Trung bình 1.000 m2 thu từ 330 – 360 bó mía (mỗi bó 12 cây). Với giá bán cho thương lái tại vườn là 6.000 đ/cây, mỗi vụ thu lời 120 triệu đồng.
Lãi 120 triệu đồng/vụ
Năm 2002, gia đình anh Hoàng Năng Chương (hiện ở thôn Tân
Phú, xã Châu Pha, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) rời tỉnh Thanh Hoá vào
đây định cư làm nông nghiệp. Thời gian đầu anh trồng lúa trên diện tích
1,5 ha, vất vả mà thu nhập không cao. Trong khi đó, ở Thanh Hoá quê anh có nghề
trồng mía tím giúp thu nhập ổn định.
Nghĩ vậy, anh tìm mua giống mía tím về trồng thử nghiệm trên
diện tích 2.000 m2 đất lúa. Chẳng ngờ, sau gần 7 tháng cây mía cho thu hoạch với
năng suất đạt gần 20 tấn/sào, tính ra lợi nhuận cao gấp 4 lần lúa.
Anh Chương tâm sự: “Chính vì thấy cây mía tím phù hợp với chất
đất ở đây nên ngay vụ kế tiếp gia đình tôi đã chuyển toàn bộ đất lúa sang trồng
mía tím và xuống giống 3 đợt/năm. Do nắm chắc kỹ thuật, vả lại
giống mía này cũng dễ trồng nên tôi không ngại”.
Theo kinh nghiệm của anh Chương, quan trọng nhất là khâu chọn
giống. Để mía phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, trước khi trồng phải chọn
ngọn hoặc mắt cây mía khoẻ mạnh làm giống. Sau đó ngâm ngọn xuống nước nửa ngày
để diệt trừ mầm bệnh rồi vớt lên trồng.
Mía tím được trồng theo luống, với khoảng cách mỗi luống là
30 cm, trung bình 1 sào trồng khoảng 1.100 cây. Mía nên trồng trên đất mới
sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Khi cây phát triển, mỗi tháng tỉa lá 2 lần kết
hợp bón phân và phun thuốc BVTV.
Tương tự, gần 3 năm qua gia đình anh Lương Hữu Lâm ở thôn Suối
Tre cũng thuê được 2 ha đất trồng mía tím. Gặp chúng tôi, anh Lâm tâm sự: “Trước
khi chuyển sang trồng mía, gia đình tôi đã trồng nhiều loại cây ngắn ngày như bắp,
bí đao, mướp, hoa huệ, song không cây nào lợi nhuận bằng mía
tím.
SX cây khác phải đầu tư nhiều công sức, giá cả lại bấp bênh.
Còn trồng mía tím không bận rộn như trước. Với loại cây này chỉ vất vả khâu làm
đất, xuống giống. Khi nảy mầm thì 1 tuần tưới nước 1 lần và dóng mía
lên cao thì cứ 15 ngày tỉa bóc bẹ lá 1 lần”.
Để giảm bớt công tưới, hằng năm vào đầu mùa mưa anh Lâm bắt
đầu tiến hành làm đất xuống giống. Nhờ chăm sóc cẩn thận, cây mía tím rất ngọt,
dóng to, đốt dài, màu đẹp nên dễ tiêu thụ. Trung bình 1.000 m2 thu từ
330 – 360 bó mía (mỗi bó 12 cây). Với giá bán cho thương lái tại vườn là
6.000 đ/cây, mỗi vụ thu lời 120 triệu đồng.
Gần đó, ruộng mía 2 ha của gia đình anh Đỗ Đăng Toán cũng
đang phát triển rất tốt và được xem là mô hình điển hình trong xã. Anh Toán cho
biết, toàn bộ giống mía tím được anh tuyển chọn mua từ các vườn đạt năng suất
cao nên cây phát triển khỏe đều, ít sâu bệnh hại.
Theo anh Toán, để đầu tư trồng 1 ha mía mất khoảng 60 triệu
đồng chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV và tiền cày, xới đất. Tuy nhiên, mía
tím giá cả ổn định, thị trường tiêu thụ rộng nên người trồng không phải lo đầu
ra. Đến kỳ thu hoạch thương lái từ TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… đến
tận vườn thu mua.
Hình thành vùng
chuyên canh
Những năm gần đây, cây mía tím đã mang lại hiệu quả kinh tế
cao cho nhiều hộ dân xã Châu Pha. Do vậy, đến nay nhiều hộ đã đầu tư nhân rộng
mô hình, thậm chí có hộ còn thuê thêm đất để trồng. Diện tích của hộ trồng ít
nhất cũng khoảng 4.000 m2, hộ trồng nhiều lên đến 3 ha.
Anh Nguyễn Thiên Văn, một người trồng mía ở thôn Suối Tre bộc
bạch: “Chúng tôi vẫn lo lắng bởi không chủ động được đầu ra cho sản phẩm.
Đến mùa thu hoạch, giá cả thị trường vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.
Mía tím thường hút hàng nhất là vào thời điểm cuối năm, còn từ tháng 4 đến
tháng 8 DL là mùa trái cây rộ nên tiêu thụ rất chậm.
Nếu người trồng không tính toán kỹ thời điểm xuống giống thì
rất dễ bị thua lỗ. Mô hình trồng mía tím là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu
cây trồng. Tuy nhiên bà con mạnh ai nấy trồng, chưa có sự liên kết với nhau,
chính vì vậy đến vụ thu hoạch bị tiểu thương ép giá”.
Ông Nguyễn Trọng Đức, cán bộ nông nghiệp xã Châu Pha cho biết:
“Châu Pha có diện tích đất SX lớn nhất huyện Tân Thành, với 2.750 ha. Đến
nay nông dân đã chuyển đổi trồng được 51 ha mía tím (tăng 22 ha so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, diện tích trồng còn manh mún. Mía được bán tự do, không thống nhất về
giá nên các hộ trồng nhỏ lẻ thu lợi nhuận không cao”
“UBND xã đang xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng chuyên canh mía tím trình UBND huyện phê duyệt. Theo đó, sẽ chuyển cây trồng kém hiệu quả và đất đồi gò thiếu nước tưới, đất lúa 1 vụ sang trồng mía tím; đồng thời đề nghị cấp trên hỗ trợ vốn SX, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật để nông dân mạnh dạn đầu tư; thành lập tổ SX, tìm thị trường tiêu thụ ổn định…”, ông Nguyễn Trọng Đức. |
Theo Minh Sáng – Ngô Chiến