Khi nhắc tới cơ quan thải độc, nhiều người chỉ nhắc tới gan. Nhưng thực tế gan, thận, phổi, tim, ruột đều giúp cơ thể thải độc theo nhiều cách khác nhau.
Quá trình thải độc trong cơ thể cũng như dọn rác trong nhà. Chỉ cần một ngày không được dọn dẹp sẽ sinh ra mùi hôi khó, muỗi, ruồi và làm tăng nguy cơ bệnh tật. Cơ thể chúng ta cũng vậy, cần được làm sạch thường xuyên. Đó là lý do gan, thận, phổi, tim, ruột ngoài chức năng chính của mình còn hoạt động như 5 cỗ máy thải độc cho cơ thể, theo nhiều cách khác nhau.
Nếu không được thải độc kịp thời, cơ thể sẽ tích tụ độc tố, “rác thải” và mắc nhiều bệnh tật. Muốn tránh điều này, có “3 tăng, 4 giảm” chúng ta cần làm với từng cơ quan thải độc để tránh chúng quá tải:
1. Đối với gan
Nhắc tới các cơ quan thải độc trong cơ thể thì gan luôn được xếp hàng đầu. Nó tham gia vào mọi quá trình trao đổi chất của cơ thể và chuyển hóa các chất độc hại thông qua hệ thống bài tiết. Tuy nhiên, đây cũng là cơ quan thầm lặng vì không có dây thần kinh cảm nhận đau, khả năng dự trữ lớn nên ngay cả khi bị quá tải, mắc bệnh cũng khó phát hiện sớm.
Giấc ngủ ban đêm rất quan trọng với quá trình thải độc và sự hoạt động của mọi cơ quan trong cơ thể (Ảnh minh họa)
Muốn gan khỏe mạnh, hoạt động tốt hơn cần nhớ làm nhiều hơn 3 điều. Đó là: uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ, tập thể dục đều đặn, ngủ sớm hơn – tốt nhất là trước 23 giờ hàng ngày. Đồng thời, có 4 điều cần tránh để bảo vệ lá gan: uống nhiều rượu bia, ăn thực phẩm nấm mốc, thường xuyên tức giận, không kiểm soát cân nặng dẫn tới thừa cân, béo phì.
2. Đối với thận
Sau gan, thận cũng được coi là “bậc thầy thải độc” của cơ thể. Thận có chức năng chính là lọc máu và chất thải. Các chất khi đi vào cơ thể, sau khi trải qua quá trình tiêu hóa rồi chuyển hóa sẽ lọc lại ở thận, để giữ lại protein và các tế bào máu, còn thì sẽ được tiết ra dịch lọc để hình thành nước tiểu đào thải ra ngoài. Chưa kể, các chất độc trong quá trình gan chuyển hóa cũng sẽ đào thải qua thận. Vì thế, thận rất quan trọng trong vai trò giúp cơ thể loại bỏ chất dư thừa và độc tố để đảm bảo sức khỏe.
Khi thận bị quá tải, suy yếu, không chỉ chức năng thải độc ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình lọc máu, các hoạt động sống của cơ thể. Lúc này, bạn sẽ phải phụ thuộc vào chạy thận nhân tạo suốt đời hoặc ghép thận. Để bảo vệ thận, hãy giảm làm 4 việc: nhịn tiểu, thức khuya, lạm dụng thuốc, ăn quá nhiều muối. Cùng lúc đó, tăng làm 3 việc: uống nước, tập thể dục thường xuyên, vệ sinh vùng kín – nhất là sau khi đi vệ sinh đúng cách để tránh nhiễm trùng ngược lên thận.
3. Đối với phổi
Có thể ví phổi như là cỗ máy thanh lọc không khí được tích hợp trong cơ thể con người. Chưa kể, phổi đảm bảo chức năng hô hấp để duy trì mạng sống con người. Chỉ cần thiếu oxy từ 1 đến 2 phút, tim sẽ ngừng đập do thiếu oxy, não sẽ hôn mê do thiếu oxy trong tế bào, gây tổn thương vĩnh viễn, trường hợp nặng hơn thì gây tử vong.
