TS. Giản Tư Trung, với bề dày cống hiến cho giáo dục ở trong các vai trò Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Trưởng Ban Tổ Chức Giải thưởng Sách Hay và Chủ nhiệm Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Scholarship, đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh là Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một Nhà hoạt động giáo dục.
Ông chia sẻ: “Không có doanh nghiệp nào lại không bán cái gì đó và thứ họ bán là để đáp ứng nhu cầu hay giải quyết vấn đề của con người. Do vậy, cống hiến lớn nhất của một doanh nghiệp cho xã hội không phải là cái gì khác, mà chính là sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đó. Đặc biệt, những thứ họ bán là nếu tốt lành thì đó là kinh doanh, còn nếu không tốt lành thì đó không phải là kinh doanh, chỉ là đội lốt kinh doanh mà thôi!”
Là người đã từng tốt nghiệp hai bằng tiến sĩ của hai trường đại học hàng đầu thế giới ở hai quốc gia khác nhau (Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore và Đại học London Anh Quốc), cùng bề dày trải nghiệm qua nhiều ngành nghề, lĩnh vực và các loại hình công việc như làm thuê, làm chủ, làm nhà nước, làm tư nhân, làm nước ngoài… giúp ông hiểu được vấn đề của các doanh nghiệp cũng như cảm nhận được nỗi niềm của các lãnh đạo, từ đó miệt mài gắn bó với sự học của doanh giới suốt hơn 2 thập kỷ qua. Nếu nói về trường doanh nhân thì PACE chính là trường doanh nhân đầu tiên trong lịch sử kinh thương Việt Nam.
Vì sao ông lại chọn “doanh trí” làm bước khởi đầu cho sự nghiệp giáo dục của mình và vì sao ông lại mong muốn khai lập một ngôi trường chuyên dành cho doanh nhân?
Lúc đầu, khi đã xác định tập trung làm giáo dục, chúng tôi cũng lúng túng là giáo dục ai, giáo dục cái gì? Và chúng tôi tạm chia xã hội làm 3 nhóm: Quan trí, Dân trí và Doanh trí.
Quan trí ở Việt ta trước giờ được cho là việc của nhà nước, còn dân trí thì quá rộng không đủ nguồn lực để làm, nên chúng tôi quyết định tập trung vào “doanh trí” – lĩnh vực mà chưa ai quan tâm, cũng hầu như chưa ai nghĩ đến. Cái từ “doanh trí” cũng chưa có trong từ điển, nên chúng tôi đã nghĩ ra cái từ này để “gọi tên” cho công việc và sứ mệnh mà mình theo đuổi. Và điều này cũng hợp với cá tính của tôi là thích đi con đường chưa ai từng đi, làm những việc chưa ai từng làm.
Không chỉ vậy, hơn 20 năm trước, số lượng doanh nghiệp còn ít và đa số lại là doanh nghiệp nhà nước. Khi trường PACE ra đời năm 2001, cả nước cũng chỉ có chừng ba chục nghìn doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân còn ít, trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa vào nhiều. Có thể nói rằng, phạm vi hoạt động của PACE ở thời điểm đó khá hẹp.
Thời điểm đó, trong nhận thức chung của xã hội thì sếp như là cha, là mẹ, là thầy chứ đâu có cần phải đi học, chỉ có nhân viên mới phải đi học. Do vậy, nếu việc đào tạo nhân viên đã khó thì việc đào tạo phát triển lãnh đạo còn khó hơn nhiều lần. Nên việc mở trường dành riêng cho doanh nhân trong bối cảnh này còn khó hơn lên trời và dường như là điều không tưởng.
Nhưng tại sao, ngay từ đầu lại chọn tập trung vào công tác đào tạo và gắn bó với sự học của doanh nhân và lãnh đạo? Vì chúng tôi nghĩ rằng, sự học của ai cũng đẹp và quan trọng, nhưng sự học của doanh nhân và lãnh đạo còn quan trọng hơn.
Bởi lẽ, nếu một sinh viên hay nhân viên thay đổi thì có thể chỉ thay đổi một người. Nhưng nếu một người sếp thay đổi thì sẽ góp phần thay đổi cả xã hội đằng sau sau lưng của họ, đó chính là doanh nghiệp mà họ đang quản lý điều hành. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình góp phần giúp cho hàng ngàn, hàng vạn người sếp thay thay đổi? Ý nghĩa của sự học dành cho doanh nhân lớn lắm!
Ông gặp những khó khăn gì trong quá trình đào tạo và phát triển doanh nhân, nhất là trong thời kỳ đầu?
Khi khởi sự cái gì đó mới mẻ thì ai cũng khó khăn cả, không riêng gì chúng tôi. Nhưng lĩnh vực mà chúng tôi lao vào quả thật quá khó, đến mức thời gian đầu thành lập, gần như không ai tin PACE có thể sống được, mọi người đều cảm thấy PACE giống như cái gì đó hơi bị ảo tưởng.
Cái khó thứ nhất, đó là PACE chủ yếu dành cho sếp, đối tượng quá khó chạm đến và phạm vi lại khá hẹp. Thứ hai, PACE là trường tư, mà đến thời điểm đó đa phần người ta vẫn tin vào trường công, chứ chưa tin vào trường tư, vì trường tư chưa phổ biến và thiếu yếu đủ đường. Thứ ba là trước giờ người đi học là để lấy tấm bằng, trong khi PACE lại chủ trương thực học và theo đuổi giáo dục không bằng cấp. Thứ tư, học phí của PACE cao gấp 5 lần trường công ở cùng thời điểm, vì chúng tôi phải đầu tư rất nhiều cho cơ sở vật chất, chương trình và giảng viên. Còn một lý do nữa đó là mọi người chưa ai biết có một ngôi trường như vậy đã ra đời.
Nhưng chúng tôi đã biết cách tồn tại bằng cách tạo ra những chương trình học mà chúng tôi biết chắc là các doanh nhân sẽ rất rất cần cho công việc quản lý và lãnh đạo của mình, nhưng không nơi nào có, nên cách duy nhất để học là đến với PACE. Ban đầu một số người đến với PACE có lẽ một phần vì sự tò mò, vì thấy đây là ngôi trường có vẻ “độc lạ”, nhưng sau khi học thấy rất tâm đắc và lan tỏa cho nhiều người biết.
Nên chỉ sau mấy năm PACE đã thành một “hiện tượng” giáo dục. Nhiều tờ báo đã đến đưa tin, viết bài và đưa lên trang bìa tít bài “Doanh nhân đi học”, như thể chuyện này là một điều gì đó vô cùng lạ lùng. Và năm 2004, kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam đã mời tôi tham gia Talkshow nổi tiếng lúc bấy giờ là “ Người Đương Thời ” để chia sẻ về câu chuyện “Doanh nhân đi học” này.
Một trong điều mà tôi hạnh phúc nhất trong hơn 20 năm gắn bó với sự học của doanh nhân, đó là vài thập niên trước, nếu như doanh nhân đi học là chuyện lạ, rất lạ, thì ngày nay, doanh nhân không đi học thì mới là chuyện lạ.
Sau hành trình hơn hai thập kỷ đầy ấn tượng, điều gì ông và những người cộng sự ở PACE muốn làm trong hai thập kỷ tiếp theo là gì?
Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục con đường “Thực học vì Doanh trí” để phát triển một thế hệ doanh nhân mới mà chúng tôi đã ấp ủ, cũng như tiếp tục phát triển một hệ sinh thái quản trị toàn cầu nhằm cùng cộng đồng doanh nghiệp khai mở một nền quản trị mới của Việt Nam.
Vậy chân dung của thế hệ doanh nhân đó như thế nào? Trong hình dung của chúng tôi, đó là một thế hệ doanh nhân không chỉ có cá tính và năng lực lãnh đạo, mà còn có chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và tinh thần ái quốc; một thế hệ doanh nhân “rất nhân loại, rất dân tộc, và cũng rất chính mình”, một thế hệ doanh nhân luôn tâm niệm: “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình”.
Còn nền quản trị mới thì như thế nào? Đó là nền quản trị mang trong mình “Khát vọng Dân tộc và Chuẩn mực Toàn cầu”, mang trong mình “Tinh thần Việt Nam và Tinh hoa Thế giới”. Không phải nói chung chung, mà lý tưởng của chúng tôi là hợp tác với các đối tác danh tiếng toàn cầu để tạo ra những chương trình phát triển lãnh đạo độc đáo và đặc sắc bậc nhất thế giới ngay tại Việt Nam.
Đặc biệt, chúng tôi còn có Chương trình Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Scholarship dành riêng cho doanh nhân trẻ, những người đã vượt qua 5 vòng thi tuyển sinh (hai năm một lần) để được vào học. 100% học viên trúng tuyển sẽ được cấp học bổng toàn phần. Đây là khóa học mà có tiền cũng không mua được, mà phải xuất sắc vượt qua các vòng thi khắt khe. Mục đích của chúng tôi là phát triển một thế hệ doanh nhân trẻ tinh hoa & khai phóng phục vụ cho xã hội.
Có quan điểm cho rằng, kinh doanh chỉ là để kiếm tiền. Ông nghĩ sao về điều này?
Kinh doanh là kiếm tiền, điều này không sai, nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, cái quan trọng là kiếm tiền bằng cách nào.
