Thẻ tín dụng đang là một công cụ thanh toán không thể thiếu trong tương lai nhờ những chính sách cho việc mở thẻ ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện và khách hàng ngày càng được hưởng nhiều ưu đãi khi thanh toán.
Sáng ngày 11/3, báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và NAPAS tổ chức hội thảo: “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam”.
Thông tin tại buổi hội thảo cho biết, theo Báo cáo nghiên cứu Hành vi & thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng (Banking Product U&A Report) năm 2021 của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội & TP.HCM cho thấy, mặc dù mức độ sử dụng sản phẩm Thẻ tín dụng còn thấp với 46%, tuy nhiên đây lại là sản phẩm có tiềm năng phát triển tốt.
Cũng theo báo cáo này cho thấy, số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm khá cao với 34%. Đặc biệt, thẻ tín dụng đang là một công cụ thanh toán không thể thiếu trong tương lai nhờ những chính sách cho việc mở thẻ ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện và khách hàng ngày càng được hưởng nhiều ưu đãi khi thanh toán.
Bàn luận về hướng thanh toán thẻ tín dụng trên toàn cầu, ông Nguyễn Quang Minh – Phó Tổng Giám đốc NAPAS trích dẫn, từ năm 2015 và 2016, xu hướng Open Banking đã phát triển, đặc biệt mạnh mẽ vào năm 2018. Open Banking cũng đã có sự vào cuộc tích cực của các công ty Fintech. Ở những thị trường phát triển như Anh, Mỹ… các công ty Fintech tham gia rất mạnh mẽ vào đáp ứng nhu cầu phương tiện thanh toán mới và sẵn sàng cung cấp tín dụng cho những khách hàng dưới chuẩn (Under Bank). Tuy nhiên quá trình này lại đem đến tác động ngược đến nhà băng.
Trong 2 đến 3 năm gần đây, ngân hàng đã thay đổi rất nhanh từ quy trình truyền thống sang công nghệ cùng nhiều sản phẩm phi truyền thống để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Ví dụ về hồ sơ tín dụng, trước đây khách hàng được đánh giá qua hồ sơ tín dụng rất truyền thống thì hiện nay đã sử dụng chấm điểm tín dụng, không cần dựa trên lịch sử tiêu dùng của khách mà có thể theo những thông tin liên quan. Hiện nay trên thị trường có những xu hướng chính bao gồm: Một là hầu hết hiện này là thẻ thanh toán không tiếp xúc (contactless); Hai là thẻ phi vật lý (Virtual Card).
Qua đây, ông Minh cũng bày tỏ kỳ vọng về hình thức phê duyệt tín dụng online bởi hiện nay quy định vẫn còn khó khăn trong việc này. Một xu hướng khác nổi lên hiện nay là thanh toán mua trước, trả sau (Buy Now Pay Later); Tokenization và nâng cao an toàn bảo mật trong thanh toán. Cuối cùng là eKYC và đồng nhất trải nghiệm của khách hàng.
Bên cạnh sản phẩm thẻ tín dụng thông thường được phát hành bởi các Ngân hàng hoặc các công ty tài chính, NAPAS hiện đã và đang phối hợp với các Tổ chức phát hành các loại thẻ mới, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng thẻ trong hoạt động thanh toán, tiết kiệm nguồn lực xã hội.
“Thẻ tín dụng nội địa NAPAS là sản phẩm giúp hoàn thiện hệ sinh thái thẻ chip nội địa theo định hướng của NHNN góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đáp ứng toàn diện nhu cầu sử dụng thẻ trong các hoạt động thanh toán của người dân Việt Nam. Chủ thẻ tín dụng nội địa bên cạnh các tích năng vượt trội sẽ được hưởng các ưu đãi đặc quyền cung cấp bởi NAPAS và các Ngân hàng góp phần nâng cao nhận thức về sử dụng thẻ tín dụng, đẩy mạnh doanh số sử dụng thẻ và góp phần vào thành công của định hướng Xã hội không dùng tiền mặt của Việt Nam”, Phó Tổng giám đốc NAPAAS nói.
Qua đây, ông Minh cũng đề xuất với NHNN để các hộ kinh doanh cá thể có thể dễ dàng đăng ký để thành khách hàng của nhà băng. Làm sao để các hộ kinh doanh cá thể có thể lên trang web hoặc ứng dụng ngân hàng khai báo nhanh chóng là đã sẵn sàng chấp nhận thanh toán thẻ.