Trong khi đó, phổi làm việc không ngừng nghỉ phút giây nào. Vậy nên nếu muốn phổi không bị tích tụ quá nhiều độc tố, quá tải và mắc bệnh thì nên duy trì các thói quen lành mạnh càng sớm càng tốt. Ba thói quen tốt cho phổi phải kể đến: thực hiện các bài tập thở thường xuyên, uống nhiều nước, cải thiện chất lượng không khí nơi ở và làm việc. Còn 4 việc nên hạn chế, tránh xa khi muốn bảo vệ phổi gồm có: hút thuốc và/hoặc hít khói thuốc thụ động, làm việc/sống trong môi trường ô nhiễm/chất độc hại, uống nhiều rượu bia, thức khuya lâu ngày.
4. Đối với trái tim
Cũng giống như phổi, trái tim làm việc 24/7 và không nghỉ ngơi giây phút nào. Đương nhiên, tim là trạm trung chuyển của cơ thể, nó bơm oxy và máu giàu chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể để duy trì sự sống. Nhưng quá trình này cũng đóng góp vào cơ chế thải độc tổng thể của cơ thể thông qua việc bơm máu, oxy, giảm chất độc, “rác thải” – nhất là các mảng xơ vữa tích tụ trong mạch máu.
Gan, thận, phổi, tim, ruột đều khỏe mạnh hơn khi bạn vận động thường xuyên với cường độ vừa phải (Ảnh minh họa)
Nếu không muốn tắc nghẽn mạch máu, bảo vệ tim mạch và tăng cường thải độc cho tim thì nên tăng cường làm 3 việc. Đầu tiên là uống đủ nước để quá trình tạo máu, vận chuyển máu được trơn tru. Thứ hai là tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng tuần hoàn máu, co bóp tim và làm chậm lão hóa mạch máu. Thứ ba là ăn nhiều các thực phẩm tốt cho tim mạch, ví dụ như thực phẩm giàu kali và chất xơ.
Có 4 việc cần hạn chế để tim hoạt động tốt, tránh xa bệnh tật. Bao gồm: thường xuyên tức giận/căng thẳng, ăn uống quá nhiều đường/muối/dầu mỡ, hút thuốc hoặc/và hít khói thuốc thụ động, cuối cùng là vệ sinh răng miệng kém. Ngoài ra, luôn cố gắng kiểm soát đường huyết, huyết áp và mỡ máu cũng rất quan trọng để duy trì trái tim khỏe mạnh.
5. Đối với ruột
Ruột giúp chúng ta thải độc thông qua chính chức năng tiêu hóa, bài tiết các chất độc hại “rác thải” tích tụ trong cơ thể ra ngoài khi đại tiện. Chức năng chính của ruột là vận chuyển và tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, cơ quan này cũng có khả năng chống lại các vi sinh vật ( vi khuẩn, virus và ký sinh trùng ) và kiểm soát lượng nước trong cơ thể.
Sẽ thật khủng khiếp nếu chất thải tích tụ trong cơ thể không thể bài tiết được qua tiêu hóa. Trục trặc ở ruột không chỉ gây khó chịu mà còn có thể dẫn tới rất nhiều bệnh tật, bao gồm cả căn bệnh ung thư phổi biến: ung thư đại trực tràng.
Uống đủ nước và ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, lợi khuẩn giúp ruột hoạt động tốt hơn (Ảnh minh họa)
Để ruột tiêu hóa – thải độc tốt hơn, hãy nhớ làm nhiều hơn 3 việc: bổ sung nhiều chất xơ và uống đủ nước, vận động thường xuyên, giữ tinh thần thoải mái và tích cực. Đồng thời, phải tránh 4 thói quen xấu gây hại đến ruột. Đầu tiên là ăn quá nhiều đường hoặc thức ăn thô cứng, khó tiêu hóa. Thứ hai là ăn quá nhanh, không tập trung khi ăn, bỏ bữa hoặc ăn uống thất thường. Ba là hút thuốc và uống nhiều rượu bia. Cuối cùng, không nên nhịn đại tiện hoặc ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh mỗi lần đại tiện.