Doanh nhân nào đi kinh doanh cũng muốn kiếm nhiều tiền, và để đi tìm lời đáp cho câu hỏi “Làm thế nào để doanh nhân kiếm tiền nhanh hơn, nhiều hơn và bền hơn”, PACE đã dành 2 năm thực hiện dự án khảo cứu thông qua phương pháp “điển cứu” về các doanh nhân kiếm tiền giỏi nhất cổ kim trên khắp thế giới.
Kết quả của dự án khảo cứu này là bộ sách “Đạo kinh doanh Việt Nam và thế giới” gồm 15 cuốn và môn học “Tư tưởng Kinh doanh”. Và cũng từ dự án này cho thấy, mặc dù kết quả cho thấy, không doanh nhân nào giống doanh nhân nào, nhưng vẫn có một số điểm chung mang tính phổ quát có thể đúc kết thành nguyên lý và cũng chính là định nghĩa hai chữ “kinh doanh” mà tôi đã đưa ra vào Ngày doanh nhân 13/10 đầu tiên của Việt Nam 18 năm về trước: “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình”.
Trước giờ mọi người hay nói phụng sự xã hội của doanh nghiệp là đóng thuế, là từ thiện, là giải quyết công ăn việc làm. Điều này đúng, nhưng đây chỉ là những phụng sự xã hội nhỏ lẻ thôi. Phụng sự xã hội lớn nhất của một doanh nghiệp không thể là cái gì khác mà chính là những sản phẩm dịch vụ mà họ cung cấp.
Điển hình như phụng xã hội lớn nhất của Apple không thể là cái gì khác mà chính là iPhone, iPad, MacBook… Phụng sự xã hội lớn nhất của Microsoft chính là Windows, Microsoft Office… Hay phụng sự xã hội lớn nhất của Vinamilk chính là các sản phẩm, giải pháp dinh dưỡng của họ.
Không có doanh nghiệp nào lại không bán cái gì đó và thứ họ bán là để giải quyết những vấn đề của cuộc sống hay đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, những thứ làm ra nếu dựa trên sự tốt lành thì đó là kinh doanh, còn nếu không tốt lành thì không phải là kinh doanh, chỉ là đội lốt kinh doanh thôi!
Song song với việc cống hiến cho giáo dục thông qua Trường Doanh Nhân PACE, ông cũng đã sáng lập, đồng sáng lập hay điều hành hàng loạt tổ chức văn hóa giáo dục phi lợi nhuận rất ý nghĩa và đầy tính tiên phong như Viện Giáo dục IRED, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Giải thưởng Sách Hay, Trường Tự lực Khai phóng OpenEdu… Và được biết ông cũng đã được vinh danh trong chương trình Gala tổng kết 4 năm “Việc tử tế” của VTV với Dự án “Sách cho trại giam”, Ông có thể chia sẻ thêm về dự án này không?
Tôi quan niệm rằng “Vĩ nhân nào cũng có một quá khứ và tội nhân nào cũng có một tương lai” và ai cũng có thể trở nên tốt hơn, kể cả đó là tù nhân. Đời người nếu chẳng may ngã xuống ở đâu thì sẽ đứng lên ở đó. Nhà tù không chỉ là nơi giam giữ và trừng phạt con người, mà còn là một “trường học đặc biệt” để giúp con người hoàn lương trước khi về lại với cộng đồng. Muốn vậy, phạm nhân cũng phải được học, học văn hóa và học nghề. Nhưng không ông thầy nào có thể vào trong đó được hết. Cuối cùng, tôi thấy chỉ có một loại thầy có thể trèo qua bức tường trại giam, chính là sách. Khi nghĩ ra thì chúng tôi quyết định khởi xướng và làm ngay từ năm 2008.
Chúng tôi cũng khá bất ngờ khi được VTV liên hệ và chia sẻ rằng họ rất thích chương trình “Sách cho trại giam” mà Dự án Khuyến đọc Sách Hay của chúng tôi đã thực hiện và muốn mời tôi đến chia sẻ câu chuyện này để góp phần lan tỏa tinh thần cống hiến cho xã hội. Khi tham gia chương trình Gala tổng kết 4 năm “Việc tử tế” của VTV, tôi đã được nhà đài cho xem đoạn phóng sự về cảm nhận của các phạm nhân khi đọc sách trong trại giam, tôi thực sự xúc động khi thấy hành động nhỏ của mình lại có ý nghĩa như vậy.
Và điều bất ngờ lớn hơn nữa là, sau khi Gala này được phát sóng rộng rãi thì các vị lãnh đạo ở Trung Ương và các tập đoàn đã cùng ủng hộ chủ trương và kinh phí để các nơi có thể triển khai thư viện trại giam trên khắp cả nước. Đó là điều mà chúng tôi không hề ngờ tới khi bắt đầu dự án rất khiêm tốn của mình.
Tìm hiểu về ông, người ta thấy tên ông gắn liền với nhiều chức danh khác nhau, chẳng hạn như nhà hoạt động giáo dục, nhà giáo, nhà thức giả, nhà nghiên cứu, người thầy của doanh nhân, tác giả sách, chủ tịch, giám đốc, hiệu trưởng, viện trưởng…, rốt cuộc ông là ai, nghề nghiệp của ông là gì?
Nhìn qua, mọi người có thể thấy tôi tham gia nhiều tổ chức, làm nhiều việc, nhưng thực chất tôi chỉ làm một nghề, một việc thôi, đó là, gắn bó với sự học khai phóng, chỉ là tôi làm việc này với các đối tượng, với các cộng đồng khác nhau ở các tổ chức, dự án khác nhau. Chẳng hạn, ở Trường PACE thì gắn bó với sự học khai phóng của doanh nhân, ở Viện IRED thì gắn bó với sự học của thầy cô giáo, ở IPL Scholarship thì gắn bó với sự học khai phóng của giới trẻ, còn ở Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh hay Giải thưởng Sách Hay thì gắn bó với sự học khai phóng của cộng đồng…
Tôi nghĩ, một đời người có thể làm nhiều việc, nhưng để có thể làm thật tốt thì ta cần phải tập trung cho một việc trong một thời gian đủ dài. Và với tôi, gắn bó với sự học khai phóng chính là công việc đời người mà tôi lựa chọn.
Khai phóng là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng. Khai trí giúp ta có cái đầu sáng để có khả năng minh định được đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà; còn khai tâm giúp ta có trái tim nóng với tình thương yêu và lòng trắc ẩn để thôi thúc ta hành động thiện lương. Khi tâm và trí được khai mở, việc giải phóng hết tiềm năng để thăng hoa trong công việc và cuộc sống sẽ là điều hiển nhiên.
Có thể thấy những việc ông làm đều ẩn chứa thật nhiều tư tưởng và khát vọng lớn, vậy ông có thể chia sẻ khao khát lớn nhất của ông là gì?
Theo tôi, khát khao lớn nhất và hạnh phúc lớn nhất của một đời người là trở thành con người tự do . Trong một thời cuộc nhiều biến động, khiến con người ta dễ trở nên hoang mang và lạc lối thì điều này lại càng đúng.
Vậy thế nào là con người độc lập và tự do? Thế nào là thành công và hạnh phúc? Thế nào là tự tại và dấn thân? Lời đáp của những câu hỏi này tôi đã “gói” lại trong 15 chữ: “ Không ngừng khai phóng, chọn một cách sống, và cứ sống theo cách của mình”. Tôi nghĩ, nếu thiếu đi một chữ thì câu này sẽ có nghĩa khác.
Và tôi cũng tin rằng, nếu sống theo cách này thì không chỉ tốt cho riêng mình mà còn rất tốt cho mọi người và cho cả cộng đồng. Còn gì tuyệt vời hơn khi ta được sống theo cách của mình mà vẫn rất có trách nhiệm với mọi người và vẫn phụng sự xã hội một cách bền vững.
Thế nên, trong các danh vị khó đạt mà trên khắp thế gian này con người có thể có như giáo sư, tiến sỹ, anh hùng, Nobel, triệu phú, tỷ phú, theo tôi, có lẽ không có danh hiệu nào đẹp hơn “con người tự do”.
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung hiện là Chủ tịch Học viện Quản Lý PACE; Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng Sách Hay và Chủ nhiệm Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Scholarship.
Song song với vai trò lãnh đạo, nghiên cứu, giảng dạy, diễn thuyết, viết báo, Ông còn là người khởi xướng và xây dựng 4 tủ sách thiết yếu (mua bản quyền, tổ chức biên dịch và xuất bản) nhằm phục vụ cho nhiều nhóm độc giả khác nhau: “Tủ sách Kinh điển” (dành cho Học giới), “Tủ sách Doanh trí” (dành cho Doanh giới), “Tủ sách Giáo dục” (dành cho Giáo giới) và “Tủ sách Khai phóng” (dành cho Công chúng).
Ông chủ trì việc biên soạn bộ sách “Đạo kinh doanh Việt Nam và thế giới ” (gồm 15 cuốn); và là tác giả của cuốn sách có tầm ảnh hưởng “Đúng Việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” và gần đây nhất là tác giả cuốn sách “Sư phạm Khai phóng – Thế giới, Việt Nam & Tôi”.
Ông nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện Sau Đại học Geneva; Tu nghiệp về Chính sách Giáo dục Quốc tế tại Đại học Harvard; Tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore; và tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Đại học London (UCL).
Với những cống hiến Ông cho giáo dục, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới đã vinh danh Ông là một Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một Nhà hoạt động giáo dục.