Khi phát hiện chồng ngoại tình, dù đau khổ nhưng Quách Uyển Oánh vẫn giữ được sự bình tĩnh mà một người vợ nên có. Bà cố gắng giải quyết mọi chuyện êm thấm để giữ hạnh phúc gia đình.
Vẻ ngoài thanh lịch, sang trọng của những cô gái xuất thân trong gia đình giàu có ở Trung Quốc giữa thế kỷ XX. Ảnh: B.D. |
Cách đây không lâu, tôi đọc một cuốn sách có tựa đề “Lá ngọc cành vàng của Thượng Hải” cuốn sách này miêu tả chân thực cuộc đời bấp bênh, trắc trở của cô tư Quách Uyển Oánh trong gia tộc họ Quách của công ty bách hóa Vĩnh An ở Thượng Hải.
Sau khi đọc xong, rất lâu sau tôi mới có thể bình tĩnh lại. Tôi khâm phục sự tao nhã và vẻ ngoài chỉn chu của bà ấy, càng thêm bái phục thái độ bền gan vững chí của người phụ nữ này khi đối mặt với cuộc sống gian khổ.
Quách Uyển Oánh sinh ra ở Sydney, Australia. Cha cô là Quách Tiêu một doanh nhân kinh doanh trái cây, mẹ cô cũng là thiên kim của một gia đình phú thương. Là con gái út, bà được cha mẹ nâng niu như viên minh châu trong tay, từ nhỏ đã ăn sung mặc sướng, lớn lên trong sự cưng chiều.
Quách Tiêu rất yêu quý cô con gái út này, giống như những người cha khác, ông tìm đủ mọi cách để đem lại cho con những gì tốt nhất. Ông thường nói với Quách Uyển Oánh rằng: “Con phải kiều diễm giống như một đóa hồng, nhưng cũng phải có sự cứng cỏi của loài hoa này”.
Khi Quách Uyển Oánh lên sáu tuổi, Quách Tiêu về nước xây dựng bách hóa Vĩnh An nổi tiếng ở Thượng Hải. Quách Uyển Oánh theo cha đến đây, sau đó vào học ở ngôi trường quý tộc rất nổi tiếng là trường “Nữ thục Trung Tây”. Tống Khánh Linh, Tống Mỹ Linh và Trương Ái Linh đều là học sinh của ngôi trường này.
[…]Thời ấy, học sinh nữ tốt nghiệp trường quý tộc nếu không lấy chồng hào môn thì cũng ra nước ngoài du học. Cha của Quách Uyển Oánh sắp xếp cho bà đính hôn với con cháu của một gia đình giàu có. Thế nhưng, Quách Uyển Oánh là một người có chủ kiến, bà không muốn thuận theo sự sắp đặt của cha.
Bà dùng cái chết để chứng tỏ quyết tâm của mình, cuối cùng cũng khiến cha bà phải hủy hôn ước, sau đó một mình bà đến Bắc Kinh, đăng ký vào trường đại học Yến Kinh để học thêm.
Ở Bắc Kinh, Quách Uyển Oánh gặp được Ngô Dục Tương. Ngô Dục Tương xuất thân trong gia đình trí thức, phong lưu phóng khoáng, là một người tài hoa. Hai người tính tình hợp nhau, lại cùng chung chí hướng, khi qua lại đã nảy sinh tình cảm, tình cảm đó không ngừng thăng hoa, sau đó nên duyên vợ chồng, được mọi người ca ngợi là kim đồng ngọc nữ.
Đến đây, cuộc sống của Quách Uyển Oánh thuận buồm xuôi gió, bà giống như đóa hoa sinh trưởng trong phòng ấm, mọi chuyện suôn sẻ không lo âu.
Thời gian đầu sau khi kết hôn, cuộc sống của Quách Uyển Oánh và Ngô Dục Tương rất ngọt ngào, hạnh phúc, nhưng cuộc sống màu hồng ấy không kéo dài được bao lâu, tình yêu của họ đã xuất hiện rạn nứt. Người chồng phóng khoáng phong lưu của cô đã đem lòng yêu một quả phụ trẻ, người này từng là khách quen của gia đình họ.
Sau khi biết chuyện, Quách Uyển Oánh rất đau lòng, nhưng cô không hề nổi điên hay cuồng loạn, cũng không diễn màn khóc lóc đòi tự tử. Cô biết rõ nguyên tắc trong việc giữ gìn hôn nhân nên đã rất kìm chế và đích thân đến tận nhà đối phương tìm chồng về, vừa giữ thể diện cho chồng, vừa giữ thể diện cho mình.
Sau đó, để thay đổi tâm trạng, cô cùng người bạn mới từ Mỹ trở về tên Trương Hải Luân mở một tiệm lễ phục, chuyên may lễ phục kiểu mới, rất nổi tiếng ở Thượng Hải. Sau đó chiến tranh bùng nổ, Ngô Dục Tương thất nghiệp, thu nhập của tiệm lễ phục này đã giúp gia đình họ vượt qua những tháng ngày gian khó.
Song, vận mệnh thường thích trêu ngươi. Ngô Dục Tương vì chuyện làm ăn nên bị bắt vào tù và chết trong tù, còn để lại một khoản nợ khổng lồ. Quách Uyển Oánh bắt đầu cuộc sống như địa ngục, gánh nặng nuôi gia đình trút hết lên đầu bà. Bà bị điều về công trường lao động, ở đây bà phải cho lợn ăn, trộn xi măng, đập đá, đôi bàn tay vốn được sinh ra để chơi dương cầm của bà trở nên chai sạn thành từng lớp dày.
Để trả nợ, bà dẫn theo con dọn đến một căn gác chưa đầy bảy mét vuông. Nhưng bản thân chưa hề bỏ niềm tự hào của quý tộc. Bà mặc áo dài đi cọ nhà vệ sinh, nướng bánh mì trên hai sợi dây thép, đun trà chiều bằng ấm tráng men, trong những ngày tháng khốn khổ, bà vẫn luôn giữ được tự hào và tôn nghiêm của mình.
Đối mặt với những khó khăn mà cuộc sống ban cho, bà không hề oán trời trách đất, không than vãn kể khổ mà chỉ bình tĩnh nói: “Nếu cuộc sống muốn cho tôi thứ gì, tôi sẽ đón nhận thứ đó”.
[…]Những ngày cuối đời của Quách Uyển Oánh cũng rất ung dung yên tĩnh, bà từ chối ra nước ngoài sống cùng các con, một mình ở lại Thượng Hải. Trong căn phòng không có lò sưởi lẫn điều hòa ấy, bà yên ổn sống cuộc sống của riêng mình. Tuy tuổi đã cao, nhưng bà luôn trang điểm nhẹ khi gặp người khác, đi trên đường không để ai dìu đỡ, vì bà không muốn làm phiền mọi người.
Ngày bà qua đời, bà tự vào nhà vệ sinh, sau đó quay về giường, bình tĩnh nói lời tạm biệt nhân thế hỗn loạn. Bà không để lại tro cốt, di thể cũng hiến tặng cho học viện y.
Bà có tên tiếng Anh rất đẹp là Daisy, nghĩa là hoa cúc. Ngẫm lại thì cái tên này giống hệt như cuộc đời của bà, là một đóa hoa cúc trải qua gió sương mưa tuyết vẫn kiên cường nở rộ.