Khởi nghiệp khi còn quá nhỏ có làm trẻ mất cân bằng, phá vỡ tuổi thơ và sự phát triển tâm lý bình thường của trẻ?
Nhóm Năng lượng mặt trời
Trao đổi về vấn đề này, ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh – giảng viên trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers (thành viên Hiệp hội Tâm lý TP.HCM) và ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh (Ban Tâm lý lứa tuổi, chi hội Tâm lý lứa tuổi thuộc trung tâm Anh ngữ Apax Leaders) nhắn nhủ các bậc phụ huynh rằng hãy tin ở con.
* Hãy bắt đầu bằng câu chuyện về ước mơ của trẻ… Hai cô nghĩ gì về cách chúng ta cư xứ với ước mơ của trẻ?
– Khi con trẻ nói với ta về những ước mơ của chúng, chúng ta thường tự hào, khuyến khích trước những ước mơ như luật sư, bác sĩ, kỹ sư… Và với những ước mơ không mang chất “truyền thống” này, chúng ta gạt phắt đi. Ta nói” ăn chưa no, lo chưa tới mà đã bày đặt!”, “mới tí tuổi đầu đã bày đặt buôn bán, với kinh doanh”…
Ta quên mất một điều: có trẻ muốn làm bác sĩ, có trẻ muốn làm ca sĩ… thì chắc chắn sẽ có trẻ muốn làm doanh nhân; có trẻ muốn đi làm cho người khác, có trẻ muốn tạo ra công việc cho người mọi người chung quanh…
Chúng ta đang ứng xử rất thiên vị trước các ước mơ của trẻ. Thay vì lắng nghe ước mơ của con, trân trọng ước mơ của con, chúng ta áp đặt suy nghĩ của mình lên ước mơ của con, chúng ta đem tất cả những điều chúng ta sợ hãi về cuộc sống và áp sự sợ hãi ấy lên toàn bộ ước mơ của con và đôi lúc cái cách áp đặt này đã vô tình tước luôn ước mơ của trẻ.
Do đó, đầu tiên hãy học cách ứng xử công bằng trước các ước mơ của trẻ!
Nhóm Rau mầm
* Khởi nghiệp hay tham gia các chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp như “Kiddie shark” khi còn quá nhỏ có ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý bình thường của trẻ, thưa ThS Thụy Anh?
– Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ tới câu truyện tranh được viết bởi phu nhân của cựu tổng thống Mỹ Hillary Clinton “It takes a village to raise a child” (tạm dịch là “Để nuôi dưỡng một đứa trẻ cần có cả một cộng đồng”).
Cộng đồng ở đây là gia đình, trường học, xã hội. Trẻ cần cả cộng đồng chung tay chuẩn bị cho trẻ bước vào thế giới với tất cả những màu sắc rất thực: có sự thành công, có sự thất bại, có tiền, cả sự cám dỗ của đồng tiền… Trong quá trình đó, trẻ cần được chuẩn bị và chúng ta cần đồng hành cùng con.
Bé Ngọc Hân và Bảo Hà với dự án Mixbox
Cách chúng ta cư xử sẽ ảnh hưởng đến cách con cái chúng ta cư xử về các vần đề: tiền, sự thất bại, sự thành công, sự nổi tiếng… Nếu có một đứa trẻ vì tham gia chương trình truyền hình thực tế “Sếp nhí khởi nghiệp” mà trở nên chảnh chọe, bị đồng tiền cám dỗ làm xao lãng việc học và trở nên tự ti vì thất bại… thì tôi cho rằng đây là thất bại của gia đình, đây là thất bại của tất cả người làm chương trình.
Hầu như những đứa trẻ trong chương trình “Sếp nhí khởi nghiệp” gọi vốn về những dự án mà trẻ yêu thích, trẻ có năng khiếu đặc biệt và trẻ thật sự say mê. Tôi nhớ có trường hợp trẻ gọi vốn cho dự án mà em ấp ủ từ hồi 3 tuổi.
Trẻ con làm vì trẻ con thích, vì thấy hứng thú. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa trẻ con và người lớn (người lớn làm trước tiên vì trách nhiệm, vì bổn phận…). Do đó khi trẻ say mê và tập trung vào việc tiến hành thực hiện điều trẻ thích, trẻ say mê, chúng ta đang tạo điều kiện cho trẻ làm một đưa trẻ đúng nghĩa nhất.
Chúng ta chỉ đánh cắp tuổi thơ của trẻ, bắt trẻ “chín ép” khi buộc trẻ phải từ bỏ ước mơ này để thực hiện ước mơ mà chúng ta cho là có ích cho trẻ và cả khi chúng ta áp đặt suy nghĩ của mình lên các ước mơ của trẻ!
* Vai trò của gia đình trong việc nuôi nấng ước mơ, giúp con thực hiện ước mơ hay cụ thể là khởi nghiệp từ bé như thế nào?
– Đầu tiên, hãy sử dụng trực giác và khả năng quan sát của người làm cha mẹ để nhận ra tố chất ở mỗi đưa con của mình để từ đó có kế hoạch nuôi dưỡng và phát triển tố chất ấy cùng con.
Thứ hai, đừng bao giờ chê bai hoặc cười cợt, mỉa mai trước những ước mơ của trẻ cho dù ước mơ ấy có bé nhỏ, có đi ngược lại truyền thống gia đình hay mong ước của bạn dành cho trẻ.
Thứ ba, nếu phát hiện ra rằng ước mơ của trẻ hoàn toàn không có cơ sở để trẻ thực hiện, chúng ta sẽ dần giúp trẻ định hướng lại. Tránh việc làm cho trẻ cảm giác rằng con chả có gì đặc biệt, hoặc làm cho trẻ trở nên lo lắng, tự ti bởi điều trẻ mơ ước có khoảng cách quá lớn với khả năng hiện tại của trẻ.
Nhóm Nước chanh
Đừng trầm trọng hóa sự thất bại. Ví dụ trong chương trình “Sếp nhí khởi nghiệp”, tôi thích cái cách shark Linh và shark Thủy làm cho trẻ nhận ra rằng con không được rót vốn không có nghĩa là con dở, chỉ là do dự án của con chưa phù hợp với tiêu chí chương trình đang tìm kiếm và quan trọng là con cần làm gì sau cuộc gọi vốn này để giúp dự án của con thành công trong tương lai.
Hãy giúp con dần hình thành các kỹ năng, tố chất của một doanh nhân như: kỹ năng lãnh đạo bản thân, người khác, kỹ năng giải quyết vần đề, học từ sai lầm, thất bại; tư duy phản biện, sáng tạo, kỹ năng dành tiền và sử dụng tiền hiệu quả, kỹ năng quan sát để tìm kiếm cơ hội, sự quyết tâm… kể cả khi con có hoặc không có tố chất của doanh nhân hay ước mơ khởi nghiệp. Bởi những tố chất và kỹ năng tôi vừa liệt kê cần thiết cho cuộc sống của trẻ.
* Theo hai cô, “Sếp nhí khởi nghiệp” làm được điều gì cho trẻ tham gia gọi vốn và hai cô có cho rằng tất cả những trẻ có dự án được chọn sẽ trở thành những doanh nhân thành công trong tương lai?
– Tôi rất muốn có một nghiên cứu dài hơi về những trẻ được lựa chọn rót vốn và cuộc sống nghề nghiệp, gia đình của trẻ trong tương lai! Kết quả của nghiên cứu này sẽ thất sự thú vị.
Điều mà chương trình mang lại cho trẻ tham gia gọi vốn và cả những trẻ ngồi xem các bạn gọi vốn qua màn ảnh nhỏ là chương trình đã tạo ra một sân chơi hết sức mới mẻ, phù hợp với tố chất của các bạn nhỏ có ước mơ làm kinh doanh, mà sân chơi dành cho các bạn thích làm doanh nhân hầu như vắng bóng trong các cơ sở giáo dục của chúng ta.
Sân chơi này đã trao cho trẻ một cơ hội để bước ra khỏi vùng an toàn, được nói, được tranh luận và được trình bày những gì mình say mê, ấp ủ (giai đoạn gọi vốn)… được đồng hành để lên kế hoạch và triển khai kế hoạch nhằm thực hiện ước mơ mình hằng ấp ủ (giai đoạn rót vốn).
Chương trình còn mang đến cho những bậc làm cha mẹ những tham khảo trong việc nuôi dưỡng và đồng hành với ước mơ của con.
“Sếp nhí” thương mẹ sáng tạo nước rửa chén thiên nhiên
Sẽ vội vàng khi kết luận rằng tất cả các trẻ tham gia gọi vốn thành công đều sẽ trở thành doanh nhân trong tương lai. Cho dù có trở thành doanh nhân hay không, có theo đuổi dự án đến cùng hay không, trẻ đã có được trải nghiệm tuyệt vời là có một giai đoạn trong cuộc đời của mình, ước mơ của mình được cha mẹ, được các cô chú người lớn tin cậy, hướng dẫn để thực hiện.
Khi niềm tin, sự khích lệ, sự công nhận được trao, những số vốn được rót sẽ là một bảo chứng cho niềm tin, khích lệ và sự công nhận. Người lớn chúng ta tin ở trẻ và tạo điều kiện cho trẻ thực hiện ước mơ của mình. Đó là điều tuyệt vời nhất mà chương trình làm được cho trẻ và đó sẽ là hành trang để trẻ tự tin đến với tương lai!