Vào mùa thu tới, nước Anh sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên trên thế giới về an toàn trí tuệ nhân tạo (AI). Nhằm xem xét các rủi ro liên quan đến AI, bao gồm các hệ thống công nghệ tiên phong, đồng thời thảo luận về cách thức giảm thiểu những rủi ro này thông qua hợp tác quốc tế.
Hội nghị dự định tổ chức trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực đưa ra các quy tắc quản lý việc sử dụng AI tạo sinh – công nghệ có khả năng tự tạo ra văn bản và hình ảnh, mà điển hình là ứng dụng ChatGPT; với sự lo lắng nếu không có cách thức quản lý phù hợp, sự phát triển của AI có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ cho con người.
Trước đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận về vấn đề công nghệ quan trọng và mới nổi, bao gồm AI. Theo ông Sunak, AI có tiềm năng đáng kinh ngạc để giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta cần bảo đảm rằng AI được phát triển và sử dụng một cách an toàn.
Trong khi đó, ông Sam Altman – Giám đốc điều hành (CEO) công ty công nghệ OpenAI, cho rằng thách thức hiện nay là làm cách nào để có thể vừa quản lý các rủi ro này, vừa đảm bảo con người có thể tận hưởng những lợi ích to lớn của AI. AI đang gây ra “nguy cơ hiện hữu” đối với nhân loại, do đó, cần thành lập một cơ quan quốc tế như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát công nghệ đột phá này.
Sau chuyến ghé thăm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hồi đầu tháng 6, ông Altman tiếp tục thực hiện các chuyến công du tới nhiều nước để thảo luận vấn đề AI. Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ (đầu tháng 5), ông Altman nhấn mạnh sự can thiệp của chính phủ là điều cần thiết trong việc quản lý các rủi ro đi kèm với AI. Cùng nhiều nhà phát triển công nghệ lừng lẫy, CEO OpenAI Altman cũng đã ký vào một bức thư cảnh báo những rủi ro tiềm tàng của AI.
Một bình luận trên Technology Review cho rằng một điều khá bất ngờ là chính các tên tuổi công nghệ lại đang đi đầu trong việc vận động tăng cường quản lý với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Vì sao lại như vậy? Giới nghiên cứu đã dùng khái niệm “làn sóng thứ ba” để chỉ việc rất đông nhà khoa học cùng lên tiếng về một hiện tượng. Trước đó là vụ “con cừu dolly”, và bản đồ gene người.
Việc giới công nghệ tại Thung lũng Silicon nói riêng và toàn cầu nói chung lên tiếng đã khơi mào cơn sốt với AI trên khắp thế giới. Trong đó có việc tỷ phú công nghệ Elon Musk kêu gọi tạm dừng phát triển AI trong 6 tháng. Chưa hết, Technology Review còn dẫn lời “cha đỡ đầu của AI” – nhà khoa học kỳ cựu Geoffrey Hinton, khi cho rằng trong tương lai gần trí khôn của AI sẽ vượt xa con người và “liệu chúng ta có thể sống sót qua điều đó không?”.
Nói về việc các nhà công nghệ dồn hết tâm lực vào sản suất và hoàn thiện AI, ông Geoffrey Hinton cho rằng họ đang làm theo câu ngạn ngữ thường được mô tả về vấn đề quản lý giám sát, đó là “thà xin lỗi còn hơn xin phép”. Có nghĩa là các công ty công nghệ đã bất chấp những lo ngại để phát triển nhanh chóng, thay vì chờ đợi hành lang quy định rõ ràng. Và chính vì ý chí ấy mà AI đã phát triển rất nhanh, vượt qua kiểm soát.
Sundar Pichai – CEO của Alphabet từng bình luận: “AI quá quan trọng để có thể bỏ không kiểm soát, và cũng quá quan trọng để có thể kiểm soát yếu kém”. Nhận xét ấy càng làm cho các chính phủ đau đầu trong khi vẫn lưỡng lự giữa ủng hộ phát triển các ứng dụng của AI hay “đưa vào tầm ngắm”.
Những diễn biến mới nhất về AI cho thấy quản lý AI vẫn sẽ là một chủ đề còn rất nhiều tranh luận và không có đáp án dễ dàng. Chính phủ các nước vẫn sẽ phải trải qua những cuộc đàm phán gay go nhằm tìm ra một phương án tối ưu, đảm bảo lợi ích của cả chính phủ, các doanh nghiệp và công chúng trong lĩnh vực mới mẻ này.
Theo Reuters, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres mới đây đã ủng hộ đề xuất của một số lãnh đạo các công ty về AI về việc thành lập một cơ quan quốc tế giám sát AI. “Những hồi chuông báo động về hình thức mới nhất của AI là AI tạo sinh đang được gióng lên lớn nhất từ những nhà phát triển đã thiết kế nó. Chúng ta phải nghiêm túc xem xét những lời cảnh báo đó” – ông Guterres kêu gọi, đồng thời cho biết đang chuẩn bị công bố kế hoạch bắt đầu hoạt động của một cơ quan cố vấn cấp cao về AI.
Theo tờ Nikkei, Chính phủ Nhật Bản đang muốn đề cập kỹ lưỡng đến vấn đề bản quyền hình ảnh và văn bản do các dịch vụ AI tạo ra, trong dự thảo về thúc đẩy sở hữu trí tuệ của nước này. Từ năm 2017, Nhật Bản đã đưa ra quan điểm ủng hộ công nhận bản quyền với nội dung do AI tạo ra, nếu chúng được đánh giá là có sự sáng tạo của con người. Tuy nhiên, sự ra đời của các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT khiến vấn đề này trở nên phức tạp hơn nhiều và đòi hỏi cập nhật các quy định. Hồi tháng 5, trong khuôn khổ Hội nghị G7 tại Nhật Bản, AI cũng là một chủ đề then chốt được lãnh đạo các nước tham gia hội nghị thảo luận. Đáng chú ý, các nguyên thủ G7 đã nhất trí về một sáng kiến nhằm xây dựng các quy tắc quốc tế đối với AI. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) còn đi xa hơn khi đã chuẩn bị một dự thảo luật nhằm quản lý tất cả các sản phẩm và dịch vụ sử dụng công nghệ này.