Tỷ giá và niềm tin

Tại Báo cáo bổ sung đánh giá kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2018 và các tháng đầu năm 2019 gửi tới phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội ngày 25/4 tại Nha Trang, NHNN Việt Nam cho biết, luỹ kế từ đầu năm đến 17/4/2019 cơ quan này đã mua được 8,35 tỷ USD bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Đó quả là một thông tin hết sức tích cực đối với nền kinh tế ngay trước kỳ nghỉ lễ. Nó càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định như hiện nay. Còn nhớ trước khi bước vào năm 2019, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về những bất định của kinh tế toàn cầu.

Theo đó, việc kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh, cộng thêm xung đột thương mại giữa Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU… sẽ có nhiều tác động bất lợi đến nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam. Trong đó thị trường ngoại hối, tỷ giá chắc chắn sẽ chịu nhiều sức ép do đây là lĩnh vực rất nhạy cảm với những sự biến động từ diễn biến kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu.

Những lo ngại trên không phải là không có cơ sở khi mà việc Fed liên tục tăng lãi suất đã hỗ trợ đồng USD tăng giá mạnh trong năm 2018, lại thêm cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã khiến dòng vốn đảo chiều, chảy khỏi các nền kinh tế đang phát triển châu Á, đẩy đồng tiền của các nền kinh tế này rớt thảm và để chặn lại đà rơi của đồng nội tệ, không ít nền kinh tế trong khu vực đã buộc phải tăng mạnh lãi suất, hoặc bán USD để can thiệp.

Thế nhưng, trái với những lo ngại trên, thị trường ngoại hối trong nước những tháng đầu năm vẫn tiếp tục nối dài chuỗi ngày ổn định của năm 2018. Việc NHNN liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm (hiện đã tăng khoảng hơn 200 đồng/USD so với cuối năm 2018, tương đương tăng 0,89%), theo giới chuyên môn, chủ yếu là để đưa tỷ giá trung tâm về sát với tỷ giá thị trường sau khi được neo ở mức khá thấp trong năm 2018.

Trong khi tỷ giá tại các nhà băng nhìn chung khá ổn định. Việc giá mua – bán USD tại các ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ trong mấy phiên ngay trước kỳ nghĩ lễ chủ yếu là để phòng ngừa rủi ro. Ngay cả như vậy thì với mức giá mua vào phổ biến trong khoảng 23.200 – 23.230 đồng/USD và bán ra trong khoảng 23.320 – 23.340 đồng/USD; hiện tỷ giá tại các ngân hàng chỉ cao hơn so với thời điểm cuối năm 2018 khoảng 80 đồng/USD, tương đương tăng 0,3%.

Có được điều đó một phần cũng nhờ nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế hiện đang rất dồi dào khi cán cân thương mại thặng dư hơn 620 triệu USD kể từ đầu năm; trong khi lượng vốn FDI giải ngân lên tới 5,7 tỷ USD; lượng vốn vào thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần cũng đạt 5,68 tỷ USD; rồi còn nguồn kiều hối, thu từ hoạt động du lịch… Nguồn cung ngoại tệ dồi dào, cộng thêm tỷ giá và thị trường ổn định đã tạo cơ hội để NHNN tiếp tục mua vào được 8,35 tỷ USD để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Mặc dù không công bố con số cụ thể, song theo một số chuyên gia, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên xấp xỉ 70 tỷ USD – một con số kỷ lục mới. Đó là một bộ đệm an toàn cho nền kinh tế chống đỡ lại các cú sốc từ bên ngoài. Thị trường ngoại hối, tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối tăng cao đã góp phần tích cực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Dự trữ ngoại hối tăng cao còn nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu như Moodys, Fitch Ratings liên tục nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam trong năm 2018; gần đây nhất là việc S&P nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam lần nâng đầu tiên sau 9 năm, chính là những minh chứng rõ nét cho thấy uy tín của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao hơn trên trường quốc tế.

Một dẫn chứng khác cho thấy lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định của kinh tế Việt Nam, vào sự ổn định của tỷ giá đó là dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng mạnh kể cả qua kênh trực tiếp hay gián tiếp; trong khi nhiều nền kinh tế khác trong khu vực đang phải ngậm ngùi nhìn dòng vốn này chảy ra.

Niềm tin của thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đến lượt nó lại trở thành một yếu tố hỗ trợ tích cực giúp NHNN ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các nền kinh tế trong khu vực cho thấy, niềm tin này chỉ có được nếu kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Bởi vậy, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu xuyên suốt trong điều hành hiện nay.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin