Với những diễn biến của thị trường ngoại tệ trong nước, thế giới từ đầu tháng 8 thì tín hiệu của đồng USD vẫn còn khó đoán và tỷ giá sẽ có đôi nhịp ‘gập ghềnh’.
Mặc dù 7 tháng đầu năm nay, tỷ giá trung tâm tăng chưa tới 1,7% và đồng Việt Nam vẫn thuộc nhóm các đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới nhưng với những diễn biến của thị trường ngoại tệ trong nước và thế giới từ đầu tháng 8 đến nay thì tín hiệu của đồng đô-la vẫn còn khó đoán trong những tháng cuối năm.
Thị trường ngoại tệ những tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng nhiều hơn giảm. “Sóng” ngoại tệ đã lên vượt dự đoán của giới chuyên gia tài chính và có lúc trên thị trường tự do tỷ giá đã lên sát 26.000 đồng/USD, neo ở mốc 25.950 đồng/USD vào ngày 24/6. Trong khi trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan dự báo tỷ giá không tăng quá 25.000 đồng. Trước những biến động đầy bất ngờ của tỷ giá trong những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có các động thái giữ ổn định thị trường như tăng cung USD trên thị trường kể từ cuối tháng 4, điều chỉnh tỷ giá trung tâm… Các nguồn thạo tin trên thị trường liên ngân hàng ước lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã bán cho các ngân hàng thương mại đến nay vào khoảng 6,4 tỷ USD.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tính đến 31/7/2024, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD, tăng 1,63% so với cuối năm 2023, đây là mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Trong Chuyên đề vĩ mô tháng 8 vừa công bố hôm nay (7/8), các chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra nhận định, từ đầu quý 3 đến nay, chỉ số USD có chiều hướng đi xuống do những chỉ báo kém khả quan của hoạt động kinh tế tại Mỹ. Cùng với đó, tỷ giá USD/VND đã giảm nhẹ, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã giảm về mức 25.264 đồng/USD tại ngày 31/07, đưa mức mất giá của tiền đồng về 4,1% so với đầu năm.
Thực tế, từ đầu tháng 8 tới nay tỷ giá đang có diễn biến trái chiều, có vài hôm giảm điểm và bắt đầu tăng kể từ 2 ngày trở lại đây. Hôm nay, 7/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.250 đồng, tăng 10 đồng so với phiên trước. Tại một số ngân hàng thương mại, giá mua – bán USD cũng theo xu hướng tăng so với phiên ngày 6/8, cụ thể: Giá mua USD thấp nhất là 24.927 VND/USD (cao hơn 25 đồng), cao nhất ở mức 24.983 VND/USD (cao hơn 23 đồng); ở chiều bán ra, giá bán USD thấp nhất 25.310 VND/USD (cao hơn 40 đồng), giá mua cao ở mức 25.462 VND/USD (cao hơn 11 đồng).
Tính đến 31/7/2024, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD, tăng 1,63% so với cuối năm 2023
Nhìn từ góc độ vĩ mô của kinh tế thế giới và trong nước, nhiều chuyên gia phân tích dự bảo chặng đường phía trước của tỷ giá sẽ có đôi nhịp “gập ghềnh”. Điều này không chỉ thể hiện qua những chỉ dấu về biến động của tỷ giá USD/VND theo chỉ số DXY (chỉ số đồng đô la Mỹ) ngày càng tăng, đặc biệt là trong giai đoạn từ đầu năm 2024 đến nay mà còn đến từ các yếu tố khách quan khác.
Cụ thể, đối với thị trường thế giới, triển vọng đồng USD được trông chờ vào chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, chênh lệch lợi suất và bầu cử Mỹ. Hiện tại, giá hợp đồng tương lai đang định giá việc giảm lãi suất chính sách của các ngân hàng trung ương lớn sẽ diễn ra dần dần. Sự chậm lại gần đây trong cả hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ và dữ liệu lạm phát cho thấy thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed đang đến gần. Từ đầu tháng 7 cho đến nay, thị trường đã nhanh chóng định giá đồng USD yếu hơn khi có dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nới lỏng chính sách.
Mặc dù vậy, chuyên gia phân tích của Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, dù triển vọng đường hướng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương khác có thể lệch nhịp, tuy nhiên lãi suất điều hành của Fed vẫn cao hơn so với các ngân hàng trung ương khác trong 6 tháng đến 1 năm nữa. Sự khác biệt về lãi suất chính sách có thể tiếp tục thúc đẩy hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất, theo đó, giữ cho đồng USD với lợi suất tương đối cao một chỗ đứng vững chắc hơn so với các đồng tiền khác.
Trong vài tháng tới, diễn biến đồng USD có thể chịu ảnh hưởng bởi diễn biến chính trường Mỹ khi cuộc bầu cử Tổng thống đến gần, cần tiếp tục theo dõi những động lực chính khác đối với đồng tiền này gồm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế khác và vai trò trú ẩn của đồng USD trước các rủi ro địa chính trị.
“Việc nền kinh tế Mỹ đạt được kịch bản hạ cánh mềm, chu kỳ nới lỏng tiền tệ khiêm tốn của Fed và rủi ro địa chính trị gia tăng sẽ là tác nhân củng cố sức mạnh của USD. Ngược lại, triển vọng suy thoái của nền kinh tế Mỹ, Fed đưa ra tín hiệu nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ hơn và rủi ro địa chính trị được kiểm soát sẽ khiến đồng USD yếu hơn” – chuyên gia của VDSC nêu quan điểm.
Với thị trường trong nước, tỷ giá không chỉ chịu tác động của thị trường thế giới mà còn phụ thuộc vào cầu trong nước. Thực tế là nhu cầu USD thường tăng vào giai đoạn cuối quý 3 đầu quý 4 hàng năm do nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Bởi thế, kịch bản sức mạnh của đồng USD được duy trì sẽ là thử thách đối với việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm 2024.
VDSC cho rằng, dựa trên triển vọng đồng USD duy trì sức mạnh tương đối và áp lực về cầu ngoại tệ trở lại, chúng tôi cho rằng con đường ổn định tỷ giá có thể sẽ còn một nhịp gập ghềnh phía trước. Kịch bản cơ sở đối với tỷ giá USD/VND thị trường liên ngân hàng có thể tăng lên 25.500 đồng/USD và giảm trở lại còn 25.300 đồng/USD vào cuối năm. Kịch bản lạc quan hơn xảy ra với điều kiện hai áp lực kể trên đều được kiểm soát, khi đó, tỷ giá có thể giảm về mức 25.000 đồng/USD vào cuối năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, giải bài toán tỷ giá không chỉ là cam kết đảm bảo nguồn cung để hạ nhiệt thị trường khi có biến động mà còn cần duy trì chính sách quản lý để người dân “bớt quan tâm” đến USD, hạn chế đô la hóa nền kinh tế.