so với gửi tiết kiệm thông thường ở thời điểm hiện tại.
Hiện lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng của NH thương mại quốc doanh khoảng 4,7%/năm, của các NH thương mại cổ phần khoảng 5%-5,5%/năm. Trái phiếu NH và gửi tiết kiệm tương tự nhau vì bản chất đều là cho NH vay tiền và ngân hàng có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi trên khoản tiền đó.
“Có điều, đầu tư vào trái phiếu NH đòi hỏi nguồn vốn nhàn rỗi trong thời gian dài hơn (thường 3-7 năm) so với gửi tiết kiệm thông thường. Mua trái phiếu NH an toàn, ít rủi ro hơn so với các kênh đầu tư khác. Nếu cần vốn, khách hàng cũng có thể cầm cố, thế chấp trái phiếu để vay tiền trả lại tại chính NH phát hành nên tính thanh khoản vẫn cao” – TS Đinh Thế Hiển phân tích.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc Cao cấp khách hàng cá nhân – Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các mức lãi suất của trái phiếu NH khoảng 7%-8%/năm có thể thấp hơn đầu tư chứng khoán, bất động sản nhưng rủi ro thấp hơn. Trái phiếu NH thường được xem là một kênh đầu tư an toàn hơn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính nhiều biến động do sự ổn định của NH phát hành và sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, bà Như lưu ý khi mua trái phiếu NH, nhà đầu tư cần ưu tiên chọn trái phiếu từ các NH uy tín, có báo cáo tài chính tốt để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, cần xem xét kỹ kỳ hạn trái phiếu để phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Trái phiếu kỳ hạn dài thường có lãi suất cao nhưng ít linh hoạt hơn.
Bà Thảo Như so sánh: “Lãi suất trái phiếu cố định trong khi lãi suất thị trường có thể thay đổi. Nếu lãi suất thị trường tăng, trái phiếu có lãi suất cố định có thể kém hấp dẫn và ngược lại. Trái phiếu có thể khó bán lại trên thị trường thứ cấp nếu cần bán lại sớm, nên nhà đầu tư cần cân nhắc đến rủi ro này”.
Một yếu tố được nhiều chuyên gia của các công ty chứng khoán lưu ý là dù trái phiếu NH có mức độ tin cậy cao hơn nhưng lòng tin của nhà đầu tư với thị trường trái phiếu DN chưa phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng 2 năm qua, có thể ảnh hưởng đến khả năng bán lại và giá trị thị trường của trái phiếu.
Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank cho rằng trái phiếu NH có mức độ an toàn cao nên lãi suất thường sẽ thấp hơn trái phiếu của nhóm phi NH (nhóm các DN). Lãi suất chỉ là một trong các yếu tố khi đánh giá một sản phẩm đầu tư bên cạnh khả năng lỗ, thời hạn trái phiếu, khả năng bán lại thứ cấp, khả năng thanh toán của đơn vị phát hành…
Đón sóng tín dụng cuối năm
Báo cáo thị trường trái phiếu DN tháng 8-2024 do đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings vừa công bố cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu DN riêng lẻ đạt 178.500 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.
Theo FiinRatings, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng tăng nhanh từ tháng 6 trong khi chưa tăng được vốn điều lệ, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục củng cố nguồn vốn trung – dài hạn trên 3 năm qua việc phát hành trái phiếu. Mức độ hấp thụ vốn trái phiếu NH cải thiện sẽ giúp thị trường trái phiếu DN sôi động trở lại.