Tuổi Trẻ Golf tournament for Start-up 2020: 22 năm đưa hàng Việt chinh phục Cuba

Cách đây 22 năm, một người đàn ông Việt Nam với chất giọng miền Tây chân chất đã khởi đầu hành trình mang hàng Việt đến Cuba – một đất nước nói tiếng Tây Ban Nha xa xôi ở bên kia bán cầu.

Tuổi Trẻ Golf tournament for Start-up 2020: 22 năm đưa hàng Việt chinh phục Cuba - Ảnh 1.

Ông Trần Thanh Tú trao đổi về Giải Union Cup năm 2019 – Ảnh: NVCC

“Nói về sản phẩm của Thái Bình tại Cuba, Cuba có khoảng 11 triệu dân, có khoảng 40% biết về Thái Bình”. Đó là đúc kết đầy tự hào của ông Trần Thanh Tú – chủ tịch hội đồng quản trị Thái Bình Investment Trading Corp, một doanh nghiệp được coi là start-up đời đầu của Việt Nam vào đầu thập niên 1990.

Năm nay, ông TRẦN THANH TÚ lần đầu tiên tham gia chương trình Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up – giải golf hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức và chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của chính ông.

Tuổi Trẻ Golf tournament for Start-up 2020: 22 năm đưa hàng Việt chinh phục Cuba - Ảnh 2.

Ông TRẦN THANH TÚ

Xây dựng thương hiệu Việt ở Cuba

* Hành trình khởi nghiệp của ông ở Cuba bắt đầu như thế nào?

– Năm 1998, tôi tình cờ đến Cuba. Lúc đó Cuba còn khó khăn sau khi Liên Xô tan rã, hàng hóa chủ yếu nhập từ châu Âu. Khi đó tôi suy nghĩ rằng hàng Việt có thể bán ở Cuba, nhất là cạnh tranh về giá. Người dân nói tiếng Tây Ban Nha lạ lẫm, nhưng tôi lại ấn tượng bởi đất nước Cuba rất đẹp. 

Tôi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba để tìm hiểu cách thức đầu tư, kinh doanh, rồi đến Bộ Thương mại Cuba. Sáu tháng sau, tháng 12-1998, chúng tôi lập văn phòng ở Cuba. Đó là lần đầu tiên doanh nghiệp Thái Bình đặt nền móng tại Cuba.

* 22 năm khởi nghiệp ở Cuba, hẳn có rất nhiều thăng trầm với ông và công ty?

– Chúng tôi bắt đầu bằng những bước đi nhỏ. Thách thức rất nhiều, trong đó có khác biệt giữa hai nền kinh tế. Kinh tế Cuba là kinh tế kế hoạch, mua gì cũng phải có kế hoạch. Buôn bán phải trả chậm nên tôi vận động các đối tác ở Việt Nam cung cấp hàng cũng phải bán trả chậm để thích ứng.

Giai đoạn đầu, tôi sang Cuba 6 tháng/lần, mỗi lần ở lại 1-2 tháng. Lúc đó chúng tôi cũng chưa có sản phẩm mục tiêu. Doanh nghiệp bên này yêu cầu hàng gì, chúng tôi chuyển sang hàng hóa đó. Ban đầu chỉ bán áo thun, cao sao vàng. Sản phẩm bán được, tuy nhiên, chúng tôi phải thuê kho hàng và phải chờ đợi họ thanh toán, thành ra không đủ trả chi phí.

Doanh thu bình quân chỉ khoảng 5.000 USD/tháng, mỗi năm vài chục ngàn USD. Mất thêm 4 năm, chúng tôi mới thuyết phục được một doanh nghiệp Cuba sang Việt Nam, trực tiếp đến nhà máy lựa chọn hàng hóa. Năm 2002, lần đầu tiên doanh nghiệp Cuba mua hàng đạt 1 triệu USD.

Đến năm 2007, chúng tôi thuyết phục được thêm hai doanh nghiệp lớn của Cuba đến đặt văn phòng tại Việt Nam. Trong đó, một doanh nghiệp thuộc Bộ Kinh tế đầu tư, một doanh nghiệp quân đội. 

Nhưng đến năm 2008, hai doanh nghiệp trên sáp nhập vào tập đoàn mới. Khi đó, số tiền họ còn nợ chúng tôi khoảng 8 triệu USD và đây là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với chúng tôi vì dòng vốn bị ách lại. Phải 3 năm sau, khoản nợ mới được trả thành 3 đợt, người tiếp quản mới thanh toán dứt điểm khoản nợ cho chúng tôi.

* Vượt qua hành trình dài 22 năm, đến nay đã có một Thái Bình như thế nào ở Cuba?

– Những ngày đầu, nhìn thấy sản phẩm “made in Vietnam” bày bán trong siêu thị ở Cuba, bên cạnh hàng châu Âu, tôi đã vô cùng xúc động. Bây giờ, khi nói về hàng của Thái Bình tại Cuba, có thể nói Cuba có khoảng 11 triệu dân, khoảng 40% biết về Thái Bình. Đặc biệt, các sản phẩm của chúng tôi có mặt ở tất cả 14 tỉnh và 1 đảo của Cuba.

