Tỷ giá đang đối mặt với áp lực điều chỉnh tăng

Chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chịu áp lực lớn và không loại trừ khả năng NHNN có thể điều chỉnh biên độ thêm một lần nữa nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá mạnh đồng nhân dân tệ.

Đó là dự báo được đưa ra trong báo cáo mới nhất đánh giá thị trường tài chính – tiền tệ của Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV).

Có hai kịch bản được các chuyên gia của BIDV đưa ra cho tỷ giá trong thời gian tới.

Kịch bản thứ nhất giữ nguyên biên độ hiện hành trong trường hợp nhập siêu 6 tháng cuối năm xoay quanh 3 tỉ USD, lạm phát 2-2,5% và GPD cả năm đạt mức 6,3%, đồng thời cán cân thanh toán tổng thể thặng dư thêm 2-3 tỉ USD. Kịch bản này đòi hỏi các dòng ngoại tệ như vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, kiều hối vẫn tăng trưởng, đồng thời nhu cầu trả nợ trước hạn của doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng dư nợ ngoại tệ.

Kịch bản thứ hai là biên độ tỷ giá được điều chỉnh thêm một lần nữa, có thể trong quí 4.2015. Nếu thị trường ngoại hối quá căng thẳng, NHNN có thể phải nâng lãi suất điều hành tiền đồng thêm 0,5%/năm để tạo sức hấp dẫn cho đồng nội tệ. Nhập siêu trong nửa cuối năm có thể tới 5-6 tỉ USD do xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước Châu Á chậm lại và nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên. Tỷ giá có thể sẽ biến động mạnh 22.000-22.300 đồng/USD.

Nhìn sang năm 2016, BIDV dự báo theo cả hai kịch bản, nhập siêu có thể sẽ vào khoảng 8-10 tỉ USD; lãi suất tiền đồng tăng thêm 0,5-1%/năm; mục tiêu điều chỉnh tỷ giá 3-4%.

Để bình ổn thị trường, BIDV đề xuất thiết lập ngay tỷ giá giao dịch với các ngân hàng thương mại và bán can thiệp hợp lý tránh các biến động lớn do tâm lý, đi kèm điều tiết cung tiền linh hoạt qua thị trường mở nhằm tránh xáo trộn thanh khoản của hệ thống.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin