‘Tuổi thọ’ bằng lái xe 5 hay 10 năm?

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Công an đang song song xây dựng 2 luật (đều liên quan giao thông đường bộ), trong đó có những nội dung mỗi Bộ đề xuất một kiểu. Ðặc biệt, Bộ Công an đề xuất giảm thời hạn bằng lái ô tô dưới 9 chỗ còn 5 năm, trong khi Bộ GTVT tiếp tục bảo lưu quy định cũ với thời hạn sử dụng là 10 năm.

TIN MỚI

Ðề xuất khác nhau

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang đồng thời quy định tất cả vấn đề về giao thông đường bộ, như đầu tư kết cấu hạ tầng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về an toàn giao thông… Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo sửa đổi luật này. Song song với đó, Bộ Công an cũng xây dựng Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự An toàn giao thông đường bộ, để tách các quy định an toàn giao thông ra luật mới.

Một trong những điểm đáng chú ý, có nhiều tác động tới người dân trong Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự An toàn giao thông đường bộ là quy định về giấy phép lái xe. Theo đó, Bộ Công an đề xuất phân lại bằng lái xe thành 11 hạng, trong đó hạng A1, A2, A3 không có thời hạn như hiện hành. Các hạng còn lại có thời hạn 5 năm đổi 1 lần, gồm: B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE. Với đề xuất này, bằng lái xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi (bằng B) chỉ có thời hạn 5 năm thay vì 10 năm như quy định hiện nay.

Trong khi đó, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ GTVT xây dựng đề xuất phân bằng lái xe thành 14 hạng, trong đó hạng A1, A không có thời hạn; hạng B1, B2, B (lái ô tô con) có thời hạn 10 năm; các hạng C, D1, D2, D, BE, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 5 năm. Còn theo quy định hiện hành, bằng lái xe được chia làm 15 hạng, trong đó bằng B1, B2 (lái ô tô dưới 9 chỗ) có thời hạn 10 năm đổi 1 lần. Hiện người có bằng B chiếm đa số những người có bằng lái ô tô. Do đó, nhiều người lo ngại, nếu giảm thời hạn sử dụng bằng lái xuống chỉ gây thêm phiền hà cho người dân.

Tuổi thọ bằng lái xe 5 hay 10 năm?  - Ảnh 1.

5 năm hay 10 năm khả thi hơn?

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, dự thảo luật của Bộ Công an đưa ra giảm thời hạn bằng lái xe hạng B từ 10 năm xuống 5 năm là lo cho sức khỏe của người lái xe. Tuy nhiên, theo vị này, nếu thay đổi như vậy phải chứng minh bằng thực tiễn, như trong các vụ tai nạn giao thông, có bao nhiêu tai nạn do sức khỏe lái xe gây ra, để phải giảm thời hạn bằng nhằm kiểm tra sức khỏe mỗi khi người dân đổi bằng. Ngoài ra, bằng B chủ yếu là người lái xe cá nhân, họ biết đảm bảo sức khỏe cho bản thân mình đầu tiên trước khi ngồi vào vô lăng cầm lái. Còn việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật riêng, phía Bộ GTVT từ chối bình luận.

Trong khi đó, phía Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho hay, đề xuất trên mới là trong dự thảo sơ bộ, chưa phải bản trình Chính phủ để lấy ý kiến.

Cùng với các thay đổi trên, Bộ Công an cũng đề xuất cơ quan này sẽ quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp và đổi bằng lái xe, thay vì ngành GTVT thực hiện như hiện nay.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự An toàn giao thông đường bộ cũng đưa ra quy định: Điểm của giấy phép lái xe. Theo đó, bằng lái xe sẽ có 12 điểm tính trong 1 năm, và sẽ bị trừ điểm khi người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nếu bị trừ hết điểm trong 1 năm, bằng lái sẽ bị thu hồi, người lái xe muốn được cấp lại phải thi sát hạch lại. Sau 1 năm, kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu tài xế không vi phạm thêm sẽ được phục hồi về mức điểm tối đa (trước đây biện pháp bấm lỗ trên bằng từng được áp dụng để tăng nặng hình phạt với tài xế vi phạm nhiều lần).

Về việc ra đời Luật Đảm bảo trật tự An toàn giao thông đường bộ và tách khỏi Luật Giao thông đường bộ, Bộ Công an cho rằng điều này là phù hợp xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay theo hướng chuyên sâu hóa; Qua đó  bảo đảm sự phân công rõ ràng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của các bộ ngành, địa phương…

Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HÐQT Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe Ðông Ðô chia sẻ, trước đây hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe do ngành công an quản lý, sau đó chuyển sang ngành giao thông và được xã hội hoá. Hiện hoạt động này đã đi vào nề nếp. “Với việc tách Luật An toàn giao thông đường bộ, đào tạo và sát hạch lái xe lại đưa ngược về ngành công an quản lý là không hợp lý. Việc chuyển đi chuyển lại này có thể làm phát sinh thêm bộ máy quản lý, bên thừa, bên thiếu. Trong khi, về bản chất, Luật An toàn giao thông đường bộ chỉ là tách từ Luật Giao thông đường bộ ra. Các vấn đề quản lý có thể được giải quyết qua chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành”, ông Toản nói.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin