Nhiều họa sĩ, tác giả sách lựa chọn cách tiếp cận mới, gần gũi để độc giả trẻ hiểu hơn về lịch sử, truyền cảm hứng về lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước.
Trong lịch sử dân tộc, đã có nhiều người xả thân cứu nước, hy sinh thân minh vì độc lập, tự do, phát triển của đất nước. Họ là những người hùng, đã được thể hiện qua nhiều tác phẩm.
Cũng thể hiện lòng biết ơn với các anh hùng, liệt sĩ, các tác giả ngày nay có cách thể hiện riêng. Theo chia sẻ từ họa sĩ Hoàng Tùng, người chịu trách nhiệm minh họa các tác phẩm truyện tranh về anh hùng Mạc Thị Bưởi, Trần Văn Ơn và Chuyện kể về Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc (nằm trong bộ truyện được nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu trong dịp 27/7), hình tượng này được “làm mới”. Do đó, người vẽ truyện, biên tập viên cũng phải thay đổi, cập nhật các xu hướng để phù hợp với độc giả thế hệ mới.
Những người anh hùng giản dị
Trước đây, hình tượng anh hùng thường được khắc họa theo cách tả thực, với những chi tiết kỹ lưỡng về trang phục, vũ khí và bối cảnh. Những anh hùng trong thời kỳ chiến tranh thường xuất hiện với dáng đứng hiên ngang, tay cầm vũ khí, gương mặt cương nghị, thể hiện sự kiên cường và lòng quả cảm. Đó là những hình ảnh đã in sâu vào tâm trí nhiều thế hệ, biểu tượng cho sự hy sinh và tinh thần bất khuất.
Tuy nhiên, Hoàng Tùng và nhóm họa sĩ Cloud Pillow nhận ra rằng thời đại đã thay đổi, và gu thẩm mỹ của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, cũng khác xưa. “Người ta có một định nghĩa về anh hùng khác nhau qua từng thời kỳ, và chính sự thay đổi này đòi hỏi người sáng tác phải học hói, cập nhật để phù hợp hơn với người xem, người đọc hiện đại”, họa sĩ Hoàng Tùng nhận định.
Người chịu trách nhiệm minh họa các bộ truyện tranh này cũng cho biết nhóm đã kể câu chuyện của các anh hùng bằng cách tập trung vào hành động và cảm xúc của họ, thay vì chỉ dừng lại ở việc tái hiện chi tiết bên ngoài.
Họa sĩ Hoàng Tùng chủ động nhấn mạnh các chi tiết, sự việc để thể hiện thông điệp những người anh hùng cũng là những con người bình thường, nhưng họ có những trách nhiệm to lớn và dũng cảm thực hiện những việc phi thường. Do đó, anh cố gắng khắc họa những khoảnh khắc chân thực, gần gũi, nhưng vẫn giữ được tinh thần anh hùng.
Bìa một của tác phẩm Chuyện kể về Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng. |
Trong quá trình thực hiện, Hoàng Tùng đã áp dụng những xu hướng thiết kế mới. Anh chọn cách vẽ giản lược, tập trung vào biểu cảm và những đường nét lớn.
Họa sĩ Hoàng Tùng giải thích: “Tôi sẽ không chọn những kiểu vẽ quá tả thực mà tập trung vào những yếu tố biểu cảm. Ví dụ, tôi sẽ sử dụng các màu sắc tươi sáng, nét vẽ mạnh mẽ và giảm bớt chi tiết để tạo sự hấp dẫn cho người trẻ”.
Anh cũng sử dụng kỹ thuật phối cảnh để làm nổi bật các nhân vật chính. Thay vì miêu tả một bối cảnh hỗn loạn với nhiều chi tiết nhỏ, anh chọn cách sắp xếp bố cục rõ ràng, giảm bớt chi tiết không cần thiết và tập trung vào những điểm chính. Điều này giúp người xem dễ dàng nhận ra và cảm nhận được cảm xúc của các nhân vật, tạo nên sự kết nối mạnh mẽ hơn với câu chuyện.
Cơ hội và thách thức khi sáng tác với chất liệu lịch sử
Trong khi quá trình cùng nhóm Cloud Pillow vẽ những cuốn truyện tranh về anh hùng liệt sĩ, một trong những thách thức lớn mà Hoàng Tùng phải đối mặt là làm sao truyền tải được câu chuyện một cách chân thực mà không gây sợ hãi cho độc giả thiếu nhi.
Hơn nữa, các tư liệu lịch sử hạn chế cũng khiến họa sĩ Hoàng Tùng khó khăn hơn trong việc tạo dựng lại các bối cảnh. Điều này khiến anh phải tham khảo những tác phẩm đi trước. Dù vậy, các chất liệu lịch sử cũng tạo nên một không gian rộng mở cho các nghệ sĩ sáng tác.
Một trang trong cuốn truyện Trần Văn Ơn được họa sĩ Hoàng Tùng và nhóm Cloud Pillow thực hiện: Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng. |
Những chia sẻ từ biên kịch Nguyễn Khánh Dương, CEO của công ty truyện tranh Comicola, cũng nhấn mạnh rằng chủ đề lịch sử luôn cần nhiều tư liệu, đặc biệt là tư liệu hình ảnh. Thiếu những tư liệu này sẽ làm cho việc sáng tác trở nên khó khăn. Những tác phẩm chất lượng từ các thế hệ trước là nguồn tư liệu hỗ trợ quan trọng cho các họa sĩ trẻ trong việc kể lại những câu chuyện lịch sử một cách tự tin.
“Tôi không nghĩ nên có ‘giới hạn’ cho việc sáng tạo. Tôi hiểu, luôn có những sự lo lắng, những băn khoăn ‘liệu việc sáng tạo này có quà đà không, liệu việc sáng tạo này đã phù hợp chưa’. Từ quan điểm cá nhân tôi, một người sáng tạo nói chung, và một tác giả truyện tranh nói riêng khi gửi tới độc giả một tác phẩm, luôn đi kèm những thông điệp, những quan điểm và góc nhìn của chính bản thân tác giả đó”, ông Nguyễn Khánh Dương cho biết.
CEO Comicola cũng chia sẻ rằng không nên có giới hạn cho sự sáng tạo với chất liệu lịch sử. Độc giả ngày nay rất nhạy bén và sẽ hưởng ứng nếu họ cảm nhận được cái tâm của người sáng tác. Người tác giả chỉ cần dồn hết tâm huyết vào tác phẩm của mình, và kể một câu chuyện hay, quan trọng hơn cả cách kể chuyện sáng tạo.
Nhờ sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, cùng với sự sáng tạo không ngừng, các tác phẩm truyện tranh lịch sử không chỉ giúp độc giả trẻ hiểu hơn về lịch sử mà còn truyền cảm hứng về lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước. Việc làm mới những tác phẩm này là điều thiết yếu để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đất nước.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng