Theo khảo sát mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), chỉ có khoảng 1/3 trẻ em được dạy về an toàn mạng.
Điện thoại, máy tính và mạng Internet đang được trẻ em sử dụng ngày một nhiều hơn, nhất là trẻ từ 10 – 17 tuổi. Kể từ sau khi khi các em phải học từ xa trong hơn 2 năm đại dịch COVID-19, thì điện thoại, máy tính và mạng internet còn là công cụ để học, để đọc, để giải trí, giao tiếp với bạn bè và người thân.
Không thể phủ nhận đây là các phương tiện để mọi người tiếp cận với kho tàng tri thức và giải trí khổng lồ. Cũng vì thế mà số trẻ sử dụng internet ngày càng tăng, độ tuổi sử dụng internet ngày càng trẻ hóa trong khoảng 5 năm trở lại đây. 74% các em sử dụng Internet tại trường học, thời lượng sử dụng Internet từ 5-7 giờ mỗi ngày.
Trẻ sử dụng internet đông như vậy, nhưng theo khảo sát mới nhất của UNICEF, chỉ có khoảng 1/3 trẻ em được dạy về an toàn mạng.
Vậy, quản lý trẻ em sử dụng mạng internet ra sao? Làm thế nào để trẻ em được dùng “Internet sạch” và hạn chế những tác động xấu tới tâm lý và sức khoẻ?
Đây là thực trạng rất cần được quan tâm.
Trên thực tế, trẻ sử dụng internet quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng nghiện internet và trở thành một loại bệnh khó chữa. Việc xem quá nhiều nội dung nhanh và ngắn gọn trên các nền tảng như: TikTok, Facebook, sẽ khiến trẻ dần mất sự kiên nhẫn nếu phải đọc một cuốn sách hay giải một bài tập. Thay vào đó, các em có thể tìm câu trả lời bằng internet.
Với những nguy cơ phải đối mặt, việc giáo dục trẻ em sử dụng mạng an toàn đang thực sự trở nên cấp thiết.
Bên cạnh đó, còn mối lo những cạm bẫy của kẻ xấu giăng bẫy các em nhan nhản trên mạng internet, nhất là các mạng xã hội với thủ đoạn ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Những trẻ được nhắm tới thường là từ 8 đến 16 tuổi. Lứa tuổi tò mò và chưa trưởng thành về nhận thức. Nếu không quản lý được con trẻ trong việc sử dụng internet, hậu quả sẽ khôn lường.
Cùng trao đổi về vấn đề này với ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam.