Việc tăng biên độ tỷ giá USD/VND từ +/-1% lên +/- 2% được xem là một động thái kéo dài thời gian, đợt phá giá đồng tiền tiếp theo sẽ có biên độ lớn hơn và sẽ diễn ra không sớm thì muộn. Đây là đánh giá của CTCK VCSC về quyết định ngày 12/8 của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 12/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nới biên độ giao dịch tỷ giá VND/USD từ 1% lên 2%, về bản chất là điều chỉnh giá tiền Đồng nhằm phản ứng với động thái phá giá đồng Nhân dân Tệ (NDT) của Trung Quốc ngày 11/8.
Gián tiếp phá giá tiền Đồng
VCSC nhận định mặc dù đây không phải là động thái làm giảm giá đồng tiền trực tiếp, nhưng về bản chất có tác động tương tự khi tiền đồng đang giao dịch ở mức trần trong thời gian qua.
Bằng việc sử dụng công cụ chính sách lần đầu tiên kể từ tháng 2/2011 (khi đồng VND bị phá giá 9,3%), NHNN về mặt kỹ thuật có thể tiếp tục cam kết giữ mức phá giá tiền Đồng tối đa 2% trong năm 2015 ở thời điểm hiện tại, nhưng cũng mở đường cho biến động tiền tệ lớn hơn nếu việc phá giá thông qua điều chỉnh tỷ giá bình quân là cần thiết.
“Nói một cách khác, trong khi đây là một động thái kéo dài thời gian, đợt phá giá đồng tiền tiếp theo sẽ có biên độ lớn hơn và sẽ diễn ra không sớm thì muộn”, VCSC đưa ra dự báo.
Tuy nhiên, công ty này cũng cho rằng quyết định của NHNN là một bước đi cần thiết. Tiền Đồng đang chịu áp lực trong những tuần vừa qua do thâm hụt cán cân thương mại gia tăng và quyết định chuẩn bị nâng lãi suất của Cục Dữ trữ Liên Bang Mỹ (FED) sắp diễn ra tại cuộc họp của FOMC ngày 17/9.
Đối với NHNN, động thái bất ngờ của Trung Quốc là lời kêu gọi hành động ngay lập tức khi tính đến các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Thương mại song phương giữa 2 nước đã đạt 60 tỷ USD năm 2014 với thâm hụt thương mại 29 tỷ USD của Việt Nam. Con số này lần lượt đạt 32 tỷ USD và 16 tỷ USD trong nửa đầu năm 2015.
Doanh nghiệp Việt đang gặp khó
Các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn để cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc trong nước và ở nước ngoài. Nguyên liệu sản xuất công nghiệp nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc như thép và hóa chất đã tràn ngập thị trường nội địa.
Trong tuần trước, VCSC đã ghi nhận trong báo cáo rằng Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tăng 2% thuế nhập khẩu đối với sợi polyester để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sợi trong nước cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc, cho thấy sự nhạy cảm về giá cả của thị trường trong nước.
Ở nước ngoài, Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc trong lĩnh vực dệt may và thủy sản tại các thị trường lớn như EU và Mỹ. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu hàng may mặc chỉ tăng trưởng 10% so với mức tăng 19% một năm trước. Sau Trung Quốc, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 2 hàng dệt may vào Mỹ.
Báo cáo chỉ ra cho đến khi hiệp định TPP được ký kết có thể mang lại lợi thế về thuế suất cho Việt Nam, tỷ giá vẫn đang là yếu tố quan trọng.
Tỷ giá sẽ còn điều chỉnh?
Trung Quốc đã tạo ra hiệu ứng domino đối với tiền tệ của các quốc gia mới nổi. Nhiều đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh thương mại của Việt Nam cũng suy yếu.
Sáng ngày 12/8, đồng Bath Thái cũng trượt giá thêm 0,5% so với USD, đồng Rupiah Indonesia cũng giảm 1,7%. Chỉ số Bloomberg Asia Dollar giảm 0,9%.
Nếu Trung Quốc cho phép đồng tiền của mình giảm sâu hơn, với nhiều đồn đoán cho rằng sẽ xảy ra dù lãnh đạo nước này cho biết đây chỉ là động thái một lần duy nhất, VCSC cho rằng Việt Nam có thể sẽ buộc phải tham gia vào cuộc chiến tiền tệ này.