Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, tỷ giá ngoại tệ giữa USD và VND liên tục giữ ổn định. Điều này có được một mặt nhờ sự ổn định của thị trường, mặt khác nhờ cơ chế điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ít biến động
Trong 2 tuần đầu tháng 9, tỷ giá trung tâm giữa VND/USD do NHNN công bố liên tục có biến động. Đặc biệt, từ ngày 9-9 đến ngày 14-9, tỷ giá trung tâm tăng 4 phiên liên tiếp, với tổng cộng lên tới 69 đồng, đạt mức 21.965 VND/USD, mức cao nhất kể từ khi NHNN bắt đầu thực hiện chính sách công bố tỷ giá trung tâm vào đầu năm 2016.
Tuy nhiên, trái với mức kỷ lục của tỷ giá trung tâm, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại chỉ có biến động nhẹ, khoảng 5-10 đồng ở cả hai chiều mua vào – bán ra. Tính đến ngày 19-9, tỷ giá trung tâm đã giảm về mức 21.959 VND/USD, ở mức cao so với mặt bằng chung của tỷ giá trung tâm nhiều tháng qua, nhưng tỷ giá tại các ngân hàng thương mại vẫn xoay quanh mức 22.260-22.350 VND/USD chiều mua vào – bán ra, cách khá xa so với tỷ giá sàn và tỷ giá trần theo quy định ±3% tỷ giá trung tâm của NHNN.
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT, trong 8 tháng đầu năm, giá USD có 3 tháng tăng nhẹ (tháng 1, 4, 6), 5 tháng giảm sâu hơn (tháng 2, 3, 5, 7, 8), nên tính chung 8 tháng (tháng 8-2016 so với tháng 12-2015) giảm 1,07% (trong khi cùng kỳ năm 2013 tăng 1,59%, năm 2014 tăng 0,42% và năm 2015 tăng 2,33%).
Còn theo báo cáo tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do vẫn giữ ổn định trong biên độ trên của tỷ giá trung tâm (dao động trong khoảng 22.300–22.350 VND/USD). Tính đến cuối tháng 8, tỷ giá trung tâm đang ở mức 21.898 VND/USD, chỉ tăng nhẹ 0,01% so với đầu năm.
Nhận định về tình hình tỷ giá trong thời gian qua, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, tỷ giá trong thời gian qua ổn định, ít có sự biến động do NHNN liên tục mua USD trên thị trường và mở rộng phát hành tín phiếu ngắn hạn với con số kỷ lục.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào 10 tỷ USD, đưa dự trữ ngoại tệ (không kể vàng) lên mức kỷ lục 40 tỷ USD. Hơn nữa, chỉ tính riêng từ 12 đến 16-9, theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), NHNN đã tiếp tục điều tiết cung cầu tiền đồng khi phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày đạt xấp xỉ 22.000 tỷ đồng. Do vậy, thông qua kênh tín phiếu, NHNN đã hút ròng 7.000 tỷ đồng ra thị trường. Như vậy, trong 16 tuần qua tổng cộng 76.997 tỷ đồng được hút qua dòng kênh này.
Bên cạnh đó, TS.Nguyễn Đức Độ còn cho hay, cán cân thương mại thặng dư, Việt Nam đang xuất siêu, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng khá, lượng kiều hối được chuyển về tăng mạnh… cũng là các yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá. Chính nhờ sự ổn định này, người dân và giới đầu cơ “ngại” bán ra và găm giữ ngoại tệ, giúp áp lực lên thị trường ngoại hối được giảm nhẹ.
Nhờ những điều kiện nêu trên, tỷ giá USD tại Việt Nam đã giữ được nhịp ổn định và vững vàng trước nhiều biến động, trong đó phải kể đến tác động từ sự kiện Brexit khiến nhiều đồng ngoại tệ của Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… giảm giá mạnh, cùng sự “nhảy múa” bất thường của giá vàng trong nước và thế giới.
Áp lực giảm nhẹ
Với diễn biến tăng lên của tỷ giá trung tâm tuần vừa qua, các chuyên gia của BVSC đặt ra lo ngại về tín hiệu của áp lực cuối năm lên tỷ giá khi FED tăng lãi suất sẽ kéo theo những biến động khó lường của các đồng tiền trong rổ tham chiếu, thứ hai là nhập siêu có thể quay trở lại thời điểm cuối năm. Nên BVSC dự báo sự ổn định của tỷ giá chỉ ở mức ngắn hạn.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Độ lại nhận định, từ nay đến cuối năm, với chính sách điều hành tiền tệ nhất quán từ NHNN cùng với các điều kiện nêu trên tiếp tục diễn biến thuận lợi, tỷ giá giữa VND và USD tiếp tục ổn định, nếu có biến động cũng chỉ xoay quanh mức trên dưới 0,5%.
Đồng quan điểm, báo cáo từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, với nguồn cung ngoại tệ dồi dào, trong khi cầu ngoại tệ chưa có nhiều đột biến khi kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn có xu hướng giảm so với năm trước nên áp lực lên thị trường ngoại hối Việt Nam từ nay đến cuối năm là không lớn.
Về việc FED tăng lãi suất USD vào dịp cuối năm, nhiều chuyên gia không đánh giá cao khả năng này. Theo TS. Nguyễn Đức Độ, phải đến tháng 12, FED mới có khả năng tăng lãi suất. Nhưng tình hình hiện nay, lạm phát của Mỹ vẫn dưới 2%, kinh tế phát triển không như mong đợi nên mọi khả năng đều không chắc chắn.
Nhận định chung về điều hành tỷ giá, trong cuộc họp báo của NHNN gần đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, những năm trước, khi thanh khoản trên thị trường dư thừa, lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng mua vào ngoại tệ nên gây biến động tỷ giá. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, cách điều hành tỷ giá mới đã giải tỏa tâm lý găm giữ và đầu cơ ngoại tệ. Vì thế, nhiều thời điểm trong năm, thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng thấp nhưng NHNN đã mua vào ngoại tệ nên tỷ giá ổn định.
Do đó, NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Nhìn chung, nhờ những tác động từ khách quan và chủ quan cùng với chính sách điều hành tỷ giá đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường của Chính phủ, NHNN, nỗi lo tỷ giá ngoại tệ của các doanh nghiệp, giới đầu tư đã được giảm bớt. Đây sẽ là tín hiệu vui khi thông thường, dịp cuối năm thường là thời điểm tỷ giá hay có biến động tăng cao do hoạt động xuất nhập khẩu, thanh toán dồn vào thời điểm này để “chốt sổ”. Không những thế, nhờ có sự ổn định mang tính bền vững của tỷ giá, mục tiêu kiềm chế lạm phát và hạn chế tình trạng đô-la hóa sẽ có thêm yếu tố thuận lợi để thực thi.