Giá điện cao, độ khó của việc đào Bitcoin tăng vọt trong khi giá tiền số giảm khiến hàng trăm nghìn máy đào vẫn nằm yên trong kho.
Năm ngoái, thợ đào phải tranh giành để mua được máy đào tiền số, các nhà sản xuất không giao kịp đơn hàng. Còn giờ đây, mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Matt Schultz, Chủ tịch công ty khai thác Bitcoin CleanSpark (CLSK), cho biết công ty vẫn còn 250.000-500.000 máy đào chưa bóc hộp. Trong khi đó Ethan Vera, Giám đốc điều hành công ty dịch vụ Luxor Technologies, tiết lộ họ còn 276.000 máy đào tồn kho, tính đến tháng 9.
Theo Coin Desk, dù con số chính xác là bao nhiêu, rõ ràng việc khai thác tiền số không còn lợi nhuận như mong muốn. Tháng trước, công ty chuyên cung cấp dịch vụ khai thác Bitcoin Compute North đã nộp hồ sơ xin phá sản.
Các chuyên gia cho rằng thị trường tiền số lao dốc đã khiến các thợ đào không còn mạnh tay đầu tư vào phần cứng. Hơn nữa, chi phí vận hành máy đào đang tăng do giá năng lượng leo thang. Độ khó của việc khai thác Bitcoin liên tục đạt kỷ lục khiến phần thưởng bị giảm đáng kể. Một số thợ đào cho biết các xưởng dịch vụ vẫn còn nhiều chỗ trống nhưng chi phí quá cao, nên các nhà đầu tư không muốn mạo hiểm. Vera của Luxor nói, từ khi Trung Quốc cấm đào Bitcoin, thợ mỏ đổ về Mỹ và Kazakhstan, các dịch vụ cho thuê xưởng đặt trâu cày đã tăng đáng kể.
Giám đốc điều hành Mike Levitt của công ty khai thác Core Scientific cho biết giá thuê xưởng đặt máy đào Bitcoin đã tăng 25% những tháng gần đây. Trong lĩnh vực khai thác tiền số, dịch vụ cho thuê xưởng đào khá phổ biến. Những bên cung cấp địa điểm có thể tham gia vào hoạt động khai thác Bitcoin với chi phí thấp bằng cách thiết lập không gian đặt máy đào theo tiêu chuẩn. Những thợ đào có tiền chỉ cần mua card đồ họa, máy đào chuyên dụng rồi gửi vào đây mà không cần thuê mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng đi kèm. Giá thuê xưởng đào thay đổi theo từng thời điểm và phụ thuộc nhiều vào giá điện.
Việc giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng leo thang đã khiến các bên cung cấp dịch vụ không còn lợi nhuận nhiều. Một số tìm cách tăng giá, số khác thậm chí phá sản vì không đủ tài chính trang trải các chi phí. Thợ đào cũng khó tìm được một nơi giá rẻ để gửi trâu cày.
Alex Martini, Giám đốc điều hành công ty khai thác Blockfusion USA có trụ sở tại New York, nói: “Chúng tôi đang trống một nửa công xưởng nhưng khách hàng không mấy quan tâm vì giá dịch vụ quá cao. Nếu giảm giá, chúng tôi sẽ bị lỗ. Thị trường đìu hiu vì giá Bitcoin đang quá thấp trong khi giá điện lại tăng cao”.
Martini cho biết các thợ đào vẫn giữ thiết bị trong kho dù không vận hành bởi tin đây cũng là một khoản đầu tư. Khi giá Bitcoin tăng, những dàn máy này có thể tăng giá. Trong khi đó, một số nhà sản xuất phần cứng lại đang tìm cách hạ giá bán các thiết bị mới. Cuối tháng 8, Bitmain, nhà sản xuất máy đào tiền số lớn nhất thế giới, đã tung ra chương khuyến mãi 30% cho khách hàng. Một số công ty khai thác lớn như CleanSpark, Core Scientific và Marathon cũng yêu cầu các đối tác phần cứng phải giảm giá cho các lô hàng trong hợp đồng.
Khi cơn sốt tiền số tăng cao, các công ty khai thác phải xếp hàng để mua máy. Họ thường đặt cọc một khoản và trả phần còn lại khi nhận máy. Một số hợp đồng lớn cơ thêm điều khoản “bảo vệ giá” khi thị trường biến động. Trong trường hợp thị trường lao dốc, Bitmain sẽ hạ giá các máy đào, tỷ lệ giảm cụ thể dựa trên các phân tích tình hình chung.
Hai nhà sản xuất máy đào lớn khác là MicroBT và Canaan không đưa ra bình luận. Tuy nhiên, một số nhà phân tích dự đoán với những tác động tiêu cực của thị trường, nhu cầu về phần cứng đi xương, nhiều công ty khai thác tiền số có thể phải hủy các đơn hàng. Quy mô của vụ sụp đổ sẽ phụ thuộc vào giá Bitcoin trong tương lai.
Khương Nha (theo Coin Desk)