Trước mắt, sẽ có 3 mẫu xe điện của BYD được mở bán gồm Atto 3, Dolphin và Seal.
Thị trường ô tô điện Việt Nam có thể sẽ bước vào giai đoạn phát triển sôi động trong nửa sau năm nay khi BYD – thương hiệu xe sử dụng năng lượng mới top 1 thế giới – sẽ chính thức gia nhập.
Theo đó, thương hiệu này đang gấp rút hoàn thiện đội ngũ nhân sự, hệ thống đại lý phân phối để chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 6 này. Theo ông Võ Minh Lực – COO của BYD Việt Nam, BYD sẽ đưa về nước 3 mẫu xe gồm Atto 3 (SUV đô thị cỡ B+), hatchback cỡ nhỏ Dolphin và Seal (sedan cỡ C+). Cả 3 đều là xe thuần điện. Cũng trong năm nay, hãng sẽ đưa thêm 3 mẫu xe khác về nước gồm sedan BYD Han (cỡ D+), mẫu hybrid Seal Lion (tên tại Trung Quốc là Song Plus DM-i) và Tang (SUV cỡ D).
Trong số này, Atto 3 được xem là sản phẩm chủ lực của BYD tại nhiều thị trường, trong đó có Thái Lan với giá bán tương đương 625-730 triệu đồng). Khi về nước, Atto 3 sẽ cạnh tranh trực tiếp với các mẫu SUV đô thị chạy xăng như Kia Seltos hay Hyundai Creta.
Giải thích về việc chậm chân gia nhập thị trường Việt Nam trong khi đã cho ra mắt sản phẩm ở hầu hết thị trường lớn ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, ông Liu Xue Liang, Tổng giám đốc mảng ôtô của BYD Châu Á – Thái Bình Dương cho biết BYD đánh giá Việt Nam là một thị trường quan trọng, nhiều tiềm năng nên chọn ra mắt cuối cùng. Ông Liu Xue Liang cho biết BYD không muốn đem đến 1,2 mẫu xe mà chọn xây dựng cả một hệ sinh thái sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Kế hoạch của thương hiệu này là sẽ phủ sóng hệ thống đại lý ở 20 tỉnh thành lớn trên cả nước.
Đại diện hãng không tiết lộ mục tiêu doanh số nhưng theo nguồn tin riêng, BYD Việt Nam muốn bàn giao khoảng 5.000 xe cho đến hết năm nay, tương đương gần 900 xe/tháng.
Đây là mục tiêu thực sự tham vọng cho một hãng mới gia nhập thị trường. Tuy nhiên, ông Võ Minh Lực tỏ ra tự tin với con số trên, nhất là khi nhìn vào mức độ đón nhận của người dùng Đông Nam Á cho xe điện của hãng tại các thị trường như Thái Lan, Indonesia.
“10 năm trước, người dùng xếp hàng đi mua iPhone thì giờ đây tại Thái Lan, chúng tôi cũng thấy cảnh người dùng xếp hàng chờ mua các sản phẩm xe điện của BYD”, ông Liu Xue Liang nói. Trong năm đầu ra mắt, thương hiệu này đã chiếm 40% thị phần xe điện tại Thái Lan, 44% tại Malaysia.
Ông Liu cũng khẳng định lại thông điệp muốn xây nhà máy tại Việt Nam của BYD nhưng từ chối tiết lộ tiến độ cụ thể. Ngoài ra, hãng cũng khẳng định sẽ không trực tiếp phát triển trạm sạc tại Việt Nam nhưng chia sẻ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đã sẵn sàng làm việc này . “BYD sẽ mời nhà đầu tư trong nước hoặc doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy ở Việt Nam làm việc này”, ông nói.
Như vậy, sau VinFast, BYD sẽ là hãng xe thứ 2 cung cấp ra thị trường một dải sản phẩm gồm nhiều mẫu xe sử dụng năng lượng mới khác nhau cho thị trường Việt Nam. Hãng chưa tiết lộ giá bán các mẫu xe nhưng có thể dự đoán, giá ban đầu khó có thể quá rẻ do xe sẽ được nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, không được hưởng thuế suất ưu đãi như xe nhập ASEAN.
Nói về việc cạnh tranh trên thị trường, ông Liu khẳng định không coi VinFast là đối thủ mà muốn cùng với VinFast và các nhà sản xuất khác phát triển thị trường, phổ cập xe điện đến người tiêu dùng Việt.