Biên độ điều chỉnh tỷ giá có thể chỉ ở mức nhỏ nhưng hiện không phải là thời điểm để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá.
Đó là quan điểm được TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, hàm Phó Tổng Giám đốc BIDV đưa ra, liên quan đến dự báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể điều chỉnh tỷ giá sau sự kiện Anh tách ra khỏi EU.
Thưa ông, sự kiện Anh rời EU đã tác động mạnh đến thị trường tài chính quốc tế, trong đó có Việt Nam. Ông nhận định thế nào về khả năng NHNN sẽ phải điều chỉnh tỷ giá?
Quan điểm của tôi là chưa đến mức phải điều chỉnh. Tất nhiên sẽ phải bám sát, theo dõi, vì đồng bảng Anh, Euro mất giá là đương nhiên, hai nền kinh tế được dự báo là đi xuống.
Còn đồng NDT thì cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh đi xuống vì lâu nay đồng NDT bị định giá quá cao, chính sách của Trung Quốc là sẽ giảm giá dần dần đồng NDT.
Qua theo dõi nhiều năm, chúng tôi thấy thông thường các ngoại tệ khác mất giá rất nhiều nhưng riêng NDT gần như không mất giá, thậm chí tăng giá một chút.
Nên để cạnh tranh xuất khẩu, phản ánh đúng hơn giá trị thực thì phải giảm giá xuống và đây là thời điểm thuận lợi, tích cực để Trung Quốc giảm giá. Trung Quốc giảm thì tạo thuận lợi tốt hơn để thúc đẩy xuất khẩu, trong bối cảnh Trung Quốc muốn tăng trưởng 6,5 – 7%.
Nhưng rõ ràng nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Vậy đồng NDT giảm giá sẽ ảnh hưởng thế nào?
Chắc chắn là có. Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá nhân dân tệ, tuy nhiên hiện nay vấn đề tỷ giá ở Việt Nam cung cầu ngoại tệ trong nước cơ bản ổn định, thanh khoản trong mấy tuần, mấy ngày vừa qua khá dồi dào. Vì vậy NHNN có cơ hội tăng dự trữ ngoại tệ lên mức rất cao.
Thứ hai, sức ép bên ngoài hiện nay có rất nhiều. Đồng Euro, bảng Anh, NDT giảm giá trong khi USD, Yên Nhật tiếp tục tăng giá.
Tuy nhiên, có may mắn là ta đã và đang điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm trong đó có neo đồng Việt Nam với 8 loại rổ tiền tệ khác nhau, nên mức độ rủi ro của các loại ngoại tệ trong rổ tiền tệ này khi biến động cũng dung hòa với nhau. Do đó, về cơ bản ta cũng không bị ảnh hưởng nhiều với tỷ giá trung tâm.
Tất nhiên về lâu dài ta có nhiều tác động khác. Có thể là lo ngại, và chưa hình dung hiện tượng Domino, tức là sau Anh thì có thể nhiều nước khác cũng đòi tách ra khỏi EU; hoặc nhiều nước khác dùng tiền tệ để tăng sức cạnh tranh xuất khẩu.
Rõ ràng, bấy giờ ta phải có động thái phản ứng chính sách, chứ còn thời điểm hiện nay chưa đến mức điều chỉnh tỷ giá.
Nếu vậy cảnh báo của các công ty chứng khoán về việc NHNN điều chỉnh tỷ giá đưa ra có vội vàng?
Cảnh báo không thừa nhưng cũng tương đối sớm, chưa đến lúc ta phải cân nhắc tỷ giá. Từ nay đến cuối năm, chưa thể tính toán hết được, có xảy ra hiện tượng domino hay không, các nước dùng tiền tệ làm đòn bẩy xuất khẩu hay không.
Nhưng khả năng điều chỉnh nho nhỏ có thể xảy ra, vì bối cảnh năm nay khá khác với năm ngoái, có một số loại tiền tệ tiếp tục mất giá so với USD, đó là xu thế mà cần phải bám sát để có điều chỉnh.
Mức độ điều chỉnh cũng ít thôi, vì hiện nay tỷ giá phản ánh thị trường khá sát. Việc điều chỉnh chắc chắn sẽ tác động đến lãi suất, lạm phát, nợ công nên sẽ phải tính toán.
EU hiện là đối tác lớn, đồng tiền đang giảm giá trong khi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn họ cũng giảm giá đồng tiền, việc neo VND có thể khiến hàng hóa xuất khẩu bị mất tính cạnh tranh?
Tỷ giá hiện nay về cơ bản là đã sát so với thị trường, phản ánh qua biến động 8 loại tiền tệ chứ không riêng gì NDT.
Thứ hai, đồng ý là Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của ta ở một số mặt hàng nhất định, nhưng cũng không phải là tất cả.
Chính sách tỷ giá chỉ là một trong những chính sách để thúc đẩy xuất khẩu, vì liên quan đến xuất khẩu sang EU và Anh, đây là những mặt hàng thiết yếu như may mặc, da giày, linh kiện điện tử thì ngay cả trong bối cảnh có những khó khăn nhất định, nhu cầu đó cũng không quá nhạy cảm.