Trước đây Cuba chủ yếu nhập hàng hóa từ châu Âu, nhưng 10 năm trở lại đây Cuba dịch chuyển về châu Á. Hiện hàng Trung Quốc chiếm thị phần lớn ở Cuba, nhưng về mặt hàng tiêu dùng, sản phẩm của Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh về giá, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Nếu đưa hàng hóa mang gu châu Á sang đây bán, chắc chắn không bán được. Người dân ở đây chuộng màu nổi bật, tươi sáng nên sản phẩm của chúng tôi phải được thiết kế mẫu mã phù hợp. 

Hiện nay, sản phẩm của Thái Bình đứng top 3 các nhà cung cấp trong hệ thống siêu thị, trong đó bao gồm các sản phẩm quần áo, giày dép, bột giặt, hóa mỹ phẩm.

Văn hóa thành, tín

* Điều gì đã làm nên thành công trong hành trình khởi nghiệp của ông?

– Chúng tôi xây dựng văn hóa doanh nghiệp với hai chữ thành và tín. Thành là chân thành và tín là uy tín, tin tưởng. Tôi luôn tâm niệm rằng chỉ cần có thành và tín thì sự thành công sẽ đến, chỉ là đến nhanh hay chậm mà thôi. Cùng với đó là sự kiên trì, nỗ lực. 

Có những thời điểm vô cùng khó khăn, chẳng hạn thời điểm hai đối tác lớn sáp nhập vào tập đoàn mới. Họ khó khăn về vốn nên không thể thanh toán ngay các khoản nợ hàng triệu đô, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì chờ đợi.

Ba năm để chờ thanh toán một khoản nợ triệu đô, trong khi đó chúng tôi vẫn tiếp tục cung cấp hàng. Sự kiên trì đó có được cũng là nhờ sự đồng hành phía sau của các doanh nghiệp Việt – các đối tác cung cấp hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng gia hạn cho chúng tôi 3-4 tháng để thanh toán tiền hàng. 

Chúng tôi đã làm nên một tập thể doanh nghiệp Việt Nam, cùng sẻ chia khó khăn để cùng đạt được thành quả chung. Có lẽ trân trọng sự chia sẻ và kiên trì đó, sự ủng hộ của Cuba dành cho các công ty Việt Nam, sản phẩm Việt Nam ngày càng lớn và thành công theo đó cũng lớn dần.

* Năm nay, lần đầu tiên ông tham gia diễn đàn Cảm hứng khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì cho các bạn trẻ trong diễn đàn này?

– Chúng tôi là một doanh nghiệp có 22 năm kinh nghiệm bán hàng ở nước ngoài với 12 ngành hàng, trên 10.000 sản phẩm các loại, từ giày dép, quần áo, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, sắt thép… Với kinh nghiệm tích lũy được, chúng tôi có thể tư vấn, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ, đồng thời sẵn sàng đầu tư vào các dự án khởi nghiệp phù hợp với định hướng, chiến lược của công ty.

Dự định của Thái Bình là tiếp tục mở rộng thị trường sang các nước lân cận thuộc Caribê, châu Mỹ Latin như Haiti, Dominica, Nicaragua… Kế hoạch xây dựng các nhà máy ở Cuba chính là khởi đầu cho dự định này. 

Chúng tôi đã mở một cửa hàng ở Havana chỉ bán hàng Việt. Cửa hàng này chủ yếu giới thiệu, trưng bày các sản phẩm mới để thăm dò thị trường Cuba. Do đó, chúng tôi có thể kết nối để hỗ trợ dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ. Đồng thời có thể tìm ra những hướng kinh doanh mới, tiềm năng để hỗ trợ, đầu tư.

* Nếu có một lời khuyên dành cho các bạn trẻ đang trên con đường khởi nghiệp, ông sẽ nói gì?

– Các bạn cần phải có đam mê và kiên trì với đam mê ấy. Nhưng đừng mơ hồ. Sự kiên trì bám đuổi cần phải có mục tiêu, có chiến lược cụ thể, lựa chọn giá trị mình muốn mang đến cho khách hàng, định vị phân khúc, giá cả, xây dựng thương hiệu, đăng ký thương hiệu…

Logo bắt đầu bằng chữ TB ở Cuba

Chúng tôi đã không khỏi bất ngờ khi xem catalogue hàng ngàn sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu TB – tên viết tắt của Thái Bình Investment Trading Corp – “đang được bày bán ở hàng loạt siêu thị trên khắp đất nước Cuba”. Từ TBHome, TBV, TBcare, TBKids, TBFood, TBPro, TBLife…, tương ứng với các sản phẩm vật liệu xây dựng, gia dụng, nội thất, thực phẩm, hóa mỹ phẩm…

Từ năm 2010, Thái Bình Investment Trading Corp đã liên tục tăng trưởng. Năm 2018, 2019, công ty lần lượt cán mốc doanh thu 120 triệu USD và 132 triệu USD. Trong năm 2019, công ty khai trương nhà máy sản xuất đầu tiên tại Cuba. Đây là nhà máy đầu tiên của Việt Nam tại Cuba sản xuất tã lót, băng vệ sinh phụ nữ. Công ty dự kiến mở nhà máy thứ hai sản xuất bột giặt trong thời gian tới.

Cú hích khởi nghiệp cho các bạn trẻ Cú hích khởi nghiệp cho các bạn trẻ

TTO – Dù chỉ là lần thứ hai tổ chức nhưng tôi cho rằng Giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2020 rất ý nghĩa xét trên nhiều góc độ.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin