Ngoài 70 tuổi, tóc đã bạc nhưng vợ chồng bà Nguyễn Thị Sang (Đắk Glong, Đắk Nông) nhiều năm qua vẫn miệt mài lan tỏa ý tưởng khởi nghiệp trồng tre lấy măng đến đông đảo nông dân.
Ngày 9-11, tại TP.HCM, vòng chung kết cuộc thi ý tưởng/dự án Khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024 đã diễn ra với sự tranh tài của 36 dự án độc đáo, mới lạ.
Chương trình do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp tổ chức.
Từ thua lỗ 7 tỉ đến… “bà trùm” trồng tre lấy măng
Dự án khởi nghiệp đầy cảm xúc của vợ chồng bà Nguyễn Thị Sang (hơn 70 tuổi) là một trong số 36 dự án/ý tưởng.
Tại chương trình, dù sức khỏe yếu nhưng bà Sang vẫn rất hào hứng, nhiệt huyết khi kể về quá trình khởi nghiệp. Theo bà Sang, vợ chồng bà theo nghề trồng tre lấy măng nhiều năm nay nhưng chỉ thật sự phát triển mạnh trong vài năm qua khi chuyển giao mô hình cho nhiều nông dân ở các tỉnh thành với diện tích lên đến cả trăm ha.
Tuy nhiên, những ngày đầu mang giống tre về với vùng đất Đắk Glong để trồng thí điểm, họ gặp không ít khó khăn, thậm chí nhiều người nghĩ “mình không bình thường” vì trước giờ ở đây chỉ trồng cà phê, hồ tiêu, cao su… chứ chưa ai trồng tre.
“Những năm đầu do không có kinh nghiệm dẫn đến việc chọn, nhân giống thất bại, chết nhiều, thua lỗ đến hơn 7 tỉ đồng. Tuy nhiên qua tìm tòi, mọi chuyện sau đó ổn hơn và dần đi vào phát triển, cho hiệu quả kinh tế cao”, bà nhớ lại.
Theo bà, hiện nay nếu chăm sóc tốt, chỉ cần xuống giống 7-8 tháng là đã cho thu hoạch măng, và năm thứ 3-4 trở đi năng suất tăng mạnh nhờ giống này cho măng quanh năm.
“Với giá bán hiện nay, mỗi ha có thể cho thu nhập trên dưới 400 – 500 triệu đồng, lợi nhuận mang lại cao vì loại cây này ít chi phí, không kén đất”, bà Sang nói.
Cũng theo bà Sang, ngoài diện tích hơn 40ha của gia đình, bà còn liên kết để mở rộng, cung cấp giống và bao tiêu đầu ra cho nhiều nông dân ở các tỉnh thành với diện tích sản xuất cả trăm ha, và khả năng còn tăng mạnh.
“Hơn 70 tuổi rồi nhưng vợ chồng vẫn miệt mài thí nghiệm, nghiên cứu tăng năng suất, chuyển giao cho nhiều nông dân nên cũng đuối lắm. Nhưng giờ lỡ yêu nông nghiệp, tâm huyết với dự án nên không làm là không chịu được”, bà Sang hào hứng.
Bà Sang cho biết nguồn cung măng rừng dần sẽ giảm mạnh vì Nhà nước đang siết chặt, không cho khai thác. Ngoài ra, bên cạnh bán măng tươi, có thể chế biến, làm măng hấp, măng sấy, kim chi măng, măng chua ngọt… thậm chí nhiều đơn vị đặt mua gỗ tre để làm mỹ nghệ. Nhờ đó, đầu ra của mặt hàng này vẫn còn lớn.
Hiện nay ngoài tiêu thụ trong nước, đơn vị đã cung cấp măng tươi, khô để xuất khẩu qua Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan… khá nhiều.
Học sinh đi thi khởi nghiệp với chanh rừng
Điểm đặc biệt ở cuộc thi lần này là có nhiều bạn trẻ, thanh niên nông thôn, phụ nữ là đồng bào các dân tộc: Dao, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Raglai… tham gia với các dự án từ tài nguyên bản địa quê mình.
Trong số đó, nổi bật nhất phải kể đến câu chuyện khởi nghiệp với dự án chanh rừng Co Loi – Mẫu Sơn của hai bạn Tô Phương Quỳnh và Nguyễn Thị Phương Thùy (Lạng Sơn), đang học lớp 12.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tại chương trình, Quỳnh cho biết nhờ sự hỗ trợ của gia đình và cô giáo, ý tưởng khởi nghiệp trên đã được nhận nhiều giải thưởng khởi nghiệp ở địa phương, phía Bắc trước đó.
“Nhờ điều kiện tự nhiên nên chanh rừng Lạng Sơn có vị khác lạ so với những loại chanh khác. Bên cạnh các sản phẩm chanh tươi, mứt chanh, kẹo chanh, chúng tôi sẽ sản xuất thêm nhiều mặt hàng khác”, Quỳnh nói.
Cuộc thi lần này cũng chứng kiến nhiều dự án mới lạ của các bạn trẻ như dùng lục bình để sản xuất ra băng gạc (Trà Vinh), sản xuất chén đĩa từ mo cau (Đắk Lắk), sản phẩm kháng khuẩn từ lá bàng kết hợp vỏ tỏi (TP.HCM)…
Vòng chung kết với 36 dự án đến từ 26 tỉnh, thành, trải dài từ Bắc – Trung – Nam, như An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Đắk Nông, Đắk Lắk, Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang…
Tổng trị giá giải thưởng của chương trình gần 1 tỉ đồng, trong đó 222 triệu đồng tiền mặt cho các ý tưởng/dự án đoạt giải ở cả hai bảng A – B.