Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh, hiện là 74,5 tuổi, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Theo số liệu sơ bộ công bố, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Tuổi thọ trung bình của người dân TP HCM cao nhất nước
Liên tục từ năm 2019 đến 2022, tuổi thọ trung bình của người Việt dao động từ 73,6-73,7 tuổi; phụ nữ nước ta sống lâu hơn đàn ông khoảng 5,3 năm.
Năm 2023, tuổi thọ của phụ nữ Việt bật tăng lên 77,2 tuổi, cùng đó nam giới tăng lên 72,1 tuổi.
Phân theo vùng, Đông Nam bộ (như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai…) là khu vực người dân có tuổi thọ cao nhất nước (76,3 tuổi), thấp nhất là Tây Nguyên là 72 tuổi.
Vùng Đồng bằng sông Hồng (như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh,…), tuổi thọ trung bình của người dân là 75,7 (cao hơn năm 2022 là 0,5 năm).
Trong đó, tuổi thọ trung bình của người dân TP HCM là 76,5 tuổi, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Tuổi thọ trung bình của nam 73,9 tuổi và nữ 79,2 tuổi. Tuổi thọ trung bình của người dân TP HCM cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước 2 tuổi.
Tuổi thọ của người dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai, lần lượt là 76,4 và 76,3 tuổi. Người dân Hà Nội có tuổi thọ trung bình là 76,1.
Tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Kon Tum là 3 tỉnh có tuổi thọ người dân thấp nhất cả nước, lần lượt là 69,9 – 69,8 và 69,7. Dù vậy, so với năm 2022, mức tuổi thọ của 3 tỉnh này năm 2023 đã có bước tăng đáng kể. Đơn cử, tuổi thọ người Kon Tum tăng tới 1,7 năm (từ 68 lên 69,7); Điện Biên tăng 1,5 năm (từ 68,4 lên 69,9), cao hơn mức tăng trung bình cả nước.
Bộ Y tế đánh giá tuổi thọ người Việt cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Theo các chuyên gia, tuổi thọ tăng một phần do điều kiện sống, đời sống xã hội ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, điều quan trọng khác là sự tiến bộ không ngừng của y học và công tác chăm sóc sức khỏe.
Sống thọ hơn nhưng nhiều bệnh tật
Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định mặc dù tuổi thọ người Việt cao hơn các nước trong khu vực nhưng số năm sống có bệnh tật lại cao hơn. Cơ quan này đánh giá số năm sống khỏe mạnh của người Việt còn khiêm tốn, chỉ 65 tuổi.
PGS-TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết người cao tuổi Việt Nam mắc rất nhiều bệnh. Mỗi người cao tuổi trung bình chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh tật phối hợp. Trong khi sức khỏe là điều kiện tiên quyết để có cuộc sống tích cực thì mỗi người cao tuổi Việt Nam có tới 2-3 bệnh nền.
Cụ thể, trung bình một người trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh, đặc biệt, những người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh. Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc.
Theo thống kê, có gần 46% người cao tuổi được chẩn đoán có bệnh cao huyết áp; 34% được chẩn đoán viêm khớp và bệnh khác như tim mạch, viêm phế quản hoặc phổi mạn tính, bệnh tiết niệu, cơ xương khớp…