Sáng nay (14/10), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.541 đồng/USD, tăng mạnh 44 đồng so với phiên hôm qua. Đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của tỷ giá này.
Với biên độ +/-3%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại ngày 14/10 là 22.835-24.247 đồng/USD.
Ngay từ đầu giờ sáng, Vietcombank đã tăng mạnh giá USD thêm 30 đồng so với cuối ngày hôm qua, hiện niêm yết ở mức 23.920-24.230 đồng/USD. Trước đó, trong ngày 13/10, giá USD tại đây cũng tăng 120 đồng.
Tương tự, BIDV sáng nay tăng 30 đồng lên 23.950-24.230 đồng/USD. VietinBank niêm yết 23.902-24.230 đồng/USD. ACB tăng 20 đồng lên 24.020-24.240 đồng/USD.
Trong khi đó, Techcombank niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần 24.247 đồng/USD. Giá mua vào cũng tăng mạnh lên 23.993 đồng/USD.
So với cuối tháng 9, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 220 – 250 đồng, tương đương tăng 0,9-1%. Và từ đầu năm đến nay, giá USD đã tăng khoảng 1.300-1.350 đồng, tức tăng tới 5,7-5,8%/năm.
Trên thị trường quốc tế, đồng đô la Mỹ sụt giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với các đồng tiền khác. Chỉ số US Dollar Index đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh đứng ở mức 112 điểm, giảm 0,9% so với phiên trước.
Ngày 13/10, Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn so với dự mức dự báo tăng 0,2%. Trong tháng 8, chỉ số này chỉ tăng 0,1% so với tháng 7. CPI trong tháng 9 tăng 8,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức kỳ vọng 8,1%.
Giới phân tích cho rằng, lạm phát cao hơn sẽ khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ, có thể tăng lãi suất tại kỳ họp tháng 11, tháng 12 tới. Điều này cũng sẽ gây áp lực tới các đồng tiền khác. Trong phiên 13/10 vừa qua, Yen Nhật cũng đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ 1990 so với đồng USD.
Nhìn chung, VND mặc dù mất giá tới gần 6% so với USD từ đầu năm đến nay nhưng đây vẫn là mức giảm thấp so với nhiều đồng tiền khác. Chẳng hạn JPY mất hơn 22%, KRW mất hơn 20%, EUR mất 13,5%, THD mất 13%, INR mất 9,5%,…