Theo WHO, hiện này có khoảng 6 triệu người đàn ông trên thế giới mắc chứng trầm cảm. Đáng buồn hơn, gần một nửa trong số đó không được phát hiện kịp thời hay điều trị đúng cách.
Sức khỏe tinh thần là một phần không thể thiếu khi nói đến sức khỏe tổng quát của một con người. Và nó cũng quan trọng như chính sức khỏe thể chất vậy. Nhưng điều đáng buồn là khi một người, nhất là một người nam giới nói về những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần của họ, điều mà họ nhận được chỉ là sự kì thị của những người xung quanh.
Vì sao lại như vậy? Bởi vì những người đàn ông có các vấn đề về sức khỏe tinh thần thường bị đánh đồng là yếu đuối, kém cỏi. Thậm chí họ còn bị cho là hư hỏng. Và khi họ nói ra vấn đề của mình, họ thường bị cộng đồng tẩy chay thay vì khích lệ, động viên.
Mọi người nhìn chung thường có thái độ chế giễu, khinh thường hoặc thờ ơ với những người đàn ông như thế. Hay tệ hơn nữa là khi nói đến các vấn đề về sức khỏe tinh thần, chúng ta phản ứng một cách lạnh nhạt kiểu như: “Chà, tệ thật đấy” và sau đó lảng sang chủ đề khác.
Các số liệu thống kê được cho thấy có đến 9% đàn ông trên thế giới bị trầm cảm. Con số này tương đương hơn 6 triệu người. Ngay cả khi hiểu được cảm giác trầm cảm là thế nào, chúng ta ít khi thừa nhận nó. Chúng ta tự dối lòng rằng đó chỉ là biểu hiện của sự mệt mỏi, stress mà thôi. Nhưng trên thực tế, có hơn 3 triệu đàn ông đang phải đấu tranh với nỗi lo lắng hàng ngày.
Trong 3,5 triệu người bị chẩn đoán là tâm thần phân liệt ở tuổi 30, có đến 90% là nam giới. Những người này thường sống xa cách với bạn bè, người thân của mình. Và sau đó họ sẽ chết chìm trong nỗi buồn chán, cô đơn hoặc tìm đến các chất gây nghiện. Trung bình cứ năm người đàn ông thì sẽ có một người tìm đến rượu. Con số này ở những người đàn ông bị trầm cảm còn cao hơn nhiều.
Vấn đề tự tử ở nam giới cũng đang tăng lên với tốc độ đáng báo động, đến nỗi nó được gọi tên là “căn bệnh nguy hiểm thầm lặng”. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ bảy đối với nam giới, và đứng thứ hai đối với nam giới trong độ tuổi từ 10 đến 39.
Những tư tưởng lạc hậu, những định kiến về sự mạnh mẽ của đấng nam nhi thường khiến cánh nam giới đè nén cảm xúc hoặc lờ đi các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Điều đó là vô cùng nguy hiểm. Bởi vì dù bạn là phái mạnh hay phái yếu, bạn đều sẽ phải trải qua các loại cảm xúc tiêu cực trong cuộc đời. Lo lắng, chán nản hay sợ hãi đều là những cảm xúc hết sực bình thường mà chúng ta đều có thể gặp phải và có thể nói về nó.
Đừng chịu đựng sự đau khổ trong im lặng nữa. Những người đàn ông dũng cảm đã lên tiếng trước các vấn đề sức khỏe tinh thần của mình. Ca sĩ Zayn Malik, thành viên của nhóm nhạc One Direction từng công khai thảo luận về cuộc đấu tranh của anh với nỗi lo lắng và chứng rối loạn ăn uống.
Hay vận động viên bóng rổ nổi tiếng Kevin Love của Cleveland Cavaliers cũng đã viết một tự truyện có tựa đề “Bất cứ ai cũng có những vấn đề của riêng họ” để ghi lại cuộc chiến với nỗi bất an của chính anh.
Gần đây nhất, nam tài tử “đá tảng” của bom tấn Fast and Furious Dwayne Johson đã lần đầu tiên chia sẻ với báo giới về cuộc chiến chống lại chứng trầm cảm. Đó là khi mẹ của Dwayne cố gắng tự tử trước mặt anh vào năm 15 tuổi. Những lời mà anh chia sẻ đã chạm đến trái tim của hàng triệu con người đang đối mặt với căn bệnh trầm cảm: “Cảnh này khiến tôi nghĩ rằng, có bao nhiêu người trong chúng ta bị ám ảnh vì bạn bè hoặc người thân tự tử. Cuộc chiến và nỗi đau đó là có thật, tuy mỗi người là một mức độ khác nhau”.
Anh nói thêm: “Phải mất một thời gian dài tôi mới nhận ra chìa khóa để vượt qua nỗi sợ hãi là bạn phải mở lòng ra. Bởi vì trong thế giới này, chúng ta không hề đơn độc”.
Cuộc chiến chống lại chứng bệnh trầm cảm đã, đang và sẽ là một cuộc chiến dài của cả nhân loại. Hãy để những người bị trầm cảm biết rằng bạn ở đó để giúp đỡ họ và bạn thực sự quan tâm đến điều đó. Khi chúng ta có thể trò chuyện một cách cởi mở với những người trầm cảm thay vì im lặng thờ ơ, chúng ta đang dang tay cứu lấy họ. Cùng với nhau, chúng ta có thể xóa đi sự kì thì và những định kiến xã hội đối với những người bị trầm cảm, nhất là đối với nam giới.