TS Tạ Đình Xuyên: Tỷ giá không chịu áp lực do Doanh nghiệp xuất khẩu kém

Tỷ giá năm 2013 ổn định là do các hợp đồng xuất khẩu của DN tăng trưởng không cao hay thậm chí một số DN là không có hợp đồng xuất khẩu nên người ta mới cần ít ngoại tệ như thế.

PV: Thưa ông, Ngân hàng nhà nước có chủ trương kìm tỷ giá USD/VND năm 2014 trong biên độ 1-2%. Có ý kiến cho rằng việc neo tỷ giá quá lâu trong khi nhiều nước trên thế giới đã điều chỉnh tỷ giá không chỉ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam thua ở sân khách, mà còn có nguy cơ mất cả sân nhà, do giá hàng hóa sản xuất trong nước đắt đỏ hơn. Ý kiến của ông như thế nào?

TS Tạ Đình Xuyên: Theo tôi, cần phải biết mục tiêu lớn nhất của Chính phủ trong năm 2014 là gì? Đó là phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Bám theo mục tiêu này là nhiều chính sách như các chính sách tài khóa, tín dụng ngân hàng… trong đó có cả chính sách tỷ giá.

Hiện nay theo tôi biết, có rất nhiều DN đề nghị phá giá VND để có lợi cho việc xuất khẩu nhưng cũng có những DN đề nghị ngược lại, tức là phải giữ tỷ giá ổn định thì họ mới có thể hạch toán được.

Đối với những DN nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị để SX hàng rồi xuất khẩu thì tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến “phần chênh lệch” giữa xuất và nhập của một DN. Ví dụ như hiện nay, người ta có thể nhập đến 70 – 80% giá trị hàng xuất khẩu, thì phần ảnh hưởng bởi tỷ giá nằm ở 30% này.

Những DN nhập khẩu ít nhưng xuất khẩu nhiều, ví dụ như thủy sản, họ toàn nhập nguyên liệu trong nước, sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng những DN này trong tỷ trọng xuất nhập khẩu như năm 2013 chẳng hạn, chỉ có 6,7 triệu USD, tức là chiếm tỷ lệ không quá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trước đây đã từng có thời kỳ một số nhà máy mua thiết bị của nước ngoài trả chậm 5-10 năm. Mỗi lần thay đổi tỷ giá là họ lại gánh thêm 1 khoản nợ, hạch toán bị rối loạn. Bây giờ Chính phủ cho phép biên độ dao động trong khoảng 1-2% thì tôi cho đó là hợp lý. Có như vậy, chúng ta mới kiềm chế được lạm phát.

Vậy ông cho rằng cơ sở nào để ổn định tỷ giá trong năm 2014?

Năm 2013, tỷ giá chỉ biến động trong khoảng 1%. Tại sao như vậy?

Năm 2013 hoàn toàn không có áp lực về tỷ giá. Chính phủ chỉ thay đổi tỷ giá khi có áp lực. Chúng ta đã cân bằng xuất nhập khẩu, tuy chỉ xuất siêu 863 triệu USD thôi nhưng không bị thiếu hụt ngoại tệ. Cộng thêm kiều hối khoảng 10,6 tỷ. Vốn FDI giải ngân khoảng 11,5 tỷ. Dự trữ ngoại hối ngân hàng khoảng 12 tuần nhập khẩu tương đương khoảng 32 tỷ. Với một nguồn lực như vậy, Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát tỷ giá.

Tỷ giá năm 2013 cũng ổn định là do các hợp đồng xuất khẩu của DN tăng trưởng không cao hay thậm chí một số DN là không có hợp đồng xuất khẩu nên nhu cầu nhập nguyên liệu đầu vào cũng ít nên người ta mới cần ít ngoại tệ như thế.

Như mọi năm, khan hiếm ngoại tệ thường rơi vào quý 4 nhưng năm 2013 không xảy ra điều ấy vì DN tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là FDI chứ các DN Việt Nam vẫn là nhập siêu 13,5 tỷ. DN FDI xuất siêu 14,1 tỷ.

Nếu năm 2014 mà DN tăng trưởng sản xuất, tăng trưởng về đơn hàng, xuất khẩu nhiều thì thiết bị nhập khẩu nhiều hơn và xuất hiện nhu cầu ngoại tệ tạo áp lực lên tỷ giá. Nhưng khi đó ngân hàng sẽ có sự điều tiết. Và với những nguồn lực như trên, việc điều tiết của Ngân hàng là không khó khăn.

Mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ năm 2014 cũng không lớn nên áp lực về khan hiếm ngoại tệ là ít xảy ra.

Theo ông, nếu Việt Nam gia nhập TPP thì việc điều hành tỷ giá như hiện nay có phù hợp không?

Với điều kiện như Việt Nam hiện nay thì tôi cho rằng là phù hợp. Người ta đã tính toán rồi, Việt Nam tham gia TPP sẽ có nhiều lợi hơn thiệt. Sản phẩm chủ yếu của Việt Nam là dệt may, nông lâm thủy sản… Trong đó thì thủy sản chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Như tôi nói ban đầu, chỉ những DN it dùng ngoại tệ để nhập nguyên vật liệu thiết bị như thủy sản thì chịu thiệt.

Tức là nếu ổn định tỷ giá thì một số ngành như dệt may sẽ được lợi, cạnh tranh được với các nước kia.

Năm 2013, có thể nói FDI là điểm sáng của nền kinh tế. Ông nhận định năm 2014 này, đâu sẽ là điểm sáng của nền kinh tế?

Nhiều khả năng vẫn là FDI. Tuy nhiên trong nước cũng có một số lĩnh vực mà chúng tôi cho là có khả năng phát triển tốt hơn. Đó là lĩnh vực xuất khẩu như các ngành dệt may, giày da… ngoài ra là thuỷ sản. Nói chung, chủ yếu là các lĩnh vực mà mình có thể xuất khẩu sang các nước tham gia TPP. Những nước ấy lại là nước nhập hàng nông sản của mình, chủ yếu là thủy sản.

Nếu mà nền kinh tế phục hồi thì có thể cao su cũng tốt hơn, nhưng còn cà phê, hạt tiêu tôi thấy là đang bất động. Khả năng sang năm có thể thay đổi nhưng không nhiều. Còn các mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện điện tử, linh kiện máy tính thì năm nay là điểm sáng rồi, chúng tôi cho rằng sang năm nó vẫn duy trì .

Trong điều kiện như vậy, theo ông thì doanh nghiệp nên làm gì? Có nên mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh không?

Cái này phụ thuộc vào sự nhạy bén của chủ DN. Trong kinh tế thị trường, cần phải có thông tin dự báo tốt. Các chủ DN nên bám sát thông tin, kể cả thông tin vĩ mô, thông tin kinh tế trong nước và quốc tế.

Các DN Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng “đói” thông tin. Khả năng phân tích thông tin cũng còn yếu. Chúng ta sử dụng thông tin cũng thiên về … miễn phí nhiều hơn, mà những thông tin miễn phí thì có thể là chất lượng không sâu. Cần phải thay đổi tư duy đó.

Xin cảm ơn ông.

Hải Minh

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin