Trẻ ăn vạ là tình huống phổ biến trong cuộc sống, cha mẹ cần có cái đầu “lạnh” khi xử lý con mình trong trường hợp này.
Có thể bạn đã từng nhìn thấy cảnhtrẻ ăn vạ, khóc lóc, nổi cơn thịnh nộ ở nơi công cộng. Những đứa trẻ như vậy dễ dàng bị gắn mác là “trẻ hư”, cha mẹ thường “trị” chúng bằng cách la mắng hoặc đánh đòn.
Cách đây không lâu, có một bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc gây xôn xao cư dân mạng. Theo đó, một người mẹ trẻ sinh năm 1990 bình tĩnh đứng bấm điện thoại bên cạnh đứa con đang ăn vạ dưới đất.
Vụ việc được cho xảy ra tại một ga tàu điện ngầm ở Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc. Cậu bé vừa lăn lộn vừa khóc lóc, người mẹ vẫn thản nhiên đứng bên cạnh không nói gì.
Bên dưới bức ảnh này, nhiều cư dân mạng để lại lời khen ngợi cho cách xử trí của người mẹ. Một người bình luận: “Bé ơi, nhanh đứng dậy đi, mẹ con quá quen với chiêu này của con rồi“.
Trên thực tế, khi một đứa trẻ khóc lóc, nổi cơn thịnh nộ, ăn vạ trên đất, cách xử trí của cha mẹ lúc này rất quan trọng.
Sự bộc phát cảm xúc thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là khi chúng mệt mỏi, đói hoặc cảm thấy không vừa ý mình, xảy ra phổ biến từ 1 – 3 tuổi.Bởi ở độ tuổi này, trẻ chưa thể thể hiện và quản lý tốt cảm xúc của mình. Đôi khi cảm xúc bộc phát có thể là do trẻ muốn cường điệu hành vi để bày tỏ nhu cầu của bản thân.
Khi trẻ lớn lên, những cảm xúc bộc phát sẽ giảm dần. Tuy nhiên, do một số trẻ không nhận được sự hướng dẫn và giúp đỡ hợp lý, hoặc do trẻ cần thêm thời gian để học cách quản lý cảm xúc bản thân nên hành vi “trẻ hư” có thể kéo dài tới sau 4 tuổi.
Ngoài ra, một số trẻ có thể bộc phát cảm xúc thường xuyên, nghiêm trọng do tính cách nhạy cảm và dễ tức giận.
Vì vậy, khi trẻ bộc phát cảm xúc, cha mẹ đừng vội la mắng hay gắn nhãn “trẻ hư” cho con mình. Điều quan trọng là cha mẹ cần phải làm thế nào để chúng thay đổi hành vi này.
Khi trẻ ăn vạ, cha mẹ cần làm gì?
Khi trẻ khóc và ném đồ đạc khắp sàn nhà, cha mẹ la mắng hay đánh đòn sẽ khó có tác dụng giáo dục. Hơn nữa, nó còn khiến trẻ bị tổn thương và bản thân trở nên thiếu kiểm soát, mất bình tĩnh. Vì vậy, cha mẹ có thể tham khảo các cách xử lý sau đây:
– Cố gắng bình tĩnh
Khi một đứa trẻ khóc, lăn lộn ở nơi công cộng, cha mẹ thường bất lực, bối rối, tức giận… Nhưng dù thế nào đi nữa, cha mẹ hãy cố gắng giữ bình tĩnh và kiềm chế, ngay cả khi trong lòng bạn đang cực kỳ khó chịu.
Khi cảm xúc của trẻ bộc phát, nếu chính cha mẹ trở nên kích động, thậm chí la mắng, đánh đập con, điều đó sẽ chỉ khiến bầu không khí trở nên căng thẳng hơn và không giúp giải quyết được vấn đề.
Vì vậy, người mẹ trong câu chuyện trên đã giữ bình tĩnh bằng cách dùng điện thoại để “trị” đứa con đang nằm ăn vạ.
– Ở bên cạnh con
Khi trẻ mất kiểm soát, đừng cố gắng lý luận, vì lúc này chúng không muốn nghe gì cả. Nếu có thể, cha mẹ nên dùng giọng điệu bình tĩnh để nói chuyện. Đặc biệt vào lúc này, cha mẹ không nên bỏ mặc trẻ mà đi nơi khác, có thể đứng gần con mà không làm gì cả.
– Kiên nhẫn
Khi trẻ bộc phát cảm xúc, người lớn vẫn nên tỉnh táo, lý trí và đưa ra những đánh giá hợp lý về tình huống đó. Cha mẹ không nên thỏa hiệp một cách mù quáng hoặc dễ dàng thay đổi các quy tắc hay ranh giới mà mình đã đặt ra từ trước.
Nếu mỗi khi trẻ khóc và nổi cơn thịnh nộ, bất kỳ yêu cầu nào của chúng đều được đáp ứng, điều đó có thể khiến trẻ cảm thấy miễn là chúng làm điều này, chúng có thể đạt được mục tiêu của mình.
Trong câu chuyện người mẹ trên, khi thấy con ăn vạ, người mẹ bình tĩnh bấm điện thoại, một số cư dân mạng cho rằng “điều này giúp đứa trẻ hiểu rằng khóc là vô ích”.
– Tránh các tình huống dễ khiến con tức giận
Trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ hãy chú ý quan sát, ghi lại những điều dễ khiến con mình tức giận và cố gắng tránh điều này.
Ví dụ, trẻ có xu hướng mất bình tĩnh khi mệt mỏi, buồn ngủ nên tốt nhất nên sắp xếp trước thời gian khi ra ngoài, chọn khoảng thời gian trẻ ăn ngủ đủ giấc. Nếu trẻ dễ bực bội khi chơi một trò chơi quá khó, cha mẹ hãy thử đưa những món đồ chơi khác dễ chơi hơn để đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ.
– Nghiêm khắc khi con có hành vi làm hại bản thân
Khi một đứa trẻ khóc lóc, ăn vạ, có hành vi làm hại bản thân và người khác, cha mẹ phải ngăn chặn ngay lập tức.
Ví dụ, nếu trẻ tức giận, tông vào tường hoặc lao ra đường, cha mẹ cần bế trẻ vào nơi an toàn và nghiêm khắc nói cho trẻ hiểu điều đó tuyệt đối không được phép làm.
Tóm lại, trẻ ăn vạ là điều rất bình thường và phổ biến trong quá trình trẻ phát triển, điều quan trọng là cha mẹ có cách xử trí phù hợp.