Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường được điều chỉnh theo lộ trình, mỗi năm tăng 4 tháng với lao động nữ và tăng 3 tháng với lao động nam.
Theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 4 Nghị định 135/2020 của Chính phủ, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Theo quy định này, năm 2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là tròn 61 tuổi, còn tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định nêu trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại quy định nêu trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường
Tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội
Nghị quyết số 104/2023 của Quốc hội quyết nghị từ ngày 1/7 thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ ngày 1/7, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ tăng 15%.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, nếu mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5% thì ít nhất lương hưu phải tăng 15%. Khi thực hiện cải cách tiền lương, người lao động nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được giải quyết chế độ ở mức cao nhất, bảo đảm không bị thiệt thòi. Đối với người có công, sau cải cách tiền lương sẽ được hưởng mức cao hơn bình quân.
Còn Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu từ ngày 1/7 là 8%, để giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7 trở đi.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, với cách tính mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo đề xuất thì bình quân 5 năm mức lương hưu của người lao động tăng khoảng 1,5% (chưa tính yếu tố trượt giá), đồng thời lương hưu của người nghỉ hưu sau ngày 1/7 chỉ tăng khoảng 0,13% so với người nghỉ hưu tháng 6/2024.
Trên thực tế, mức điều chỉnh lương hưu tại năm 2004, 2005 chỉ khoảng 10% và xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 (theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) thì Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7 khoảng 8% là phù hợp.
Về tăng lương hưu, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sẽ phân chia thành 3 nhóm đối tượng.
Cụ thể, nhóm 1 gồm người nghỉ hưu thông thường, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau ngày 1/7.
Nhóm 2 là người nghỉ hưu trước ngày 1/7, Nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Nhóm 3 là người nghỉ hưu trước năm 1995, đề nghị Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng những chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.