Luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan cho hay, một tỷ phú người Malaysia muốn đầu tư vào dự án 6A, giúp bà Lan khắc phục hậu quả vụ án với nguồn thu 20.000 tỷ.
Ngày 18/11, phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 bị cáo khác tiếp tục với phần bào chữa của luật sư.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, hiện tại 658 mã tài sản của bị cáo Lan đang bị kê biên, tuy nhiên đã có nhà đầu tư bày tỏ ý định đưa vốn vào để phát triển các tài sản này, qua đó tạo ra nguồn thu cho bị cáo nhằm khắc phục hậu quả của vụ án. Luật sư cũng nhấn mạnh việc yêu cầu bị cáo nộp tiền mặt là rất khó khăn, trong khi việc xử lý tài sản sẽ giúp thu hồi một phần thiệt hại.
Vị luật sư cũng cho biết thêm, dự án 6A với diện tích 26ha tại khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TP.HCM của Trương Mỹ Lan chưa bị kê biên hoặc thế chấp, có tỷ phú người Malaysia sẵn sàng đầu tư vào dự án. Sau khi trừ các chi phí, dự án này dự kiến sẽ tạo ra số tiền lên tới 20.000 tỷ đồng, số tiền đủ để bị cáo Lan khắc phục hậu quả.
Cũng liên quan việc khắc phục hậu quả, luật sư đã đề xuất tòa án xem xét các điều kiện giam giữ đối với bị cáo Lan trong trường hợp bị cáo bị xử án tử hình.
Theo đó, nếu bị cáo bị kết án tử hình, việc thi hành án sẽ gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến khả năng khắc phục hậu quả. Ngược lại, nếu bị cáo được áp dụng án tù chung thân, khả năng thu hồi tài sản và khắc phục thiệt hại sẽ dễ dàng hơn, đồng thời giúp Nhà nước thu lại tài sản thiệt hại nhanh chóng hơn.
Hôm 15/11, tại phần luận tội và đề nghị án, VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Mỹ Lan đối với hai tội danh: Tham ô tài sản (tử hình) và Đưa hối lộ (20 năm tù).
Tuy nhiên, VKS đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, giảm mức án sơ thẩm từ 20 năm tù xuống còn 16 – 18 năm tù đối với tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tổng hợp các mức hình phạt, bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn phải chịu trách nhiệm với mức án cao nhất là tử hình.
Theo VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan đã bị TAND TP.HCM tuyên mức án tử hình cho ba tội danh: Tham ô tài sản (tử hình), Đưa hối lộ (20 năm tù) và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (20 năm tù). VKS đánh giá bản án này là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Mặc dù bị cáo đã nhận được nhiều bằng khen, thừa nhận hành vi phạm tội, bày tỏ sự ăn năn hối cải, tự nguyện đề xuất phương án khắc phục hậu quả cho toàn bộ vụ án và đã nộp thêm gần 3.000 tỷ đồng, nhưng với đơn kháng cáo các tội danh Tham ô tài sản và Đưa hối lộ, VKS cho rằng bị cáo đã thực hiện nhiều hành vi đặc biệt nghiêm trọng, sử dụng các thủ đoạn tinh vi để phạm tội.
Dù có thêm tình tiết giảm nhẹ, nhưng VKS nhận định vẫn chưa đủ điều kiện để giảm nhẹ hình phạt cho Trương Mỹ Lan ở hai tội danh này.
Theo nội dung vụ án, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm, nắm giữ từ 85 – 91,5% cổ phần SCB. Từ đó, bị can trở thành cổ đông có “quyền lực” chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.
Bên cạnh đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.
Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.
Trong đó, VKSND tối cao xác định nhiều hành vi được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.