Cây măng tây có nguồn gốc từ châu Âu, Bắc Phi và Tây Á; được du nhập Việt Nam từ những năm 1970 tại Lâm Đồng. Sau đó, măng tây được trồng phủ và nhân rộng trên hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam.
Măng tây là loại cây thân thảo, trồng lâu năm để lấy rau; trồng 1 lần nhưng có thể cho thu hoạch nhiều vụ trong năm. Một năm, cây măng tây cho thu hoạch từ 3 đến 4 lứa, mỗi lứa 2-3 tháng. Cây măng tây có thể sống tới 20-25 năm và thời điểm cho thu hoạch tốt nhất là trong khoảng 9-10 năm đầu.
Cây măng tây có thể cao 100-150 cm. Có 3 giống măng tây chính: măng tây xanh, măng tây trắng và măng tây tím. Ở Việt Nam, người dân thường trồng măng tây xanh. Thân cây măng tây có 2 loại: thân ngầm (thân rễ) và thân khí sinh. Thân rễ mọc ngầm trong đất. Thân rễ dày, mang nhiều rễ dài, đường kính 5-6 mm, màu nâu sáng, xốp. Thân khí sinh là các thân đứng, mọc trong không khí; trên thân có những vết sẹo của những nhánh đã rụng.
Măng tây thích hợp với vùng khí hậu nhiệt đới. Nhiệt độ phát triển tốt nhất đối với cây này là khoảng 24-27 độ C. Loại cây này ưa sáng; độ ẩm không khí thích hợp từ 60%-70%, độ ẩm đất 70%-75%; yêu cầu lượng mưa thấp dưới 1.000 mm/năm; đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, nhiều mùn, độ pH từ 6,0-7,5 và thoát nước tốt.
Mô hình trồng măng tây hữu cơ công nghệ cao Ảnh: Thu Hà
Măng tây có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Bên cạnh việc sử dụng làm rau, măng tây còn được y học dùng làm vị thuốc chữa được nhiều chứng bệnh như mất ngủ, tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa, tốt cho đường ruột. Trong rễ măng tây có sarsasapogenin coniferin, acid chelidonic, mannit, asparagin và muối kali, có tác dụng giúp điều trị hỗ trợ giảm niệu của bệnh nhãn tim và các bệnh về thận, vàng da.
Măng tây chứa các chất chống ôxy hóa: vitamin C, vitamin E, các flavonoid, polyphenol; chất cải thiện sức khỏe xương và chống đông máu như vitamin K; nhiều chất xơ không hòa tan giúp cải thiện chức năng tiêu hóa; chứa folate giúp thai kỳ khỏe mạnh. Măng tây còn cung cấp kali giúp giảm cao huyết áp và là nguồn dinh dưỡng chứa nhiều chất bổ ích khác cho cơ thể.
Hiện nay, phương pháp canh tác măng tây chủ yếu ở Việt Nam là trồng ngoài đồng nên dễ bị sâu bệnh gây hại. Do khí hậu ở miền Nam có mùa mưa kéo dài nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, nhu cầu về măng tây trên thị trường hiện nay là rất lớn, dẫn đến nguồn cung khan hiếm.
Mô hình trồng măng tây ứng dụng công nghệ cao có thể cải thiện chất lượng cho sản phẩm này vì trồng trong điều kiện khép kín, có kiểm soát các yếu tố dinh dưỡng cũng như sâu bệnh, ít gặp rủi ro do sâu bệnh gây ra. Sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ tiết kiệm dinh dưỡng và nước, giúp cây tận dụng được tối đa nguồn dinh dưỡng và nước để tăng trưởng nhanh chóng.
Măng tây tươi đủ tiêu chuẩn và chất lượng được tiêu thụ trong các siêu thị với mức giá trung bình từ 130.000-150.000 đồng/kg. Riêng sản phẩm măng tây tươi hữu cơ có mức giá dao động từ 230.000-250.000 đồng/kg. Trồng khoảng 6 tháng, măng tây sẽ cho thu hoạch, sản lượng trung bình trên 1 sào đất đạt khoảng 2,2-2,4 tấn.
Như vậy, 1 sào đất, với mô hình trồng măng tây bình thường, người trồng có thể thu được khoảng 200-300 triệu đồng. Với mô hình măng tây hữu cơ, người trồng có thể thu được 400-500 triệu đồng/vụ.