Theo VnDirect, đà tăng của tỷ giá USD/VND sẽ có tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp đang có nhiều nợ vay bằng đồng USD cũng như những doanh nghiệp nhập khẩu ròng tuy nhiên sẽ có lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu ròng và không có hoặc có ít nợ vay bằng đồng USD.
Những ngày gần đây, tỷ giá là vấn đề “nóng” trên thị trường tài chính toàn cầu. Đà tăng của đồng USD cùng với việc FED đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ đã khiến dòng vốn đầu tư quốc tế có xu hướng rút khỏi các thị trường cận biên và mới nổi để quay trở lại thị trường Mỹ và gây ra áp lực lên tỷ giá hối đoái tại các quốc gia bị rút vốn ròng mạnh.
Trong sáng 23/7, tỷ VND/USD tại các ngân hàng Việt Nam đồng loạt tăng mạnh với mức tăng 170-200 đồng. Giá bán tại môt số ngân hàng thậm chí đã chạm mốc 23.300 VND/USD, chỉ còn cách mức trần 23 đồng.
Đánh giá về vấn đề tỷ giá lúc này, CTCK VnDirect cho rằng đà tăng của tỷ giá USD/VND nhìn chung sẽ không có tác động lớn đến bức tranh chung về lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Theo VnDirect, đà tăng của tỷ giá USD/VND sẽ có tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp đang có nhiều nợ vay bằng đồng USD cũng như những doanh nghiệp nhập khẩu ròng tuy nhiên sẽ có lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu ròng và không có hoặc có ít nợ vay bằng đồng USD, do đó tính gộp lại thì ảnh hưởng của biến động tỷ giá sẽ không làm thay đổi nhiều về bức tranh chung về lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Thủy sản, dệt may, cao su, công nghệ thông tin hưởng lợi nhờ tỷ giá
VnDirect cho rằng thủy sản sẽ được hưởng lợi nhờ tỷ giá tăng. Những doanh nghiệp như VHC, IDI, FMC, MPC có doanh thu về xuất khẩu lớn do đó sẽ được hưởng lợi từ đà tăng của tỷ giá USD/VND bất chấp một số doanh nghiệp cũng có nợ vay ngoại tệ tương đối lớn như MPC, IDI và FMC.
Đối với các doanh nghiệp dệt may, đà tăng của tỷ giá sẽ có tác động 2 chiều đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp dệt may phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về để gia công, do đó tỷ giá USD/VND tăng sẽ làm đội giá thành sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp dệt may cũng là những doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có nguồn thu ngoại tệ ổn định. Do đó tựu chung lại sự biến động của tỷ giá sẽ ít làm thay đổi đến KQKD của các doanh nghiệp dệt may, một số doanh nghiệp dệt may có giá trị xuất khẩu lớn và ít nợ vay USD sẽ vẫn được hưởng lợi từ đà tăng của tỷ giá USD/VND mà tiêu biểu là VGG và GMC.
Với ngành CNTT, gia công và xuất khẩu phần mềm là một mảng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp IT tại Việt Nam tiêu biểu là FPT, CMG. Các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm cũng sẽ được hưởng lợi từ đà tăng của tỷ giá USD/VND.
Các doanh nghiệp cao su tự nhiên là những doanh nghiệp xuất khẩu ròng và thường có ít nợ vay bằng USD, do đó sẽ được hưởng lợi từ đà tăng của tỷ giá USD/VND như là DPR và PHR.
Nhóm bất động sản khu cong nghiệp cũng được hưởng lợi tỷ giá tăng bởi những doanh nghiệp này có lượng khách hàng nước ngoài lớn (chiếm từ 50-80% tổng số khách hàng) và có giá cho thuê đất được tính trên USD.
Vinamilk có thể gặp khó bởi tỷ giá
Ngược lại, việc tăng tỷ giá cũng khiến những doanh nghiệp nhập khẩu ròng sẽ phải đối mặt với đà tăng của nguyên liệu đầu vào và kéo theo sự suy giảm của tỷ suất lợi nhuận khi tỷ giá USD/VND biến động tăng. VnDirect cho rằng VNM, BMP, NTP, CSV có thể bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.
Những doanh nghiệp trên có đặc điểm chung là phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh như: VNM nhập khẩu sữa bột nguyên liệu, BMP và NTP nhập khẩu hạt nhựa (PE, PB, HDPE) và CSV nhập khẩu hóa chất (muối natri sunfat và lưu huỳnh).
Ngoài ra, những doanh nghiệp có nợ vay bằng đồng USD lớn trong khi không có hoặc có ít nguồn thu ổn định bằng USD sẽ gặp rủi ro khi tỷ giá USD/VND biến động tăng làm tăng chi phí tài chính như PGV, HVN, HPG, GAS, HSG, PVD…