Năm 2016, thị trường ngoại hối Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục biến động khá phức tạp. Trong đó, yếu tố rủi ro lớn nhất tiếp tục đến từ diễn biến của USD cũng như nhân dân tệ trên thị trường quốc tế.
Fed sẽ tăng lãi suất vào cuối năm?
Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) vừa mới đưa ra những nhận định về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và những tác động đến Việt Nam.
Theo đó, BIDV cho rằng, nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong tháng 12/2015 với biên độ khoảng 0,25%, đồng thời giữ nguyên hoặc giảm nhẹ lãi suất cho các năm tiếp theo so với kỳ họp tháng 9/2015 (khoảng 0,25%); có thể tăng thêm 0,75% năm 2016.
Theo BIDV, 3 yếu tố cơ bản có thể tác động đến quyết định điều chỉnh lãi suất của Fed trên cơ sở thông điệp đã đưa ra của cơ quan này thị trường việc làm, tỷ lệ lạm phát và thị trường tài chính quốc tế.
Thứ nhất, thị trường việc làm tại Mỹ đã và đang cho thấy sự cải thiện rõ nét với số lượng việc làm tạo mới xác lập xu hướng tăng, và thậm chí còn tăng cao hơn so với giai đoạn trước khủng hoảng 2007-2008. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp liên tục đi xuống và hiện đang ở mức 5% – xấp xỉ mức bình quân của giai đoạn trước khủng hoảng 2003-2007.
Thứ hai, tỷ lệ lạm phát của Mỹ nhìn chung vẫn duy trì ở mặt bằng thấp tuy nhiên đã có dấu hiệu nhích lên trong năm 2015. Trong tháng 10, lạm phát tăng đúng với kỳ vọng của thị trường ở mức 0,2% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lạm phát lõi của Mỹ (loại bỏ các mặt hàng năng lượng và lương thực) đã lấy lại đà tăng từ cuối năm 2010 và chủ yếu đi ngang trong biên độ 1,5-2%, tháng 10/2015 đang ở mức 1,9% so với cùng kỳ.
Cuối cùng, môi trường vĩ mô quốc tế nhìn chung tiếp tục diễn biến khá phức tạp và theo hướng vẫn chứa đựng nhiều rủi ro cho quá trình phục hồi của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, diễn biến thị trường tài chính trong 2 tháng gần đây có phần ổn định hơn so với quý III/2015.
Tỷ giá trong nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh
Thị trường ngoại hối trong nước tiếp tục cho thấy biến động khá phức tạp và đặc biệt là sự liên thông tương đối chặt chẽ với thị trường ngoại hối quốc tế.
Kể từ cuối tháng 10 đến nay, mặc dù cán cân thanh toán tổng thể chuyển biến khá tích cực, nhập siêu giảm mạnh và thậm chí cán cân thương mại thặng dư 500 triệu USD trong tháng 10/2015, tuy nhiên, tỷ giá USD/VNĐ đã tăng mạnh 170-180 đồng lên 22.470-22.480 đồng.
Theo BIDV, diễn biến này chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo ngại liên quan đến đà tăng của USD trên thị trường quốc tế, kỳ vọng vào khả năng nâng lãi suất cơ bản của Fed trong tháng 12 và những vấn đề bất ổn của kinh tế thế giới.
Do vậy, với dự báo USD tiếp tục tăng giá trên thị trường quốc tế trong tháng 12 cộng với các yếu tố mùa vụ về mặt nhập siêu, nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng, BIDV dự báo, thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục diễn biến khá căng thẳng.
“Chủ trương nhất quán và các giải pháp can thiệp từ phía ngân hàng Nhà nước sẽ giúp tỷ giá tiếp tục duy trì trong biên độ cho phép nhưng nhìn chung giao dịch ở mặt bằng cao, dự kiến chủ yếu quanh khoảng 22.450-22.500 đồng từ nay đến cuối năm”, BIDV cho biết.
Nhà băng này cũng cho rằng, năm 2016, thị trường ngoại hối Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục biến động khá phức tạp. Trong đó, yếu tố rủi ro lớn nhất tiếp tục đến từ diễn biến của USD cũng như nhân dân tệ trên thị trường quốc tế. Theo đó, VNĐ có thể giảm giá thêm khoảng 3-4% so với USD và tỷ giá USD/VNĐ tăng vượt qua mức 23.000 đồng.