Dù “mẹ đẻ” của chỉ báo suy thoái này đã lên tiếng phân tích, nhà đầu tư vẫn đứng ngồi không yên.
Ngày 2/8, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 7 yếu và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, một chỉ báo suy thoái đã xuất hiện.
Nền kinh tế Mỹ tạo ra 114.000 việc làm vào tháng 7, thấp hơn nhiều so với ước tính của các nhà kinh tế là 175.000. Tỷ lệ thất nghiệp vốn được dự báo không đổi lại tăng từ 4,1% lên 4,3%.
Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư cho rằng một chỉ báo suy thoái, được gọi là Quy tắc Sahm, đã được kích hoạt. Chỉ báo này do cựu quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Claudia Sahm tạo ra.
Quy tắc Sahm được kích hoạt khi tỷ lệ thất nghiệp bình quân ba tháng cao hơn 50 điểm cơ bản hoặc 0,5 điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong 12 tháng. Khi đó, nền kinh tế đã rơi vào suy thoái.
Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang St. Louis, chỉ báo suy thoái Sahm đã được kích hoạt trong ngày 2/8. Tỷ lệ thất nghiệp bình quân ba tháng đã tăng 53 điểm cơ bản so với mức đáy một năm.
Đó là một dấu hiệu đáng lo ngại cho nền kinh tế Mỹ nói chung. Vì quy tắc Sahm đã dự đoán chính xác một cách đáng kinh ngạc về các cuộc suy thoái tiềm tàng.
Kể từ năm 1953, không tính ngày 2/8 tuần này, quy tắc Sahm đã nhấp nháy cảnh báo 11 lần. Trong số đó, 10 lần nền kinh tế rơi vào suy thoái. Lần duy nhất quy tắc này dự báo không thành công là vào năm 1959. Nhưng ngay cả trong lần đó, suy thoái đã xảy ra 5 tháng sau khi tín hiệu từ quy tắc Sahm xuất hiện.
Nhà kinh tế Bill Adams tại Comerica Bank cho biết: “Việc quy tắc Sahm được kích hoạt và tỷ lệ thất nghiệp tăng làm gia tăng lo ngại rằng nền kinh tế yếu hơn dự kiến trong nửa cuối năm 2024. Đánh giá của chúng tôi về rủi ro suy thoái trong 12 tháng tới cao hơn so với trước khi dữ liệu này được công bố”.
Nhưng bản thân “mẹ đẻ” Sahm đã viết trong bài đăng trên Substack vào tuần trước rằng “tỷ lệ thất nghiệp tăng không đáng ngại”. Vì tỷ lệ thất nghiệp tăng trong năm qua không phải do cắt giảm việc làm, mà do nguồn cung lao động tăng từ xu hướng nhập cư.
Bà Sahm cho biết: “Quy tắc Sahm có thể đang cường điệu hóa sự suy yếu của thị trường lao động, do sự thay đổi bất thường về nguồn cung lao động từ đại dịch và nhập cư gây ra”.
Bà nói thêm rằng những thay đổi mạnh mẽ trong lực lượng lao động, bao gồm sự sụt giảm về tỷ lệ tham gia vào đầu đại dịch và sau đó là sự gia tăng nhập cư trong những năm gần đây, có khả năng khiến tỷ lệ thất nghiệp thay đổi.
Cựu quan chức Fed này nói rằng rủi ro suy thoái trong vài tháng tới đã tăng cao. Điều đó sẽ buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải cắt giảm lãi suất và điều này có thể làm giảm bớt một số áp lực suy thoái.
Mặc dù bà Sahm có thể không lo lắng về suy thoái sắp xảy ra lần này, nhưng các nhà đầu tư thì chắc chắn đứng ngồi không yên. Thị trường chứng khoán đã lao dốc hơn 2% sau báo cáo việc làm yếu kém.
Theo BI