Tranh cãi về việc thế chấp sổ BHXH cho ngân hàng

Một số trường hợp người lao động đem sổ BHXH đi thế chấp ngân hàng thương mại để thực hiện các hợp đồng tín dụng. Điều này có trái với quy định của pháp luật?

TIN MỚI

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động có quyền được giữ sổ BHXH để quản lý, theo dõi quá trình đóng BHXH của chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi dụng điều này, một số trường hợp người lao động đem sổ BHXH đi thế chấp ngân hàng thương mại để thực hiện các hợp đồng tín dụng.

Tháng 1 vừa qua, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Phú Yên nhận được công văn từ một Phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn thành phố Tuy Hòa đề nghị phối hợp ngăn chặn việc cấp mới sổ BHXH và chi trả chế độ, sau khi người lao động đã đem sổ BHXH thế chấp để vay tiền. Một số địa phương khác cũng ghi nhận tình trạng người dân thế chấp sổ BHXH sau đó thông báo là mất sổ để được cấp lại sổ mới.

Thực tế này không chỉ gây lộn xộn trong việc cấp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) mà còn chứa đựng nguy cơ rủi ro cao đối với các ngân hàng cũng như người lao động nếu xảy ra tình trạng người vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay.

Nói về mục đích của việc để người lao động giữ sổ BHXH, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: “Khi người lao động tự giữ sổ BHXH thì sẽ giám sát được việc người sử dụng lao động có đóng nộp BHXH cho mình hay không, tránh trường hợp người sử dụng lao động nợ tiền đóng, không đóng hoặc đóng không đủ tiền BHXH cho người lao động”.

Bên cạnh đó, người lao động tự bảo quản sổ BHXH cũng biết được diễn biến quá trình đóng BHXH gồm: Chức danh nghề công việc, cấp bậc, chức vụ, mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH. Tỷ lệ đóng BHXH sẽ kịp thời phản ánh lại với người sử dụng lao động, công đoàn cơ cở, cơ quan BHXH để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, bảo đảm khi sổ BHXH đến tay người lao động đầy đủ thông tin về nhân thân và quá trình đóng BHXH.

Cầm cố sổ BHXH có phạm luật không?

Về vấn đề cầm cố sổ BHXH, luật sư Trương Thanh Đức cho biết “có một vấn đề pháp lý không rõ ràng” trong trường hợp này. Ông Đức nói thêm: “Cho đến giờ phút này, chưa có quy định nào về việc “không được cầm cố sổ BHXH” nên người ta vin vào cơ đó để mang sổ BHXH đi giao dịch”. Do đó, ông đề xuất sửa Luật BHXH để cấm giao dịch bằng sổ BHXH.

Trong khi đó, ông Trần Đình Liệu nhận định: “Quan điểm của tôi là việc cầm cố sổ BHXH tại hệ thống ngân hàng là trái pháp luật”. Cụ thể, sổ BHXH chỉ có giá trị khi người lao động đến cơ quan BHXH xác định đúng nhân thân, đúng cơ sở dữ liệu thì mới được giải quyết chính sách. Khi cơ quan BHXH không giải quyết chế độ chính sách đó cho ngân hàng thì hệ thống ngân hàng sẽ gặp rủi ro.

Theo ông Liệu, cơ quan BHXH không có trách nhiệm chi trả tiền chế độ BHXH của người lao động cho ngân hàng nếu ngân hàng không được người lao động ủy quyền theo luật định. Lý do là vì việc hưởng chế độ BHXH  mang tính đặc thù, gắn liền với nhân thân của một cá nhân nhất định và đối tượng hưởng được luật quy định cụ thể nên cơ quan BHXH phải thực hiện việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH đúng đối tượng và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, ông Liệu cũng cho biết nếu người lao động cố tình khai báo gian dối để được cấp sổ mới thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Cấp lại sổ BHXH mới: hợp lý hay không?

Ông Đức chia sẻ: “Việc cấp lại thì đúng nguyên tắc bình thường thôi, tất cả các giấy tờ cấp cho  người dân kể cả sổ tiết kiệm, sổ đỏ đều cấp lại, chỉ khác là thu phí hay không thu phí”. Theo ông, Chỉ giấy tờ có giá như tiền, cầm giấy tờ đấy quy đổi ra tiền thì không được cấp lại. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng nên thu phí để còn trang trải chi phí in sổ. Đến khi áp dụng giao dịch điện tử thì sổ BHXH sẽ không có tình trạng mất và cấp lại sổ BHXH nữa.

Theo Phó Giám đốc BHXH, hiện nay nếu người lao động khai báo mất sổ thì sẽ được cơ quan BHXH cấp lại. Tuy nhiên, cơ quan BHXH không nắm được việc người dân có thế chấp sổ cũ hay không. Vì vậy ông Liệu cho biết chậm nhất là đến hết 2020, ngành BHXH phải tập trung cấp sổ BHXH điện tử và thẻ BHYT điện tử.

Luật sư Trương Thanh Đức đưa ra lời khuyên cho người lao động nên xác định cái gì có thể vay tiêu dùng thay vì cầm cố BHXH. Ông giải thích thêm: “Những cái mà sau này nhà nước bảo đảm và quy định mức hưởng tối thiểu thì không nên tính đến mức mà mang đi xử lý để dẫn đến những hậu quả xấu trong cuộc sống”.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin