Tuổi cao, ít ngủ, ông Nguyễn Mạnh Trung (65 tuổi) thường dậy từ 5h sáng đi tập thể dục. Những ngày này, Hà Nội lạnh sâu nhưng ông vẫn giữ thói quen từ chục năm nay.
Vợ con cản thế nào ông vẫn không nghe. Ông chủ quan với sức khoẻ của mình và cũng phòng thân bằng việc mặc đủ ấm. Bình thường ông chỉ mặc quần đùi và thêm cái áo khoác thì những ngày này ông mặc cả áo len, đội mũ, đi găng tay và đeo khẩu trang kín mít đi tập.
Thế nhưng, ngày hôm qua, đi được nửa vòng hồ Thủ Lệ, người ông cảm thấy ớn lạnh, đầu đau buốt. Ông vội vã quay về ngâm chân nước nóng và uống cốc trà gừng. Rất may sau đó tình trạng rét run đã được cải thiện. Nhưng cũng từ đó, ông ho nhiều.
PGS TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ , Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo thói quen tập thể dục buổi sáng sớm của nhiều người dân rất nguy hiểm. Đáng nói, trào lưu tập thể dục từ sáng sớm, người dân tỉnh dậy từ 4 – 5 giờ sáng để đi tập là rất phổ biến không chỉ ở thành thị mà cả vùng nông thôn.
Theo PGS Tôn, tập thể dục là một thói quen tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, cần lựa chọn môi trường tập luyện phù hợp để không gây tác dụng ngược cho sức khoẻ.
Điều này cần đặc biệt lưu ý với những người người già, người có bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… Bởi đây là nhóm người có nguy cơ cao đột quỵ khi tập luyện trong thời tiết giá lạnh. Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận trường hợp người dân bị đột quỵ khi đang đi bộ tập thể dục buổi sáng.
Đột quỵ não có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ tuổi nào.Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các bệnh viện độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa.
Theo thống kê tại các bệnh viện, vào các đợt rét, bệnh nhân đột quỵ bao giờ cũng có xu hướng tăng 10-20% so với ngày thường. Đây là những bệnh nhân vốn có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá… Khi gặp yếu tố khách quan tác động như quá nóng hoặc quá lạnh làm cho các yếu tố nguy cơ bất ổn, cơn tăng huyết áp, tiểu đường tăng lên, gây nguy cơ đột quỵ.
Nguyên nhân là do, thời tiết giá lạnh sẽ gây ra hiện tượng co mạch, từ đó có thể gây ra đột quỵ, chảy máu, bệnh nhân có thể tăng huyết áp kèm theo, gây ra đột quỵ, xuất huyết.
Để phòng ngừa đột quỵ, PGS. TS Mai Duy Tôn khuyến cáo, trong những ngày giá rét này, người dân không nên dậy sớm, ra ngoài đi bộ từ 4 – 5 giờ sáng.
Theo đó, mọi người hãy tập muộn hơn, 8 – 9 giờ sáng hoặc 4 – 5 giờ chiều. Khi tập cần thay đổi môi trường tập luyện, thay vì tập ở bên ngoài trời, người dân có thể tập trong nhà kín gió.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Hiệu trưởng trường Thể thao 10-10, Hứa Thị Minh Hồng cũng nhấn mạnh, trong những thời điểm nhiệt độ xuống thấp như hiện nay, người dân nên tránh tập thể dục quá sớm, tốt nhất đợi nắng lên.
Khi ra ngoài tập, giữ ấm cơ thể là việc làm cần đặc biệt chú ý khi tập thể dục buổi sáng. Do lúc này, nhiệt độ thấp khiến cơ thể dễ bị nhiễm lạnh và gây bệnh. Để bảo vệ sức khỏe, bạn hãy mặc quần áo thành nhiều lớp để có thể cởi bỏ dần trong khi tập luyện. Đeo găng tay, đội thêm mũ để giữ ấm đầu và tai cũng là điều cần lưu ý vì đây đều là những vị trí quan trọng.
“Việc không khởi động trước khi luyện tập trong thời tiết lạnh khiến các khớp dễ bị cứng. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn dễ gặp phải tình trạng chuột rút trong khi tập. Do đó, trước khi tập thể dục bạn hãy chú ý khởi động bằng các động tác đơn giản khoảng 5 – 10 phút. Duy trì thói quen trên sẽ làm ấm cơ thể và giúp các khớp linh hoạt hơn”, bà Hứa Thị Minh Hồng nói.
Ngoài ra, theo bà Hồng thời tiết khô hanh kèm việc vận động sẽ khiến cơ thể dễ bị mất nước. Nếu không bổ sung đủ lượng nước cần thiết lúc này sẽ khiến cơ thể dễ mệt mỏi và làm cản trở hoạt động của các cơ quan khác. Khi đi tập vào buổi sáng, bạn hãy lưu ý đem theo một chai nước bên mình. Thói quen này không chỉ giúp bù nước mà còn rất có lợi cho sức khỏe bởi uống nước vào sáng sớm giúp thải độc hiệu quả.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, người dân không tắm ngay nước nóng sau khi tập thể dục, bởi lẽ, sau khi tập thể dục, các mạch máu dưới da giãn nở, nhiệt độ cơ thể tăng cao, các lỗ chân lông giãn to hơn, tiết ra mồ hôi nhiều hơn.
Nếu tắm nước nóng ngay sẽ làm tuần hoàn máu trong các cơ bắp và dưới da tiếp tục tăng nhanh, dẫn đến lượng máu cung cấp không đủ cho các cơ quan khác trong cơ thể dẫn đến tình trạng thiếu máu não, trường hợp nặng có thể gây đau tim, nguy hiểm đến tính mạng. Tốt nhất nên chờ khoảng 20 phút, khi thân nhiệt ổn định trở lại, mổ hôi ráo, nhịp tim và hơi thở điều hòa, lau khô người rồi hãy đi tắm.